Bảo hiểm xã hội là một trong những chính sách an sinh xã hội do nhà nước tổ chức thực hiện cho người dân. Vậy pháp luật quy định về loại hình bảo hiểm này như thế nào và các chế độ có bao gồm những gì?
Mục lục bài viết
1. Bảo hiểm tự nguyện là gì?
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia bảo hiểm được quyền lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với tài chính của mình.
Căn cứ theo Khoản 4, Điều 2
2. Quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện:
– Được hưởng lương hưu hàng tháng khi về già
– Được cấp thẻ bảo hiểm y tế trong suốt thời gian hưởng lương hưu
– Được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí khi tham gia
– Lương hưu được điều chỉnh theo Chỉ số giá tiêu dùng
– Được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp thu nhập của bản thân
– Thân nhân được hưởng chế độ tử tuất khi người tham gia qua đời.
Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được quy định như sau:
– Mức đóng hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn
– Mức thu nhập tháng của người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn: thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.
– Mức đóng 03 tháng hoặc 06 tháng hoặc 12 tháng: được xác định bằng mức đóng hàng tháng nhân với 3 hoặc 6 hoặc 12.
– Đóng 1 lần cho những năm về sau: được tính bằng tổng mức đóng của các tháng đóng trước, chiết khấu theo lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do BHXH Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng; (lưu ý: đóng trước từ đủ 02 năm mới được chiết khấu)
– Đóng 1 lần cho những năm còn thiếu: được tính bằng tổng mức đóng của các tháng còn thiếu, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do BHXH Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.
* Lưu ý:
– Người tham gia BHXH tự nguyện không phải đóng mức chênh lệch nếu Chính phủ điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo khi đã đóng theo phương thức đã đăng ký (3, 6, 12 tháng/lần hoặc một lần cho những năm về sau).
Từ 01/01/2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng), cụ thể:
STT | Đối tượng | % Hỗ trợ | Chuẩn nghèo | Số tiền hỗ trợ |
1 | Hộ nghèo | 30% | 700.000 | 700.000 * 22% * 30% = 46.200đ |
2 | Hộ cận nghèo | 25% | 700.000 | 700.000 * 22% * 25% = 38.500đ |
3 | Khác | 10% | 700.000 | 700.000 * 22% * 10% = 15.400đ |
3. Các chế độ của bảo hiểm xã hội tự nguyện:
Căn cứ Chương IV, Luật BHXH Việt Nam 2014 quy định chi tiết về mức hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện, cụ thể như sau:
3.1. Chế độ hưu trí:
Lương hưu hàng tháng bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng BHXH, trong đó:
– Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm.
– Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Sau đó cứ mỗi năm thì được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Trợ cấp 1 lần:
+ Mỗi năm đóng cao hơn số năm tương ứng tỷ lệ hưởng lương hưu 75% được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
+ BHXH 1 lần:
Người lao động thuộc các trường hợp dưới đây mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đủ điều kiện về tuổi theo quy định để hưởng hưu trí nhưng chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội mà không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội;
b) Ra nước ngoài để định cư;
c) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.
Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
a) 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
b) 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;
c) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 01 năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.
3.2. Chế độ tử tuất:
Một là, trợ cấp mai táng
Bằng 10 lần mức lương cơ sở (mức trợ cấp hiện tại là 14,9 triệu đồng), dành cho người có thời gian đóng từ đủ 60 tháng trở lên hoặc đang hưởng lương hưu.
Hai là, trợ cấp tuất
Đối với thân nhân của người đang đóng hoặc đang bảo lưu thời gian đóng, cứ mỗi năm:
- 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH (đóng trước năm 2014);
- 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH (đóng từ năm 2014 trở đi);
- Tối đa 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH nếu đóng chưa đủ 01 năm;
- Tối thiểu 03 tháng mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH nếu tham gia cả BHXH bắt buộc và tự nguyện.
Đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu:
- 48 tháng lương hưu đang hưởng nếu chết trong 02 tháng đầu hưởng lương hưu;
- Cứ hưởng thêm 01 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng nếu chết vào những tháng sau đó.
Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là một hợp phần quan trọng trong chính sách BHXH, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Tham gia BHXH tự nguyện đảm bảo an sinh cho người lao động khi hết tuổi lao động, không còn khả năng lao động được Quỹ BHXH chi trả lương hưu, đảm bảo thu nhập và ổn định cuộc sống. BHXH tự nguyện thể hiện chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước ta nhằm góp phần ổn định cuộc sống của người lao động khi về già, quỹ bảo hiểm được nhà nước bảo trợ, đồng thời, chính sách này cũng thể hiện sự tích cực, chủ động của người lao động về tự an sinh cho chính bản thân mình, góp phần chia sẻ cộng đồng và phát triển xã hội.
Để cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Luật BHXH, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện để người dân tham gia BHXH tự nguyện, đó là: Người tham gia BHXH tự nguyện và thân nhân sẽ được hưởng nhiều quyền lợi như: Hưởng lương hưu (khi nam từ đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên và có từ đủ 20 năm đóng BHXH trở lên); được cấp thẻ BHYT để khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT khi đang hưởng lương hưu (không phải mua BHYT); lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với quỹ BHXH; người đang hưởng lương hưu, hoặc người đang tham gia BHXH tự nguyện từ đủ 5 năm trở lên, khi qua đời thì thân nhân được hưởng tiền mai táng phí và tiền tuất một lần; được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng khi tham gia BHXH tự nguyện với thời gian hỗ trợ tối đa là 10 năm; Thời gian đã đóng BHXH đều được ghi nhận để tính hưởng BHXH.
Ví dụ: Người dân chọn mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện thấp nhất hiện nay là mức thu nhập theo chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn, bằng 700.000 đồng/tháng, tương ứng với mức đóng BHXH là 154.000 đồng/tháng. Người tham gia BHXH tự nguyện được nhà nước hỗ trợ bằng 10%, 25% đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo và 30% đối với người thuộc hộ gia đình nghèo tính trên mức đóng 154.000 đồng/tháng. Như vậy, một người chỉ cần mỗi ngày tiết kiệm không đến 5.000 đồng để tham gia BHXH tự nguyện thì sau 20 năm đóng BHXH tự nguyện và khi đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ là đã được hưởng lương hưu với mức 400 nghìn đồng/tháng (nếu người lao động đóng bằng mức chuẩn nghèo nông thôn 700 nghìn đồng thì trong 20 năm phải đóng số tiền là 36.960 nghìn đồng, chưa tính trừ phần Nhà nước hỗ trợ; đến khi đủ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu bằng 400 nghìn đồng/ tháng và giả sử tuổi thọ bình quân sống 20 năm thì số tiền lương hưu được hường là 96 triệu, chưa tình phần tăng lên do Nhà nước điều chỉnh lương hưu khi trượt giá và tăng trưởng kinh tế đem lại). Điều này có thể thấy rõ tính chất ưu việt của BHXH tự nguyện, do Nhà nước bảo hộ.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện có vai trò quan trọng như vậy, dẫn đến vấn đề đặt ra là cần phải có giải pháp thúc đẩy phát triển chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo đó, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền sâu rộng, cụ thể quyền, nghĩa vụ của chính sách, chế độ BHXH tự nguyện, thu hút sự tham gia của người dân. Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội phải làm chuyển biến cho chính thành viên của tổ chức mình tham gia BHXH trước để từ đó vận động người khác cùng tham gia. Làm như vậy mới thể hiện trách nhiệm trong việc chăm lo đời sống nhân dân… để người dân hiểu biết rõ được tính ưu việt, nhân văn của chính sách này, nắm được quy trình thủ tục tham gia và quyền lợi được hưởng.
Cần phải nhấn mạnh hơn nữa vai trò chủ động của ngành BHXH trong việc phối hợp với các ngành có liên quan đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, vận động thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tập huấn, hội thảo, bám sát cơ sở “đến tận ngõ, gõ từng nhà” tránh hình thức. Khẩn trương tổ chức thực hiện đề án tăng cường hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện thông qua việc tuyên truyền, các cơ quan nhà nước có liên quan cần nghiên cứu dành nguồn kinh phí hàng năm thúc đẩy việc tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện để người dân biết tham gia.