Những đối tượng được hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Người bị suy giảm sức lao động có được rút bảo hiểm xã hội một lần không? Làm thế nào để giám định được mức suy giảm khả năng lao động? Trình tự, thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người bị suy giảm sức lao động.
Ngày nay có nhiều người lao động tham bảo hiểm xã hội để được đáp ứng những quyền lợi trong quá trình tham gia làm việc. Hơn nữa, việc tham gia bảo hiểm xã hội cũng là để đảm bảo cho người lao động được chi trả một khoản tiền khi nghỉ làm- được gọi là tiền bảo hiểm xã hội một lần khi họ nghỉ việc mà chưa đủ tuổi nhận lương hưu. Tuy nhiên việc rút bảo hiểm xã hội cũng phải đảm bảo đáp ứng được những điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật. Do đó một câu hỏi được đặt ra là người lao động bị suy giảm sức lao động thì có được rút Bảo hiểm xã hội một lần không?
Căn cứ pháp lý:
–
– Thông tư số 56/2017/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 29/12/2017 quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế;
– Quyết định số 166/QĐ-BHXH của cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành ngày 31/1/2019 ban hành quy trình giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Mục lục bài viết
1. Những đối tượng được hưởng bảo hiểm xã hội một lần:
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì những người lao động sau khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng bảo hiểm xã hội một lần sau khi nghỉ việc phải thuộc một trong các đối tượng sau:
– Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định pháp luật nhưng đến thời điểm nghỉ việc lại chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội;
– Người lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đủ tuổi nghỉ hưu đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 15 năm và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;
– Người lao động sau khi nghỉ việc ra nước ngoài để định cư;
– Người lao động mắc các bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định của Bộ Y tế về danh mục các bệnh hiểm nghèo, bệnh nguy hiểm đến tính mạng;
– Lao động trong lĩnh vực an ninh, quân đội khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc không đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13 thì người lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc mà chưa đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần khi họ có yêu cầu.
2. Người bị suy giảm sức lao động có được rút bảo hiểm xã hội một lần không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 56/2017/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành thì người lao động bị suy giảm khả năng lao động sẽ được rút bảo hiểm xã hội một lần ngày sau khi nghỉ việc khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện cụ thể sau:
– Người lao động có mức suy giảm khả năng lao động hoặc mức độ khuyết tật từ 81% trở lên và;
– Người lao động không thể tự kiểm soát hoặc không thể tự thực hiện được các hoạt động sinh hoạt thường ngày như đi lại, vệ sinh cá nhân và những công việc khác để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người đó hàng ngày phải có người khác theo dõi, giúp đỡ hoặc chăm sóc người đó hoàn toàn.
Do đó, khi nghỉ việc, người lao động bị suy giảm khả năng lao động khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên thì có thể thực hiện rút bảo hiểm xã hội một lần ngay sau khi chấm dứt
3. Làm thế nào để giám định được mức suy giảm khả năng lao động?
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 Thông tư số 56/2017/TT-BYT thì người lao động muốn giảm định mức suy giảm khả năng lao động thì phải chuẩn bị hồ sơ yêu cầu giám định. Theo đó, hồ sơ được chuẩn bị với đầy đủ các giấy tờ được quy định tại khoản 6 Điều 6 Thông tư tên, cụ thể sau:
– Giấy đề nghị khám giám định mức suy giảm khả năng lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 Thông tư số 56/2017/TT-BYT;
– Giấy tờ chứng minh nhân thân như: Căn cước công dân/ Chứng minh thư nhân dân/ Hộ chiếu còn hiệu lực. Nếu không có giấy tờ tuỳ thân nêu trên thì phải có giấy tờ có ghi thông tin và dán ảnh có đóng dấu giáp lai của Cơ quan Công an cấp xã/ phường/ thị trấn.
