Bảo hiểm thất nghiệp theo pháp luật Nhật Bản? Bảo hiểm thất nghiệp theo pháp luật Trung Quốc? Bảo hiểm thất nghiệp theo pháp luật Thái Lan?
Trong sự phát triển kinh tế thị trường, tại bất cứ quốc gia nào, thất nghiệp là một hệ quả tất yếu khách quan mà Chính phủ các quốc gia phải đối mặt. Hiện nay, tại các nước phát triển, Bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện rộng rãi với những bộ luật quy định khá hoàn thiện và chặt chẽ. Mỗi nước đều có quy định riêng dựa theo những nguyên tắc của nước mình. Chính sách Bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện rộng tãi, được quản lý linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của con người, cũng như của nền kinh tế – xã hội.
Luật sư
Mục lục bài viết
1. Chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo pháp luật Nhật Bản:
Nhật Bản là một trong những nước có hệ thống ASXH hiện đại và tiện tiến trên thế giới. Các chính sách pháp luật liên quan đến Người lao động luôn là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ quốc gia này. Thực tế, Nhật Bản không gọi Bảo hiểm thất nghiệp trong các văn bản pháp luật chính thống mà thay vào đó là cụm từ “Bảo hiểm việc làm”, trong đó quy định các nội dung liên quan đến Trợ cấp thất nghiệp và giải quyết quyền lợi cho Người lao động mất việc làm.
Về đối tượng hưởng bảo hiểm: Tại Nhật Bản, cả công dân quốc gia này hay người nước ngoài cư trú tại Nhật Bản đều có thể nhận trợ cấp thất nghiệp nếu họ đáp ứng các điều kiện thích hợp, cụ thể:
– Người tham gia bảo hiểm thông thường: Là những người có bảo hiểm, nhưng không thuộc những đối tượng: người có bảo hiểm là người cao tuổi, người có bảo hiểm lao động ngắn hạn đặc biệt, người có bảo hiểm lao động theo ngày.
– Người có bảo hiểm cao tuổi: Người có bảo hiểm từ 65 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng người có bảo hiểm lao động ngắn hạn đặc biệt và người có bảo hiểm lao động theo ngày.
Theo đó, “người có bảo hiểm lao động ngắn hạn đặc biệt là những người làm việc mang tính mùa vụ và không thuộc bất kỳ trường hợp nào sau đây: Những người làm việc một cách cố định trong vòng 4 tháng; Những người mà thời gian làm việc cố định trong một tuần chưa đến 30 giờ. “Người làm việc mang tính thời vụ” trong trường hợp này là người được thuê làm công việc mang tính thời vụ trong một thời gian cố định, hoặc là người vào làm và nghỉ việc theo mùa vụ. Mặt khác, nếu thời gian mà người có bảo hiểm lao động ngắn hạn đặc biệt tiếp tục làm việc cho cùng một Người sử dụng lao động từ một năm trở lên, thì kể từ ngày được làm việc từ 1 năm trở lên đó, người đó sẽ không còn là người có bảo hiểm đặc biệt, và sẽ là người tham gia bảo hiểm thông thường (dưới 65 tuổi) hoặc người có bảo hiểm cao tuổi (65 tuổi trở lên). Ngoài ra, theo nguyên tắc, đối với Người lao động làm việc liên tục tại cùng một cơ sở kinh doanh trong thời gian làm việc dưới một năm, vào làm và nghỉ việc nhiều lần trong thời gian chuyển việc cực kỳ ngắn và nhận được khoản tiền trợ cấp đặc biệt mỗi lần như vậy thì sau đó, sẽ được coi là người tham gia bảo hiểm thông thường.
– Người có bảo hiểm lao động theo ngày: Là người được thuê hàng ngày hoặc được thuê trong một khoảng thời gian cố định trong vòng 30 ngày.
Về các chế độ Bảo hiểm thất nghiệp : Trợ cấp thất nghiệp có 4 hoạt động chính bao gồm: trợ cấp về mặt tài chính trong giai đoạn thất nghiệp và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ xúc tiến việc làm, hỗ trợ chuyển tiếp.
về trợ cấp cơ bản: Số ngày quy định để hưởng trợ cấp cơ bản của trợ cấp cho người tìm việc đối với người tham gia bảo hiểm thông thường trong Bảo hiểm thất nghiệp (số ngày có thể nhận được hỗ trợ về khoản trợ cấp cơ bản) sẽ được xác định theo độ tuổi, thời gian tham gia Bảo hiểm thất nghiệp và lý do nghỉ việc; được xác định tương ứng từ 90 ngày đến 360 ngày. Theo nguyên tắc, thời gian nhận trợ cấp của Bảo hiểm thất nghiệp là một năm kể từ ngày hôm sau của ngày nghỉ việc. Người lao động bị mất việc do doanh nghiệp phá sản hoặc thừa lao động thì Người lao động sẽ được hưởng trợ cấp từ 20 đến 330 ngày, các trường hợp mất việc khác như muốn thay đổi công việc,... được hưởng từ 90 đến 150 ngày.
