Bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn bằng thế chấp quyền sử dụng đất. Vay vốn cho doanh nghiệp bằng quyền sử dụng đất.
Bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn bằng thế chấp quyền sử dụng đất. Vay vốn cho doanh nghiệp bằng quyền sử dụng đất.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi và 2 người bạn thành lập công ty TNHH, đã góp tiền mặt được một nửa số vốn điều lệ theo đúng tỷ lệ phân chia. Hiện nay, do nhu cầu vốn để kinh doanh, tôi sử dụng bìa đất của mình thế chấp để vay vốn. Tôi muốn hỏi trường hợp này tôi dùng pháp nhân công ty để vay được ko?và phần vốn bổ sung này có được tính là vốn góp để cuối năm phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ góp vốn mới không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Giải quyết vấn đề:
Theo như thông tin bạn cung cấp, hiện nay công ty bạn đang có nhu cầu vốn để kinh doanh nên bạn muốn sử dụng bìa đất của mình để thế chấp vay vốn. Hiện tại thì bạn và hai người bạn nữa khi thành lập công ty TNHH 2 thành viên trở lên đã dùng tiền mặt để góp đủ số vốn điều lệ theo đúng tỷ lệ phân chia, có nghĩa là ngoài tiền mặt, quyền sử dụng đất của bìa đất bạn đề cập tới chưa được dùng để góp vốn vào công ty TNHH.
Theo như quy định tại Bộ luật Dân sự 2005 về vấn đề thế chấp tài sản:
Điều 342. Thế chấp tài sản
1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp) và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp.
Trong trường hợp thế chấp toàn bộ bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp.
Trong trường hợp thế chấp một phần bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Tài sản thế chấp cũng có thể là tài sản được hình thành trong tương lai.
2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.
3. Việc thế chấp quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 715 đến Điều 721 của Bộ luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Như vậy nếu quyền sử dụng bìa đất của bạn chưa được đem đi để góp vốn vào công ty theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014 thì quyền định đoạt với bià đất này vẫn thuộc về cá nhân bạn mà không có sự chuyển quyền hay liên quan đến công ty, do vậy việc sử dụng pháp nhân công ty để dùng bìa đất thế chấp vay tài sản không thể thực hiện được.
Nếu bạn đứng ra bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp, bạn có thể là bên bảo lãnh để thực hiện thủ tục vay vốn cho bên được bảo lãnh, cam kết nghĩa vụ cho bên nhận bảo lãnh theo quy định tại Điều 361 Bộ luật dân sự 2005:
"Điều 361. Bảo lãnh
Bảo lãnh là việc người thứ ba (say đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thoả thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình."
Điều kiện để vay vốn theo hình thức thế chấp quyền sử dụng đất, người vay vốn cần còn phải đáp ứng các điều kiện cơ bản sau:
– Có đâỳ đủ năng lực hành vi dân sự.
– Có hộ khẩu/ sổ tạm trú dài hạn hoặc giấy đăng ký tạm trú tại địa tại nơi vay vốn
– Có thu nhập chứng minh được để đảm bảo khoản vay: qua lương. Mức thu nhập chứng minh được hàng tháng tối thiểu 8-10 triệu. Có thể tính tổng thu nhập của những người đồng trả nợ.
– Có mục đích vay hợp lý
– Không có nợ xấu tại bất kỳ tổ chức nào
Trên đây chỉ là những điều kiện cơ bạn, tùy từng tổ chức mà có những yêu cầu cụ thể. Bạn có thể tham khảo điều kiện vay vốn thế chấp bằng cách liên lạc trực tiếp để được xem xét cụ thể.
Ngoài ra bạn cũng có thể trực tiếp góp vốn vào công ty bằng quyền sử dụng đất theo quy định tại Luật doanh nghiệp 2014:
Điều 35. Tài sản góp vốn
1. Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
2. Quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp đối với các quyền nói trên mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn.
Sau khi thực hiện việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất, đi kèm sẽ và việc bạn thực hiện chuyển quyền sử dụng bìa đất này cho công ty, công ty có thể sử dụng quyền sử dụng đất được chuyển để tiến hành đem đi vay vốn.
Điều 36. Chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn
1. Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau đây:
a) Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ;
b) Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản.
Biên bản giao nhận phải ghi rõ tên và địa chỉ trụ sở chính của công ty; họ, tên, địa chỉ thường trú, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác, số quyết định thành lập hoặc đăng ký của người góp vốn; loại tài sản và số đơn vị tài sản góp vốn; tổng giá trị tài sản góp vốn và tỷ lệ của tổng giá trị tài sản đó trong vốn điều lệ của công ty; ngày giao nhận; chữ ký của người góp vốn hoặc đại diện theo ủy quyền của người góp vốn và người đại diện theo pháp luật của công ty;
c) Cổ phần hoặc phần vốn góp bằng tài sản không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng chỉ được coi là thanh toán xong khi quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn đã chuyển sang công ty.
2. Tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp.
3. Thanh toán mọi hoạt động mua, bán, chuyển nhượng cổ phần và phần vốn góp và nhận cổ tức của nhà đầu tư nước ngoài đều phải được thực hiện thông qua tài khoản vốn của nhà đầu tư đó mở tại ngân hàng ở Việt Nam, trừ trường hợp thanh toán bằng tài sản.
Trình tự, thủ tục của việc thế chấp vay vốn bằng quyền sử dụng đất của công ty TNHH 2 thành viên trở lên được thực hiện theo quy định của Luật đất đai 2013, Luật doanh nghiệp 2014 và Bộ luật Dân sự 2005.
>>> Luật sư tư vấn về bảo lãnh thế chấp quyền sử dụng đất: 1900.6568
Về vấn đề tỷ lệ vốn góp mới của công ty TNHH.
Sau khi góp vốn bằng quyền sử dụng đất cho công ty, việc định giá tài sản góp vốn sẽ là cơ sở xem xét lại tỷ lệ vốn điều lệ góp được tăng thêm so với vốn điều lệ ban đầu của công ty TNHH.
Điều 37. Định giá tài sản góp vốn
1. Tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.
2. Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc nhất trí hoặc do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được đa số các thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.
Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
3. Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do chủ sở hữu, Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và doanh nghiệp chấp thuận.
Trường hợp nếu tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn, chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời, liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
Khi thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ vốn góp được xác định theo Khoản 2 Điều 68 Luật doanh nghiệp 2014:
Điều 68. Thay đổi vốn điều lệ
1. Công ty có thể tăng vốn điều lệ trong các trường hợp sau đây:
a) Tăng vốn góp của thành viên;
b) Tiếp nhận vốn góp của thành viên mới.
2. Trường hợp tăng vốn góp của thành viên thì vốn góp thêm được phân chia cho các thành viên theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty. Thành viên có thể chuyển nhượng quyền góp vốn của mình cho người khác theo quy định tại Điều 53 của Luật này. Thành viên phản đối quyết định tăng thêm vốn điều lệ có thể không góp thêm vốn. Trường hợp này, số vốn góp thêm của thành viên đó được chia cho các thành viên khác theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty nếu các thành viên không có thỏa thuận khác.
3. Công ty có thể giảm vốn điều lệ bằng các hình thức sau đây:
a) Hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên theo tỷ lệ vốn góp của họ trong vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục trong hơn 02 năm, kể từ ngày đăng ký doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho thành viên;
b) Công ty mua lại phần vốn góp của thành viên theo quy định tại Điều 52 của Luật này;
c) Vốn điều lệ không được các thành viên thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 48 của Luật này.
4. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc tăng hoặc giảm vốn điều lệ, công ty phải thông báo bằng văn bản đến Cơ quan đăng ký kinh doanh. Thông báo phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số doanh nghiệp;
b) Vốn điều lệ; số vốn dự định tăng hoặc giảm;
c) Thời điểm, lý do và hình thức tăng hoặc giảm vốn;
d) Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Đối với trường hợp tăng vốn điều lệ, kèm theo thông báo phải có nghị quyết và biên bản họp của Hội đồng thành viên. Đối với trường hợp giảm vốn điều lệ, kèm theo thông báo phải có nghị quyết và biên bản họp của Hội đồng thành viên và báo cáo tài chính gần nhất. Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật thông tin về việc tăng hoặc giảm vốn điều lệ trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo.
Công ty TNHH 2 thành viên trở lên có hai cách tăng vốn điều lệ đó là nhận vốn góp của thành viên mới hoặc tăng vốn góp của các thành viên. Trong trường hợp của bạn nếu giữa các thành viên có thỏa thuận hoặc cùng tăng vốn góp theo tỷ lệ tương ứng phần vốn góp trong vốn điều lệ ban đầu của công ty thì tỷ lệ vốn góp vẫn chưa thay đổi. Nếu trong trường hợp có thỏa thuận cụ thể hoặc không thực hiện chuyển nhượng và khoản vốn góp thêm không đảm bảo giữ được tỷ lệ vốn góp cũ giữa các thành viên thì sẽ xác lập một tỷ lệ vốn góp mới. Nguyên tắc phân chia lợi nhuận vẫn được thực hiện theo quy định của Điều 69 Luật doanh nghiệp 2014:
Điều 69. Điều kiện để chia lợi nhuận
Công ty chỉ được chia lợi nhuận cho các thành viên khi kinh doanh có lãi, đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản đến hạn trả khác sau khi chia lợi nhuận.