Khái niệm cơ bản của quyền thu thập, đưa ra chứng cứ của người bào chữa trong vụ án hình sự, đến nay tuy đã có được đề cập trong sách báo pháp lý nhưng có rất ít các công trình nghiên cứu về mặt lý luận quyền thu thập, đưa ra chứng cứ của người bào chữa trong tố tụng hình sự.
Khái niệm và những dấu hiệu cơ bản của quyền thu thập, đưa ra chứng cứ của người bào chữa trong vụ án hình sự, đến nay tuy đã có được đề cập trong sách báo pháp lý nhưng có rất ít các công trình nghiên cứu về mặt lý luận quyền thu thập, đưa ra chứng cứ của người bào chữa trong tố tụng hình sự một cách toàn diện. Tác giả nhận thấy, vấn đề cơ bản và đầu tiên cần được giải quyết là phải đưa ra cho được định nghĩa khoa học của khái niệm quyền thu thập, đưa ra chứng cứ của người bào chữa trong quá trình tố tụng giải quyết vụ án hình sự.
Trước khi đưa ra định nghĩa khoa học của khái niệm quyền thu thập, đưa ra chứng cứ của người bào chữa trong vụ án hình sự là gì? Theo logic của vấn đề, chúng ta cần tìm hiểu các khái niệm.
Mục lục bài viết
- 1 1. Khái niệm bào chữa và người bào chữa:
- 2 2. Khái niệm quyền thu thập, đưa ra chứng cứ:
- 3 3. Chứng minh trong tố tụng hình sự:
- 4 4. Khái niệm quyền thu thập, đưa ra chứng cứ của người bào chữa:
- 5 5. Đặc điểm quyền thu thập, đưa ra chứng cứ của người bào chữa:
- 6 6. Vai trò của quyền thu thập, đưa ra chứng cứ của người bào chữa:
1. Khái niệm bào chữa và người bào chữa:
Bào chữa là gì? Trước hết theo tiếng anh – excuses, có nghĩa là “lời bào chữa”. Theo từ điển tiếng việt thì động từ Bào chữa là dùng nhiều lý lẽ, chứng cớ để bênh vực cho một đương sự nào đó thuộc một vụ án hình sự trước
Người bào chữa là ai? Người bào chữa hay bào chữa viên là thuật ngữ chỉ về những người có kiến thức pháp luật và kinh nghiệm hoạt động tố tụng thay mặt thân chủ tham gia tố tụng trong một vụ án hình sự để biện hộ, bảo vệ cho thân chủ của mình để chống lại sự buộc tội, truy tố hoặc một sự tố cáo, họ có quyền tranh tụng với các chủ thể khác trong quá trình xử lý vụ án hình sự . Theo quy định của điều 72 BLTTHS năm 2015:
1. Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa.
2. Người bào chữa có thể là:
a) Luật sư;
b) Người đại diện của người bị buộc tội;
c) Bào chữa viên nhân dân;
d) Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý. Như vậy, chỉ có những người được quy định trên đây mới là người bào chữa.
2. Khái niệm quyền thu thập, đưa ra chứng cứ:
Khái niệm quyền là gì? Quyền là khái niệm khoa học pháp lý dùng để chỉ những điều mà pháp luật công nhận và đảm bảo thực hiện đối với cá nhân, tổ chức để theo đó cá nhân được hưởng, được làm, được đòi hỏi mà không ai được ngăn cản, hạn chế . Trong khoa học pháp lý, theo định nghĩa chung nhất thì quyền là những việc mà một người được làm mà không bị ai ngăn cản, hạn chế.
Phân loại quyền gồm có:
(i) Quyền đương nhiên như quyền làm người, quyền được sống, quyền được tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc.
(ii) Quyền do luật pháp cho phép làm hoặc luật pháp không cấm làm (quyền pháp lý).
(iii) Quyền do điều lệ của tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức quần chúng cho phép hội viên được làm.
(iv) Quyền do người khác ủy quyền. Một công trình khoa học đã nghiên cứu về quyền của một trong những người bào chữa là luật sư trong hoạt động TTHS có định nghĩa:
Quyền của luật sư trong hoạt động tố tụng hình sự là những hành vi mà luật sư được làm hoặc bắt buộc phải làm hay không được làm trong quá trình giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội, bị hại, đương sự, góp phần tìm ra sự thật khách quan của vụ án .
