Bảo đảm quyền thu thập, đưa ra chứng cứ của người bào chữa được bình đẳng với quyền của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thu thập chứng cứ sẽ đảm bảo được sự công bằng cho người bị buộc tội trong tranh tụng.
Mục lục bài viết
- 1 1. Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội:
- 2 2. Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội:
- 3 3. Đảm bảo cho hoạt động bào chữa của người bào chữa:
- 4 4. Bảo đảm quyền tự do thu thập và đánh giá chứng cứ:
- 5 5. Bảo đảm trách nhiệm của người bào chữa trong thực hiện quyền thu thập, đưa ra chứng cứ:
- 6 6. Bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong hoạt động thu thập, đưa ra chứng cứ:
1. Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội:
Quyền bào chữa là một quyền thuộc phạm trù quyền con người trong hoạt động Tư pháp. Từ lẽ đó pháp luật nước ta có quy định cụ thể tại Hiến pháp năm 2013 quy định tại khoản 1 Điều 16: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” và tại khoản 4 điều 31: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa”. Trong khoa học luật TTHS, đảm bảo quyền bào chữa của người bị buộc tội không chỉ là một nguyên tắc Hiến định mà còn là một nguyên tắc quan trọng có tính chất chỉ đạo xuyên suốt quá trình giải quyết vụ án. (điều 16 BLTTHS năm 2015).
Quyền bào chữa được xem như là phương tiện pháp lý cần thiết để những chủ thể nói trên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Thừa nhận quyền bào chữa là thừa nhận tính tranh tụng trong hoạt động tố tụng – điều kiện không thể thiếu được cho việc xét xử khách quan, công minh.
Càng mở rộng phạm vi quyền bào chữa bao nhiêu thì càng mở rộng tính tranh tụng bấy nhiêu và kết quả tương ứng là càng hạn chế khả năng làm oan sai người vô tội trong xét xử.
Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội càng cao bao nhiêu thì sẽ tỷ lệ thuận với quyền của người bào chữa được mở rộng trong việc thu thập, đưa ra chứng cứ bấy nhiêu. Nếu quyền thu thập, đưa ra chứng cứ của người bào chữa được bình đẳng với quyền của người có thẩm quyền THTT trong phạm vi thu thập chứng cứ sẽ đảm bảo được sự công bằng cho người bị buộc tội trong tranh tụng. Ngược lại, nếu quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa bị thu hẹp, bất bình đẳng với người có thẩm quyền THTT thì sẽ dẫn đến sự thiên lệch, bất công bằng trong tranh tụng.
2. Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội:
Nguyên tắc suy đoán vô tội là nguyên tắc của một loại hình tố tụng lấy các giá trị công bằng, bình đẳng làm nền tảng; là lá chắn quan trọng và hữu hiệu cho việc tôn trọng bảo vệ và bảo đảm quyền con người trong TTHS. Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân lần đầu tiên được quy định trong văn bản pháp lý có giá trị cao nhất ở nước ta đó là Hiến pháp năm 2013. Tại khoản 1 Điều 31 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Để bảo đảm cho sự phù hợp của PLTTHS với Hiến pháp. BLTTHS năm 2015 quy định thành nguyên tắc tại điều 13:
Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.
Những nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội cơ sở để bảo đảm quyền lợi của người bị buộc tội được hưởng “Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội” (khoản 1 Điều 15 BLTTHS năm 2015) và trách nhiệm chứng minh lỗi của người bị buộc tội phải được thực hiện theo một trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định.
–Quyền chứng minh của người bị buộc tội có thể tự mình chứng minh hoặc nhờ người bào chữa thực hiện thông qua quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Người bào chữa ngoài những quyền trên còn có quyền thu thập chứng cứ, đề nghị cơ quan có thẩm quyền THTT thu thập chứng cứ, giám định lại, giám định bổ sung và định giá lại tài sản (điểm 1, khoản 1 điều 73 BLTTHS năm 2015).