Công thức tính tổng mức Trợ cấp thất nghiệp được tính là mức trợ cấp chung của một ngày nhân với số ngày được hưởng. Cụ thể: Trợ cấp 1 ngày = (tổng lương 6 tháng trước khi nghỉ việc) : 180 x (hệ số: 50 đến 80%). Hệ số sẽ được xác định theo thu nhập của mỗi người. Như vậy, những người có mức lương cơ sở thấp thì tỷ lệ phụ cấp cao hơn, số tiền trợ cấp cơ bản hàng ngày sẽ được quy định với mức tối đa theo từng độ tuổi. Đối với những người từ 60 tuổi đến 64 tuổi, hệ số sẽ từ 45 đến 80%.
Về trợ cấp điều chỉnh việc làm do Covid-19: Mặc dù Nhật Bản là quốc gia duy trì tỷ lệ thất nghiệp khá thấp tuy nhiên trong những năm qua, đại dịch Coronavirus và tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp, nhân viên và người tìm việc. Tỷ lệ thất nghiệp trên toàn quốc đã đạt mức cao nhất trong một năm là 2,5% vào tháng 03/2020, với hơn 3.000 người mất việc làm kể từ cuối tháng Một. Nhiều doanh nghiệp phải chịu áp lực sa thải nhiều lao động, đặc biệt là trong các ngành du lịch, sản xuất và dịch vụ, nơi mà việc ngừng hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập.
Khi tình trạng cắt giảm việc làm và cơ hội làm việc thu hẹp đang hoành hành ở Nhật Bản và cả lao động nước ngoài, trung tâm dịch vụ việc làm Hello Work của Chính phủ đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm việc làm trực tuyến và tư vấn qua điện thoại cho những người tìm việc.
Kể từ ngày 25/02/2020, người đã nghỉ việc vì những lý do sau sẽ được coi là “những người đã nghỉ việc vì những lý do đặc biệt” và sẽ không bị giới hạn trợ cấp cho người tìm việc làm của Bảo hiểm thất nghiệp , bao gồm:
(1) Khi có thành viên trong gia đình đang sống chung bị nhiễm Covid, hoàn cảnh cá nhân cần nghỉ việc để chăm sóc.
(2) Khi nghỉ việc vì hoàn cảnh cá nhân, dựa trên quan điểm phòng ngừa lây nhiễm và tránh làm bệnh nặng hơn do có người bị nhiễm bệnh tại nơi làm việc của người này, hoặc là, người này hoặc người trong gia đình đang sống chung có bệnh lý nền, hoặc là, do đang mang thai hoặc đã lớn tuổi.
(3) Khi nghỉ việc vì hoàn cảnh cá nhân để chăm sóc trẻ (giới hạn đối với những trẻ đi học tiểu học, trường giáo dục bắt buộc, trường hỗ trợ đặc biệt, câu lạc bộ trẻ em sau giờ học, trường mẫu giáo, nhà trẻ, cơ sở giáo dục trẻ em được chứng nhận) bị ảnh hưởng bởi việc nhiễm Coronavirus chủng mới.
Liên quan đến trường hợp đặc biệt tạm thời của Luật Bảo hiểm thất nghiệp , đối với những Người lao động bị cho thôi việc do ảnh hưởng của dịch Coronavirus chủng mới mà không được nhận lương trong thời gian nghỉ, ngoài việc triển khai các hoạt động để hỗ trợ tiền trợ cấp nghỉ việc cho các trường hợp này, các biện pháp đặc biệt của Luật Bảo hiểm thất nghiệp sẽ được đưa ra để kéo dài số ngày được nhận trợ cấp cơ bản. Để đối phó với vấn đề hoạt động tìm kiếm việc làm kéo dài do ảnh hưởng của dịch Coronavirus mới, thì số ngày hưởng trợ cấp có thể được kéo dài 60 ngày một phần là 30 ngày) đối với những người nhận trợ cấp cơ bản của Bảo hiểm thất nghiệp .