– Thu thập chứng cứ
Thu thập theo từ điển tiếng Việt là góp nhặt và tập hợp lại và chứng cứ là gì? trước hết theo tiếng anh – evidence có nghĩa là chứng cứ. Theo định nghĩa của từ điển Oxford thì danh từ evidence là “the facts, signs or objects that make you believe that something is true – các sự kiện, dấu hiệu hoặc đối tượng khiến bạn tin rằng điều gì đó là sự thật”. Còn theo từ điển tiếng Việt thì chứng cứ là cái cụ thể tỏ rõ điều gì đó là có thật . Theo quy định tại điều 86 BLTTHS năm 2015 thì:
Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Vấn đề thu thập chứng cứ của Luật sư, người bào chữa trong các công trình nghiên cứu khoa học trước đây như: Thu thập chứng cứ của người bào chữa là quá trình phát hiện, ghi nhận, thu thập, bảo quản chứng cứ do người bào chữa thực hiện bằng các biện pháp được pháp luật cho phép góp phần làm sáng tỏ bản chất vụ án và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo
Gần hơn nữa là công trình nghiên cứu hoạt động thu thập chứng cứ của Luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của tác giả Nguyễn Thị Bích Hạnh (2019) đã đưa ra định nghĩa về thu thập chứng cứ:
Hoạt động thu thập chứng cứ của luật sư bào chữa trong tố tụng hình sự là việc phát hiện, ghi nhận, thu giữ và bảo quản các thông tin, tài liệu, đồ vật có liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị buộc tội theo quy định của pháp luật nhằm bác bỏ một phần hoặc toàn bộ sự buộc tội, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho họ.
Và Hoạt động thu thập chứng cứ cũng được đề cập đến trong bài viết của Nguyễn Thế Hưng (2020): Hoạt động thu thập chứng cứ là một hoạt động của chủ thể chứng minh phát hiện, thu giữ, bảo quản các thông tin, tư liệu liên quan đến vụ án theo các trình tự, thủ tục mà pháp luật hình sự quy định .
– Đưa ra chứng cứ
Khái niệm “đưa ra” là gì? “đưa ra” là từ được ghép từ “đua” và từ “ra” theo từ điển tiếng Việt thì “từ” đưa được hiểu chung nhất là trao trực tiếp cho người khác và từ “ra” được hiểu là di chuyển đến một vị trí ở ngoài. Nếu thu thập chứng cứ là khâu đầu tiên của chuỗi các hoạt động tố tụng giải quyết vụ án hình sự thì đưa ra chứng cứ có thể được xem là khâu sau cùng trong chuỗi hoạt động đó. Từ phân tích trên, tác giả đưa ra khái niệm về đưa ra chứng cứ như sau:
Đưa ra chứng cứ là hành động của người bào chữa đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật một cách chính thức và trực tiếp cho Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để bào chữa, bảo vệ cho người bị buộc tội.
3. Chứng minh trong tố tụng hình sự:
Khái niệm chứng minh là gì? hiểu theo nghĩa chung nhất là làm cho thấy rõ là có thật, và là dùng suy luận logic vạch rõ một điều gì đó là đúng ;
Theo John H. Langbein thì chứng minh là công việc chính của cơ quan pháp luật giải quyết các vấn đề của thực tế đã xảy ra trong quá khứ. Vì vậy, việc tìm kiếm những gì đã xảy ra trong quá khứ để chứng minh cho sự thật sẽ có thể cho kết quả hoàn toàn khác nhau khi việc thu thập các dữ liệu của vụ án được sắp xếp và tiến hành ở thái độ và cách thức khác nhau. Việc chứng minh cho một vấn đề của vụ án hình sự hay sự kiện đã xảy ra trong quá khứ phải hoàn toàn tuân thủ và tôn trọng tuyệt đối quy luật khách quan, tuyệt đối cấm định hướng, bóp méo dữ liệu của vụ án theo nhận định chủ quan của người thu thập. Do không trực tiếp chứng kiến sự việc phạm tội nên cơ quan có thẩm quyền THTT chỉ dựa vào các thông tin liên quan đến đối tượng chứng minh được thu thập theo trình tự, thủ tục luật định để kết luận về các tình tiết của vụ án. Theo giáo trình Luật TTHS Việt Nam của trường Đại học Luật Hà Nội ở nội dung Chứng minh trong tố tụng hình sự đã đưa khái niệm quá trình chứng minh “là quá trình tư duy logic và thực tiễn của cơ quan và người tiến hành tố tụng trên cơ sở các quy định của pháp luật tố tụng hình sự để thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ nhằm giải quyết vụ án” . Nội dung của quá trình chứng minh trong tố tụng hình sự là thu thập, kiểm tra và đánh giá các thông tin, tư liệu liên quan và có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án hình sự (chứng cứ). Cả ba hoạt động này là thống nhất, liên quan chặt chẽ với nhau, bổ trợ cho nhau đảm bảo cho quá trình nhận thức về vụ án được nhanh chóng, chính xác, khách quan .