– Bản án kết tội của
– Suy đoán vô tội và thái độ nhìn nhận thực tế
Cần được hiểu và áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội như là một điểm khởi đầu cho việc giải quyết vấn đề trong vụ án hình sự trên cơ sở thái độ tích cực để nhìn nhận thực tế. Việc coi suy đoán vô tội như là một thái độ tích cực rằng người này không thể phạm tội được hay hành vi này không thể được thực hiện bởi người kia... sẽ nhắc nhở, cảnh báo người có thẩm quyền tiến hành tố tụng về những nguy hiểm vốn có khi giả định có tội. Việc đối xử với người bị tình nghi phạm tội như người đã có tội” dễ dẫn đến người bị người thực thi công vụ lạm dụng quyền hạn đe dọa, ép buộc hoặc xâm phạm thân thể để có thể có được lời khai nhận tội. Mặt khác, nếu đặt suy đoán vô tội lên trước tiên thì việc tìm kiếm bằng chứng vô tội cho người bị buộc tội thay vì chỉ tập trung vào các chứng cứ buộc tội; nếu suy đoán có tội nó có thể khiến cho họ mù quáng khi xem xét các tình tiết để buộc tội, trong khi đó chẳng hạn thủ phạm có thể là một người hoàn toàn khác.
3. Đảm bảo cho hoạt động bào chữa của người bào chữa:
Bằng quy định trong pháp luật TTHS về quyền thu thập, đưa ra chứng cứ của người bào chữa nhà nước đã đảm bảo (1) người bào chữa được thực hiện tất cả các quyền và chức năng chuyên môn của mình mà không bị cản trở, can thiệp trái phép vào hoạt động của người bào chữa; (2) người bào chữa có quyền tiếp xúc với các chủ thể tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để thu thập chứng cứ một cách tự do mà không giới hạn phạm vi về lãnh thổ cả trong nước và ngoài nước; (3) người bào chữa thực hiện quyền tranh tụng trong môi trường tranh tụng thật sự công bằng và bình đẳng giữa bên buộc tội với bên bào chữa gỡ tội; (4) Các cơ quan có thẩm quyền THTT phải tạo điều kiện thuận lợi cho người bào chữa trong việc đăng ký bào chữa, thông báo về thời gian, địa điểm lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can, hoạt động tố tụng khác và đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra, nhận các văn bản tố tụng khác.
4. Bảo đảm quyền tự do thu thập và đánh giá chứng cứ:
Bên cạnh việc đảm bảo các quyền của người bào chữa cho hoạt động bào chữa thì việc bảo đảm quyền tự do thu thập và đánh giá chứng cứ của người bào chữa phải được coi trọng hơn cả. Tuân thủ quy định về đánh giá chứng theo quy định tại khoản 1 Điều 108 BLTTHS năm 2015 cho thấy “Mỗi chứng cứ phải được kiểm tra, đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Việc xác định những chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự” và bình đẳng trong đánh giá chứng cứ trong tranh tụng được BLTTHS năm 2015 quy định trong điều 26: Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc tội, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Trong bài viết bàn về tranh tụng trong tố tụng hình sự có tác giả đã nhận xét việc tranh tụng ở mô hình tranh tụng là hai bên với những lợi ích đối kháng rõ rệt, đó là bên buộc tội và bên bị buộc tội. “Trong tố tụng tranh tụng, Cơ quan công tố và luật sư hoàn toàn bình đẳng nhau họ được pháp luật trao những quyền tương ứng với chức năng để có thể điều tra độc lập và thu thập chứng cứ phục vụ cho công việc của mình” . Từ những quy định trong BLTTHS năm 2015 về quyền thu thập chứng cứ thì có thể thấy PLTTHS Việt Nam cần phải mở rộng hơn phạm vi thu thập chứng cứ của người bào chữa với những quyền năng tương ứng với bên buộc tội.
