Để việc thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình có hiệu quả phụ thuộc rất lớn vào mức độ hoàn thiện của hệ thống văn bản pháp luật quy định về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình.
Mục lục bài viết
- 1 1. Yếu tố pháp luật:
- 2 2. Yếu tố về trình độ, năng lực, phẩm chất chính trị và đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức có trách nhiệm trong thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình:
- 3 3. Yếu tố về ý thức pháp luật của các chủ thể trong thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình:
- 4 4. Yếu tố về nguồn kinh phí, cơ sở vật chất:
1. Yếu tố pháp luật:
Muốn thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình có hiệu quả phụ thuộc rất lớn vào mức độ hoàn thiện của hệ thống văn bản pháp luật quy định về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình. Bản thân các văn bản pháp luật đó phải có chất lượng thì mới đảm bảo việc thi hành pháp luật có kết quả tốt. Vì thế, văn bản pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình phải đảm bảo các tiêu chí sau:
Một là, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Nội dung các văn bản pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình không trái với Hiến pháp, không chồng chéo, không mâu thuẫn nhau và không mâu thuẫn với các văn bản pháp luật có liên quan. Nhưng vẫn đảm bảo tính đặc thù về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình. Có tính đặc thù nhưng đều liên quan chặt chẽ với nhau, trong mỗi hoạt động đều có ý nghĩa, tác dụng, ảnh hưởng của hoạt động khác. Thông qua các quy định pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình, những quy định cơ bản của pháp luật về đất đai được thực hiện một cách hiệu quả.
Hai là, trách nhiệm thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình không chỉ của hệ thống chính trị, của các cơ quan quản lý nhà nước đối với đất đai, mà trước hết và trên hết là của các cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất và trách nhiệm của mọi người dân. Lâu nay khi đề cập đến vấn đề thi hành pháp luật chúng ta thường coi đó là trách nhiệm của các cơ quan hành pháp, tư pháp. Thực tiễn thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình cho thấy, ngoài các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quản lý đất đai, nếu toàn bộ những thành viên khác của hệ thống chính trị đều nêu cao trách nhiệm, có hình thức tổ chức tuyên truyền, giải thích, vận động phù hợp với vai trò, chức năng của mình thì sẽ đem lại hiệu quả cao hơn trong thi hành pháp luật. Các tổ chức của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận các cấp, nhất là ở cấp cơ sở, phải lồng ghép vấn đề giám sát thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình vào nội dung chương trình, kế hoạch công tác, vào hoạt động thường xuyên của đơn vị và xác định đây là một chỉ tiêu đánh giá thi đua, như vậy sẽ góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm và sự đồng thuận của xã hội. Những hoạt động thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình với sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị dưới các hình thức phong phú, sinh động, đồng bộ tạo nên dư luận xã hội ủng hộ, đồng tình với những hành vi xử sự đúng đắn, lên án những hành vi xử sự trái pháp luật; qua đó, góp phần định hướng hành vi của cá nhân, hộ gia đình, của cán bộ, công chức nhà nước xử sự theo đúng yêu cầu của pháp luật. Tuy nhiên, hiệu quả thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình sẽ không cao nếu cá nhân, hộ gia đình không tự giác chấp hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình.
Ba là, xử lý nghiêm minh, kịp thời mọi vi phạm pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, giải thích, hướng dẫn, tổ chức vận động thi hành pháp luật có tác dụng nâng cao ý thức pháp luật cho các chủ thể. Tuy nhiên, vai trò này tác động đến các chủ thể không phải lúc nào cũng có kết quả như nhau, trong xã hội vẫn có những người vi phạm pháp luật. Để bảo đảm cho pháp luật được thi hành đòi hỏi phải xử lý nghiêm minh, kịp thời mọi hành vi vi phạm pháp luật. Đó là nội dung yêu cầu khách quan trong thi hành pháp luật, bảo đảm cho pháp luật được thực hiện trong thực tế. Các văn bản pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình có quy định về khen thưởng và xử lý vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ của vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Yếu tố về trình độ, năng lực, phẩm chất chính trị và đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức có trách nhiệm trong thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình:
Trình độ, năng lực, phẩm chất chính trị và đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức là một trong những yếu tố quyết định bảo đảm thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình đạt hiệu quả cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “cán bộ là cái gốc của mọi công việc“, “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém mà nên“. Cán bộ, công chức phải là người có đủ trình độ, năng lực hoàn thành tốt công việc được giao, đồng thời là người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt. Cán bộ, công chức phải “vừa hồng, vừa chuyên” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy chúng ta. Thực tiễn chứng minh rằng các chủ thể này mà trình độ, năng lực yếu kém, lại thiếu trách nhiệm, thiếu nhiệt tình trong công việc thì việc thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình tất yếu sẽ đạt hiệu quả thấp. Phẩm chất chính trị, đạo đức của cán bộ, công chức có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình. Họ phải nhuần nhuyễn biết kết hợp giữa quan điểm, đường lối của Đảng chính sách, pháp luật của Nhà nước với điều kinh tế – xã hội, điều kiện thực tiễn của đất nước, của từng địa phương để tổ chức thi hành lĩnh vực pháp luật này một cách hiệu quả. Bản thân cán bộ, công chức phải là người gương mẫu trong chấp hành pháp luật, là người có uy tín, có đạo đức trong cộng đồng thì mới có thể thuyết phục được người khác. Như vậy, để bảo đảm thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình đạt hiệu quả cao cần nâng cao kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn, năng lực, kỹ năng nghiệp vụ, bên cạnh đó còn phải tăng cường giáo dục, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, công chức của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong tổ chức thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình.