4. Khái niệm quyền thu thập, đưa ra chứng cứ của người bào chữa:
Việc xây dựng định nghĩa pháp lý về quyền thu thập, đưa ra chứng cứ của người bào chữa có ý nghĩa to lớn và rất quan trọng trong nhận thức khoa học cũng như về mặt thực tiễn đối với việc bảo vệ quyền con người trong TTHS. Từ phân tích ở các mục trên bao gồm: người bào chữa, thu thập chứng cứ và đưa ra chứng cứ cho thấy quyền thu thập, đưa ra chứng cứ của người bào chữa trong tố tụng hình sự là đối tượng nghiên cứu quan trọng trong luật tố tụng hình sự nước ta và cũng là đối tượng nghiên cứu chính của luận văn này. Chính vì thế, khi làm sáng tỏ dưới góc độ khoa học luật TTHS những vấn đề lý luận về đối tượng nghiên cứu này thì theo tác giả quyền thu thập, đưa ra chứng cứ của người bào chữa được xây dựng là: quyền được tìm kiếm những gì có thật đã xảy ra trong vụ án hình sự và thu nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật theo quy định của pháp luật để đưa ra phục vụ cho hoạt động bào chữa nhằm gỡ tội cho người bị buộc tội.
5. Đặc điểm quyền thu thập, đưa ra chứng cứ của người bào chữa:
Trên cơ sở định nghĩa khoa học về quyền thu thập, đưa ra chứng cứ của người bào chữa có thể thấy mặc dù mang những đặc điểm chung của quyền bào chữa những quyền thu thập, đưa ra chứng cứ của người bào chữa trong tố tụng hình sự Việt Nam có đặc điểm cơ bản dưới đây:
– Là quyền tìm kiếm những gì có thật đã xảy ra trong quá khứ ở một vụ án hình sự bằng cách thu thập những tài liệu, đồ vật và lời chứng để thông qua đó ghép những mảnh ghép thành một chỉnh thể logic với hành vi của người bị buộc tội nhằm tìm ra những gì có lợi cho người bị buộc tội hoặc điểm bất hợp lý, thiếu sót mà người buộc tội sử dụng chúng làm căn cứ để buộc tội.
– Để thu, nhận được chứng cứ thì NBC phải thực hiện thông qua hành động cụ thể mà PLTTHS cho phép a) Gặp, hỏi người bị buộc tội; b) Có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can; c) Có mặt trong hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này; d) các hoạt động điều tra khác; đ) Xem biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình, quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa; g) Đề nghị triệu tập người làm chứng, người tham gia tố tụng khác, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; h) Thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; 1) Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; k) Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản; 1) Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra; m) Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa.
– Đưa ra chứng cứ đã được thu thập tới cơ quan có thẩm quyền THTT trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết vụ án đều để làm sáng tỏ những tình tiết xác định người bị buộc tội vô tội. Pháp luật tố tụng hình sự nước ta đã cụ thể hóa việc đưa ra chứng cứ của người bào chữa bằng quy định tại khoản 2 điều 81 BLTTHS năm 2015: “Tùy từng giai đoạn tố tụng, khi thu thập được chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa, người bào chữa phải kịp thời giao cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để đưa vào hồ sơ vụ án”. Việc giao, nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật phải được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.
6. Vai trò của quyền thu thập, đưa ra chứng cứ của người bào chữa:
– Góp phần bảo đảm tuân thủ nguyên tắc pháp chế và thượng tôn pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong hoạt động TTHS;
– Góp phần bảo đảm thực hiện nguyên tắc hiến định về quyền bào chữa của người bị buộc tội được tự mình bào chữa hay nhờ người khác bào chữa cho mình trong quá trình tham gia tố tụng giải quyết vụ án hình sự. Cơ quan THTT và người THTT phải tạo điều kiện cho người bị buộc tội thực hiện quyền của họ một cách nghiêm túc chứ không còn là quy định trên giấy hoặc hình thức;
– Góp phần phân loại ranh giới một cách rõ ràng theo vai trò của chủ thể buộc tội và chủ thể gỡ tội phù hợp với nguyên tắc bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ và kiểm tra, đánh giá chứng cứ một cách công bằng như đòi của thực tiễn hiện nay trong quá trình giải quyết vụ án;
– Góp phần xây dựng khung pháp lý về quyền của NBC trong hoạt động thu thập, đưa ra chứng cứ và bảo đảm cho việc bào chữa thực hiện quyền đó một cách dễ dàng, hiệu quả và ngăn ngừa những cản trở từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong khi giải quyết vụ án.
– Thúc đẩy hoạt động bào chữa của NBC thực hiện nghiêm chỉnh và có trách nhiệm trong khuôn khổ hành lang pháp lý khi hành lang đó được ban hành một cách đầy đủ, chi tiết. Hành lang này sẽ bắt buộc phải thực hiện cho tất cả các chủ thể có liên quan bao gồm buộc tội, gỡ tội và cơ quan, tổ chức, cá khác trong quá trình TTHS.
– Góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong hoạt động TTHS. Thứ nhất, thông quan hoạt động bào chữa cho người bị buộc tội, người bào chữa giúp họ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình. Trong đó đặc biệt là quyền “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá”. Thứ hai, đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân khác người bào chữa thông qua việc thu thập chứng cứ của mình giúp những người này hiểu, nhận thức đúng đắn và rõ hơn quy định của pháp luật liên quan đến việc cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật giúp làm sáng tỏ những tình tiết của vụ án.