5. Bảo đảm trách nhiệm của người bào chữa trong thực hiện quyền thu thập, đưa ra chứng cứ:
Với tư cách là một trong những thành tố quan trọng trong thực hành tư pháp người bào chữa phải luôn luôn gìn giữ danh dự và phẩm giá nghề nghiệp của mình trong hoạt động bào chữa nói chung và phải có trách nhiệm trong các hoạt động khi thực hiện quyền thu thập, đưa ra chứng cứ để phục vụ cho việc bào chữa, (1) Đối với người bào chữa là Luật sư với chức năng và ứng xử nghề nghiệp:
Luật sư có sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa ;
(2) Đối với người bào chữa là Trợ giúp viên pháp lý thì ngay điều 2 luật trợ giúp pháp lý quy định:
Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật;
(3) Đối với người bào chữa là BCVND được quy định chi tiết tại khoản 3 Điều 72 BLTTHS năm 2015:
Bào chữa viên nhân dân là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức pháp lý, đủ sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc tổ chức thành viên của Mặt trận cử tham gia bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình;
(4) Người bào chữa là người đại diện của người bị buộc tội được quy định tại khoản 3 Điều 139 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định hậu quả pháp lý của hành vi đại diện
Trường hợp người đại diện biết hoặc phải biết việc xác lập hành vi đại diện là do bị nhầm lẫn, bị lừa dối, bị đe dọa, cưỡng ép mà vẫn xác lập, thực hiện hành vi thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ trường hợp người được đại diện biết hoặc phải biết về việc này mà không phản đối.
Ngoài ra, người bào chữa còn phải luôn tôn trọng một cách trung thành với quyền lợi của người mà mình bào chữa bằng lao động cần mẫn và chủ động thực hiện công việc.
Mặt khác, pháp luật tố tụng hình sự cũng quy định những chế tài để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của người bào chữa theo quy định tại khoản 3 Điều 73 của BLTTHS năm 2015.
Người bào chữa vi phạm pháp luật thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị hủy bỏ việc đăng ký bào chữa, bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của luật và quy định tại điều 85 luật Luật sư năm 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2012 quy định xử lý kỷ luật với luật sư:
Luật sư vi phạm quy định của Luật này, Điều lệ, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư và quy định khác của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau đây: a) Khiển trách; b) Cảnh cáo; c) Tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn luật sư từ sáu tháng đến hai mươi bốn tháng; d) Xoá tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư.
6. Bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong hoạt động thu thập, đưa ra chứng cứ:
Trong tố tụng hình sự nước ta bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa là nguyên tắc cơ bản quan trọng bậc nhất có vai trò định hướng cho các hoạt động tố tụng và có diện bao phủ rộng khắp trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Chính sách pháp luật tố tụng hình sự được thể chế hóa bằng quy định tại Điều 7 của BLTTHS năm 2015 làm tiền đề cho tất cả hoạt động trong tố tụng hình sự bắt buộc phải tuân thủ, chấp hành, và áp dụng nghiêm chỉnh và nhất quán các quy định của pháp luật tố tụng hình sự, đó là “Mọi hoạt động tố tụng hình sự phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật này. Không được giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử ngoài những căn cứ và trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định”. Nội dung của quy định đã là một tuyên bố khẳng định (1) Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng phải tuyệt đối tuân thủ những quy định của BLTTHS; (2) Không được cản trở hoặc tiến hành các hoạt động, giải quyết vụ án ngoài những căn cứ, trình tự và thủ tục do BLTTHS đã quy định; (3) Việc thu thập, đưa ra và xem xét, đánh giá chứng cứ để giải quyết vụ án phải dựa trên các căn cứ của BLTTHS và loại bỏ ngay những chứng cứ, tài liệu không đáp ứng các yêu cầu ví dụ: “Các đồ vật như con dao, tấm thớt tìm mua sau này chỉ có ý nghĩa củng cố thêm các lời khai của Hải và phục vụ cho việc nhận dạng” hoặc chứng cứ, tài liệu, đồ vật trong vụ án nhưng cơ quan có thẩm quyền THTT, người có thẩm quyền THTT không thu giữ để làm căn cứ giải quyết vụ án như trường hợp của Vụ án xảy ra tại bưu cục Cầu Voi “Khi khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra không thu giữ con dao, cái thớt là do lúc đó con dao bị giấu phía sau tấm bảng dựng sát tường. Sau đó, những người dọn hiện trường đã phát hiện con dao và báo cho cơ quan điều tra nhưng cơ quan điều tra lại không kịp thời thu giữ dẫn đến thất lạc, đây là thiếu sót trong hoạt động điều tra” .