3. Yếu tố về ý thức pháp luật của các chủ thể trong thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình:
Ý thức pháp luật thể hiện sự nhận thức của các chủ thể và thái độ của họ đối với các quy định của pháp luật. Pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình được thi hành tốt hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó ý thức pháp luật của các chủ thể là yếu tố chủ quan có ý nghĩa rất quan trọng. Các chủ thể trong thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình, bao gồm: các cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật, kiểm tra, giám sát về thực thi quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình; các cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất với tư cách là chủ thể trực tiếp thực hiện quyền sử dụng đất trên thực tế.
Trong nhiều trường hợp vi phạm pháp luật, không tuân thủ pháp luật là do trình độ văn hóa thấp, thiếu hiểu biết pháp luật của một bộ phận nhân dân; nhưng cũng có trường hợp cá nhân có trình độ văn hóa nhất định, có hiểu biết pháp luật nhưng đạo đức, nhân cách kém nên vẫn cố tình vi phạm pháp luật hoặc một bộ phận cán bộ, công chức có thẩm quyền lợi dụng chức vụ quyền hạn, công việc được giao để tham nhũng, tiêu cực, trục lợi, thực hiện hành vi trái pháp luật. Trong một xã hội ngày càng phát triển, trình độ văn hóa của nhân dân sẽ ngày càng được nâng cao, tạo cơ sở cho việc nâng cao ý thức pháp luật, vì phải có trình độ văn hóa nhất định thì mới có thể tiếp thu, nhận thức về pháp luật, xây dựng tình cảm, lòng tin vào pháp luật; qua đó chuyển hóa thành hành vi tích cực thực hiện theo yêu cầu của pháp luật. Sự bảo đảm cho việc thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình không chỉ xuất phát từ ý thức pháp luật của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức có thẩm quyền, các tổ chức, đoàn thể mà còn từ ý thức pháp luật của cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất nói riêng và người dân nói chung. Do vậy, nâng cao ý thức pháp luật của các chủ thể trong thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình là một giải pháp hữu hiệu để bảo đảm thi hành tốt lĩnh vực pháp luật này trên thực tế đời sống xã hội.
4. Yếu tố về nguồn kinh phí, cơ sở vật chất:
Thi hành pháp luật nói chung và thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình nói riêng đòi hỏi phải có những chi phí nhất định. Để thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình thì một trong những việc làm phải thực hiện là xác định rõ mục đích sử dụng đất, ranh giới, diện tích đất sử dụng cho từng cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất; lập hồ sơ địa chính chính xác, đầy đủ theo đúng yêu cầu của pháp luật đất đai. Để làm những công việc này, chúng ta không chỉ có ý thức, quyết tâm chính trị mà phải đầu tư một nguồn kinh phí và trang bị trụ sở, điều kiện làm việc cho đội ngũ cán bộ, công chức có trách nhiệm trong quản lý nhà nước về đất đai, thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình. Thực tế đã chứng minh làm bất cứ điều gì mà thiếu kinh phí, cơ sở vật chất thì khó có thể thực hiện được. Điều này lại càng đúng trong lĩnh vực thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình. Nguồn kinh phí này do ngân sách nhà nước chi trả hoặc do cá nhân, hộ gia đình tự đầu tư, chi trả. Cho dù ngân sách nhà nước còn hạn chế song Nhà nước phải cân đối, chuẩn bị nguồn ngân sách hợp lý bảo đảm cho hoạt động quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, kiểm tra, giám sát hoạt động thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình và giải quyết tranh chấp đất đai nếu có phát sinh, đáp ứng yêu cầu của quá trình cải cách nền hành chính quốc gia ở nước ta hiện nay.