Các chính sách của Nhật Bản không chỉ hỗ trợ về tài chính mà còn là một hệ thống để hỗ trợ đảm bảo việc làm lâu dài cho Người lao động thông qua những chế độ khác nhau. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản còn đưa ra các quy định, các chính sách ngay từ khi Người lao động mất việc làm như nâng cao trình độ tay nghề khi vẫn đang làm việc, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực. Đó chính là các biện pháp phòng ngừa từ xa tình trạng thất nghiệp.
2. Chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo pháp luật Trung Quốc:
Về đối tượng tham gia Bảo hiểm thất nghiệp : Điều 44 Luật BHXH năm 2010 quy định: “Người lao động có nghĩa vụ đăng kí tham gia hệ thống Bảo hiểm thất nghiệp . Người sử dụng lao động và Người lao động có nghĩa vụ đóng góp vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Nhà nước”. Như vậy, nhóm đối tượng thuộc diện bao phủ của chế độ Bảo hiểm thất nghiệp ở Trung Quốc theo quy định này đã được mở rộng hơn về quy mô so với quy định về Bảo hiểm thất nghiệp năm 1999. Luật BHXH năm 2010 không phân biệt đối tượng tham gia.
Thứ hai, về chế độ hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kĩ năng nghề. Hiện nay, đa số các lớp bồi dưỡng, việc làm đều chủ yếu liên quan tới một số ngành nghề trình độ không cao, không đa dạng và thời gian đào tạo chỉ trong khoảng 1 tháng. Người thất nghiệp sau khi tham gia bồi dưỡng vẫn gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm và chọn nghề, số người chủ động tìm kiếm việc làm còn rất ít. Vì vậy, dù Trung Quốc đã có định hướng về vấn đề thúc đẩy việc làm nhưng trên thực tế chưa phát huy được chính sách này.
Thứ ba, người thất nghiệp tham gia Bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hưởng BHYT cơ bản và mai táng phí. Đây là một chính sách mang tính xã hội cao, hỗ trợ cho Người lao động không may bị mất việc làm. Mức chi trả mai táng phí tùy thuộc vào từng địa phương mà sẽ có sự khác biệt về chi phí hỗ trợ, quy định này phù hợp với từng điều kiện kinh tế ở từng địa phương khác nhau.
Về Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp : Mức đóng được xác định bao gồm: Doanh nghiệp đóng 2% quỹ tiền lương và Người lao động đóng 1% tiền lương. Nông dân làm việc theo HĐLĐ trong các doanh nghiệp không phải đóng góp. Nguồn ngân sách cho Quỹ không ngừng được bổ sung từ đóng góp của Người lao động và doanh nghiệp là chủ yếu. Ngoài ra, còn có các nguồn thu khác như tiền lãi ngân hàng, nguồn hỗ trợ của nhà nước và các nguồn quỹ khác.
3. Chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo pháp luật Thái Lan:
Về đối tượng tham gia Bảo hiểm thất nghiệp : Pháp luật về Bảo hiểm thất nghiệp ở Thái Lan không có Bảo hiểm thất nghiệp tự nguyện. Đối tượng tham gia Bảo hiểm thất nghiệp gồm tất cả các Doanh nghiệp có sử dụng từ 01 Người lao động trở lên.
Về mức đóng góp: Người sử dụng lao động và Người lao động hàng tháng đóng cùng một mức như nhau cho Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là 0,5% mức tiền lương, Nhà nước đóng 0,25% quỹ tiền lương. Chính phủ Thái Lan quy định mức tiền lương tháng tối thiểu được sử dụng làm căn cứ đóng Bảo hiểm thất nghiệp là 1.650 baht (tương đương khoảng 1,2 triệu đồng Việt Nam), và mức tối đa không vượt quá 15.000 baht (tương đương khoảng 11 triệu đồng Việt Nam).
Về chế độ trợ cấp thất nghiệp:
– Điều kiện hưởng: Tại Thái Lan, theo Điều 78, Chương 8 Luật An sinh xã hội Thái Lan 1990, một Người lao động được hưởng các lợi ích thất nghiệp khi đã đóng Bảo hiểm thất nghiệp ít nhất 6 tháng trong khoảng thời gian 15 tháng trước khi nghỉ việc; Đăng kí thất nghiệp với cơ quan dịch vụ việc làm của Nhà nước; Người lao động đó cũng phải có đủ năng lực lao động, sẵn sàng làm công việc phù hợp khi được giới thiệu việc làm tại Văn phòng dịch vụ việc làm, không từ chối khóa đào tạo nghề do Văn phòng dịch vụ việc làm giới thiệu; và trình báo tình trạng tìm việc làm hàng tháng tại Văn phòng.