– Bản chính hoặc bản sao hợp lệ của các giấy tờ chứng minh bệnh tật, điều trị bệnh như:
+ Tóm tắt hồ sơ bệnh án do bệnh viện cung cấp;
+ Giấy xác nhận là đối tượng bị khuyết tật;
+ Giấy ra viện;
+ Sổ khám, chữa bệnh;
+ Bản sao Hồ sơ bệnh nghề nghiệp nếu suy giảm khả năng lao động do công việc gây ra;
+ Biên bản giám định bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động.
Sau khi chuẩn bị hồ sơ với đầy đủ các giấy tờ nêu trên thì người lao động hoặc người được uỷ quyền nộp hồ sơ tại Cơ quan thường trực của Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh nơi người lao động đó cư trú. Tuy nhiên hiện nay người lao động cũng có thể nội hồ sơ tới Cơ quan thường trực thông qua đường bưu điện để giảm thiểu việc đi lại.
Cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh nhận hồ sơ hợp lệ và tổ chức giám định cho người lao động theo yêu cầu và trả kết quả là Biên bản giám định y khoa cho người có yêu cầu trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi có kết luận giám định.
4. Trình tự, thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người bị suy giảm sức lao động:
Người lao động bị suy giảm sức lao động khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện được phân tích tại phần 2 của bài viết này sẽ thực hiện trình tự, thủ tục sau để hưởng bảo hiểm xã hội một lần:
4.1. Chuẩn bị hồ sơ yêu cầu rút bảo hiểm xã hội một lần:
Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể tại Quyết định số 166/QĐ-BHXH năm 2019 của cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt thì để rút bảo hiểm xã hội một lần, người lao động bị suy giảm sức lao động cần chuẩn bị hồ sơ gồm đầy đủ các giấy tờ như các đối tượng khác được hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Cụ thể như sau:
– Đơn đề nghị hưởng BHXH 1 lần theo mẫu 14-HSB;
– Sổ bảo hiểm xã hội đã chốt đầy đủ quá trình tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động;
– Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh thể hiện tình trạng suy giảm lao động từ 81% trở lên và không tự phục vụ được.
– Bản sao hoặc bản chính Căn cước công dân/ Chứng minh thư nhân dân của người lao động để xuất trình đối chứng với cơ quan bảo hiểm y tế.
4.2. Nộp hồ sơ tại cơ quan bảo hiểm có thẩm quyền:
Theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội hiện hành, người lao động bị suy giảm sức lao động khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ được nêu trên thì nộp hồ sơ tại cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi cư trú,
Theo đó người lao động có thể nộp hồ sơ theo 02 cách thức sau:
– Phương thức thứ nhất: Nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần trực tiếp tại Cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi cư trú;
– Phương thức thứ hai: Nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần thông qua đường bưu điện tới cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi cư trú.
4.3. Cơ quan bảo hiểm xã hội tiếp nhận hồ sơ và giải quyết hồ sơ hợp lệ:
Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người lao động bị suy giảm sức lao động và kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thông báo và hướng dẫn người lao động bổ sung để bảo đảm tính hoàn thiện. Nếu hồ sơ đã hợp lệ thì cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện giải quyết hồ sơ.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 110 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, tính từ ngày nhận đủ hồ sơ của người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện có trách nhiệm giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động nghỉ việc. Nếu không thể giải quyết được hồ sơ và chi trả cho người lao động thì cơ quan bảo hiểm xã hội phải có trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4.4. Trả kết quả – người lao động được nhận tiền bảo hiểm xã hội một lần:
Sau khi nộp hồ sơ hợp lệ thì người lao động sẽ có thời gian chờ kết quả trả về. Tiền hưởng bảo hiểm xã hội một lần được chuyển về cho người lao động bị suy giảm sức lao động thông qua một trong 03 hình thức sau: trả trực tiếp cho người lao động tại cơ quan bảo hiểm xã hội, trả thông qua bưu điện và trả qua số tài khoản ngân hàng mà người lao động đã cung cấp.