Trên cơ sở các điều kiện chung nói trên, Luật An sinh xã hội sửa đổi bổ sung năm 2015 bổ sung thêm trường hợp Người lao động vẫn có thể được hưởng Trợ cấp thất nghiệp
nếu Người sử dụng lao động dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một thời gian tạm thời, ví dụ như do lũ lụt hoặc sự kiện bất khả kháng với điều kiện bắt buộc là Người sử dụng lao động phải đóng góp cho quỹ bảo hiểm ít nhất 6 tháng trong thời hạn 15 tháng trước khi sự kiện xảy ra.
– Mức hưởng Bảo hiểm thất nghiệp : Trường hợp Người lao động chủ động thôi việc, mức Trợ cấp thất nghiệp mỗi tháng bằng 30% mức thu nhập được bảo hiểm, thời gian được hưởng không quá 90 ngày trong 1 năm. Trường hợp Người lao động bị cho thôi việc mà không phạm lỗi, mức Trợ cấp thất nghiệp bằng 50% mức thu nhập được bảo hiểm, thời gian được hưởng không quá 180 ngày trong 1 năm. Hiện nay, Thái Lan được xem là một trong các quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất khu vực và thế giới..
Về xử lí vi phạm pháp luật về Bảo hiểm thất nghiệp : Các biện pháp xử lý vi phạm về Bảo hiểm thất nghiệp của Thái Lan được quy định tại Phần 6 của Luật An sinh xã hội 1990 được sửa đổi, bổ sung vào các năm 1994, 1999 và 2015. Hình thức xử phạt bao gồm: phạt tù với thời hạn tối đa là 6 tháng và phạt tiền, hoặc cả hai hình phạt này. Bên cạnh đó, Điều 101 của Luật này còn quy định rằng trong trường hợp chủ thể thực hiện hành vi vi phạm là pháp nhân thì người đại diện, thành viên liên danh, hoặc người chịu trách nhiệm điều hành pháp nhân đó sẽ chịu hình phạt tù áp dụng đối với pháp nhân... Như vậy, mức độ răn đe của các chế tài là tương đối cao khi áp dụng trách nhiệm đối với cá nhân quản lý công ty vi phạm.
Mặt khác, pháp luật về Bảo hiểm thất nghiệp ở Thái Lan có sự phân biệt rất rõ giữa trường hợp Người lao động chủ động thôi việc và bị cho thôi việc. Khi chủ động thôi việc, Người lao động chỉ được hưởng một phần của Trợ cấp thất nghiệp . Có thể thấy, quy định này đảm bảo công bằng trong việc thực thi các chính sách Bảo hiểm thất nghiệp , đảm bảo tính ổn định của quỹ.
2. Những gợi mở cho Việt Nam:
Thông qua việc tìm hiểu các quy định, chính sách pháp luật của Bảo hiểm thất nghiệp các nước như Nhật Bản, Trung Quốc và Thái Lan đã cho thấy, mỗi quốc gia đều có những quy định khác nhau phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể và điều kiện kinh tế, xã hội của từng quốc gia. Mỗi nước đều có những quy định, chính sách để Việt Nam tham khảo và học hỏi.
Tại Nhật Bản, Người lao động được hưởng chế độ Trợ cấp thất nghiệp đến 65 tuổi, cao hơn rất nhiều so với các quốc gia khác. Nhật Bản rất chú trọng đến việc quan tâm, chăm sóc người cao tuổi nhưng khó khăn về mặt kinh tế. Đây là một chính sách đáng được nhân rộng và Việt Nam có thể học hỏi từ Nhật Bản về chính sách này, đảm bảo sự trợ giúp của Chính phủ đối với Người lao động ngày cả khi họ đã về già.
Tại Trung Quốc, chế độ Bảo hiểm thất nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế thị trường hướng tới thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn – thành thị. Việc phân biệt giữa thành thị – nông thôn sẽ có nguy cơ kéo xa khoảng cách giữa tầng lớp giàu – nghèo trong xã hội. Ở Việt Nam, giữa các vùng miền vẫn có sự chênh lệch nhất định về trình độ phát triển kinh tế, phân bổ nguồn lao động, tỉ lệ thất nghiệp,... Để giảm thiểu khoảng cách giàu nghèo, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu đặc điểm từng vùng miền để có chính sách Bảo hiểm thất nghiệp phù hợp, tránh tình trạng chênh lệch về trình độ phát triển Bảo hiểm thất nghiệp dẫn đến chênh lệch về lợi ích của Người lao động .
Bên cạnh đó, chế độ Bảo hiểm thất nghiệp ở Trung Quốc đã chú trọng và yêu cầu tìm kiếm việc làm của người thất nghiệp là tiêu chí để được hưởng trợ cấp. Pháp luật về Bảo hiểm thất nghiệp tại Trung Quốc đã yêu cầu người thất nghiệp phải ghi danh trong hệ thống quản lý thất nghiệp quốc gia. Đây cũng là cách để có thể kiểm soát thất nghiệp và từ đó có những hỗ trợ về đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người thất nghiệp đang tìm kiếm việc làm.
Điều kiện xét duyệt Trợ cấp thất nghiệp của Thái Lan khá chặt chẽ, đặt ra các trường hợp mà Người lao động chủ động thôi việc và bị cho thôi việc. Việt Nam hiện nay chưa có sự phân biệt về thụ hưởng chế độ Bảo hiểm thất nghiệp giữa hai trường hợp trên. Vì vậy, Việt Nam có thể bổ sung thêm các quy định về nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến thất nghiệp trong điều kiện hưởng Bảo hiểm thất nghiệp ; liệt kê các trường hợp cụ thể mà Người lao động được hưởng và không được hưởng chế độ Bảo hiểm thất nghiệp .
Nhìn chung, các chế tài áp dụng đối với hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực Bảo hiểm thất nghiệp theo pháp luật Việt Nam được xây dựng tương đối về mặt khuôn khổ, nhưng so với pháp luật Thái Lan, mức răn đe còn chưa đủ cao khi họ áp dụng cả trách nhiệm cá nhân quản lý đối với sai phạm của Người sử dụng lao động . Để việc tuân thủ pháp luật được tối ưu hơn, pháp luật Việt Nam cần bổ sung trách nhiệm cá nhân của người quản lý đơn vị sử dụng lao động trong các vi phạm liên quan đến Bảo hiểm thất nghiệp .
Pháp luật về Bảo hiểm thất nghiệp là một chế định trong hệ thống các chế định BHXH, bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các vấn đề liên quan đến Bảo hiểm thất nghiệp , được hình thành do có sự đóng góp của Người lao động , Người sử dụng lao động dưới sự bảo trợ của Nhà nước. Quan hệ phát sinh trong lĩnh vực Bảo hiểm thất nghiệp thường bao gồm: quan hệ giữa Người lao động bị mất việc làm với Người sử dụng lao động , giữa người thất nghiệp với cơ quan quản lý Bảo hiểm thất nghiệp và các mối quan hệ khác liên quan [8].
Bảo hiểm thất nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đảm bảo thu nhập cho Người lao động khi bị mất việc làm. Nếu như thất nghiệp là một hiện tượng khách quan của nền kinh tế thị trường thì việc xây dựng hệ thống pháp luật về Bảo hiểm thất nghiệp cũng là việc làm vô cùng cấp thiết đối với mỗi quốc gia, nhằm đảm bảo đầy đủ quyền lợi của Người lao động cũng như duy trì sự ổn định và phát triển kinh tế. Pháp luật của nhiều nước đã ghi nhận chính sách này và điều chỉnh ở nhiều nội dung khác nhau như về đối tượng tham gia, điều kiện hưởng, chế độ hưởng,... Do điều kiện kinh tế, xã hội của các nước khác nhau nên pháp luật về Bảo hiểm thất nghiệp của các nước cũng là khác nhau.
Có thể khái quát khái niệm pháp luật về Bảo hiểm thất nghiệp như sau:
Pháp luật về Bảo hiểm thất nghiệp là tổng thể các quy phạm pháp luật do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ về việc đóng góp và sử dụng quỹ Bảo hiểm thất nghiệp , chi trả trợ cấp thất nghiệp để bù đắp thu nhập cho Người lao động bị mất việc làm và thực hiện các biện pháp hỗ trợ nhằm đưa người thất nghiệp trở lại thị trường lao động và tìm được việc làm