Bán sữa bột không có hóa đơn có bị xử phạt. Bán hàng hóa xách tay, số lượng lớn không có hóa đơn có vi phạm pháp luật không?
Bán sữa bột không có hóa đơn có bị xử phạt. Bán hàng hóa xách tay, số lượng lớn không có hóa đơn có vi phạm pháp luật không?
Tóm tắt câu hỏi:
Hiện này em ở Ninh Bình và muốn nhập hàng sữa bột xách tay từ 1 cửa hàng ở Hà Nội về để cung cấp cho các shop trong thành phố Ninh Bình, tuy nhiên vì là hàng xách tay nên cửa hàng ở Hà Nội nói rằng không có hóa đơn. Và em cũng chỉ định mua về để tại nhà chứ không mở cửa hàng kinh doanh. Vậy em muốn hỏi là việc em dự định làm có vi phạm gì không? và trong quá trình vận chuyển (bằng đường xe khách) hàng từ Hà Nội về Ninh Bình thì liệu hàng không có hóa đơn như vậy có rủi ro (khi các cơ quan chức năng kiểm tra) nào không? Việc em không đăng ký kinh doanh nhưng trữ 1 lượng lớn hàng trong nhà có hợp pháp không?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009;
– Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP.
2. Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 6 Bộ luật Thương mại 2005: “Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng kí kinh doanh”.
Thực tế, còn có những cá nhân cũng hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên nhưng không phải là thương nhân bởi vì trong trường hợp này là các trường hợp không thuộc đối tượng đăng ký kinh doanh, được quyđịnh chi tiết tại Nghị định số 39/2007/NĐ-CP năm 2007 quy định về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh như sau:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, một số từ ngữ được hiểu như sau:
1. Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của
Luật Thương mại . Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây:a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;
d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;
đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.
2. Kinh doanh lưu động là các hoạt động thương mại không có địa điểm cố định.”
Như vậy, trong trường hợp của bạn thì việc bạn muốn nhập hàng sữa bột xách tay từ một cửa hàng Hà nội để cung cấp cho các shop trong thành phố Ninh Bình thì đây sẽ là hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên vì mục đích sinh lời không phải đăng ký kinh doanh và hình thức hoạt động thương mại này là buôn chuyến quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 3 Nghị định này. Do vậy, bạn sẽ không phải đăng ký kinh doanh khi bạn nhập sữa xách tay để cung cấp cho các shop ở Ninh Bình. Tuy nhiên, nếu hàng sữa xách tay này là loại hàng hóa nhập lậu mà bạn vẫn dùng để kinh doanh thì bạn sẽ bị xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi của bạn theo quy định tại Điều 17 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu như sau:
“1. Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, mức phạt tiền như sau:
a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 1.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
h) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;
i) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
k) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.
2. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 Điều này đối với một trong các trường hợp sau đây:
a) Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu.
3. Các mức phạt tiền quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng xử phạt hành chính đối với:
a) Chủ phương tiện vận tải hoặc người điều khiển phương tiện vận tải có hành vi cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu;
b) Chủ kho tàng, bến, bãi, nhà ở có hành vi cố ý tàng trữ hàng hóa nhập lậu;
c) Người có hành vi cố ý giao nhận hàng hóa nhập lậu.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
b) Tịch thu phương tiện vận tải đối hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp tang vật vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, môi trường, đồ chơi có hại cho giáo dục nhân cách và sức khỏe trẻ em, văn hóa phẩm độc hại đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.”
Nếu như hàng hóa đó thuộc hàng hóa nhà nước cấm kinh doanh mà bạn tàng trữ, buôn bán với số lượng lớn thì bạn sẽ bị xử lý về mặt hình sự về tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm tại Điều 155 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP quy định chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường như sau:
“Điều 5. Quy định về hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trong thị trường nội địa
2. Đối với hàng hóa nhập khẩu của cơ sở sản xuất, kinh doanh không trực tiếp nhập khẩu vận chuyển, bày bán hoặc lưu kho phải có hóa đơn, chứng từ của cơ sở bán hàng theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ (sau đây viết tắt là Nghị định số 51/2010/NĐ-CP).”
Tổng đài tư vấn pháp luật quản lý thuế của Luật sư: 19006568
Như vậy, theo quy định trên thì việc nhập hàng sữa xách tay của bạn thì phải có hóa đơn, chứng từ. Như vậy, nếu bạn không có hóa đơn thì trong quá trình vận chuyển (bằng đường xe khách) hàng từ Hà Nội về Ninh Bình khi các cơ quan chức năng kiểm tra bạn có thể bị xử lý vi phạm hành chính nếu thuộc một trong cách trường hợp quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP như sau:
“Điều 6. Hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính
1. Hàng hóa nhập khẩu của cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu thuộc một trong các trường hợp sau đây thì hàng hóa nhập khẩu bị coi là hàng hóa nhập lậu:
a) Hàng hóa nhập khẩu đang trên đường vận chuyển; đang bày bán; để tại kho, bến, bãi, điểm tập kết mà cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp trong thời hạn quy định tại Điều 3 Thông tư này;
b) Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường có hóa đơn, chứng từ nhưng qua điều tra, xác minh của cơ quan chức năng xác định là hóa đơn, chứng từ không hợp pháp hoặc sử dụng bất hợp pháp hóa đơn. Hóa đơn không hợp pháp và sử dụng bất hợp pháp hóa đơn được quy định tại các khoản 8, khoản 9 Điều 3 Chương I Nghị định số 51/2010/NĐ-CP;
c) Hàng hóa nhập khẩu do cơ sở sản xuất, kinh doanh thu mua gom hàng hóa trao đổi cư dân biên giới xuất hóa đơn bán hàng cho cơ sở sản xuất, kinh doanh khác vận chuyển vào nội địa. Khi các cơ quan chức năng xác minh nguồn gốc hàng hóa mà không có đủ chứng từ quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư này.
2. Cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu mua, bán, vận chuyển hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường vi phạm các quy định về hóa đơn, chứng từ tại Chương II Thông tư này nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực có liên quan như sau:
a) Tổ chức, cá nhân kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng hóa nhập lậu bị xử phạt theo Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng;
b) Trường hợp hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hoặc có nhưng không đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định tại Chương II Thông tư này do hỏa hoạn, mất, hỏng, rách và cơ sở sản xuất, kinh doanh đã làm thủ tục khai báo theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP; đồng thời, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu chứng minh được nguồn gốc hàng hóa là hợp pháp (thông qua việc sao lại các chứng từ, hóa đơn từ các đơn vị phát hành) thì bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn;
c) Trường hợp các hành vi vi phạm các quy định về hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu, lưu thông trên thị trường mà dẫn đến các hành vi khai sai làm thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn hoặc dẫn đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế thì bị xử lý truy thu thuế và xử phạt theo quy định tại Luật Quản lý thuế;
d) Các hành vi vi phạm các quy định về hóa đơn, chứng từ không thuộc các trường hợp nêu tại điểm a, b, c khoản này thì xử phạt theo các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực có liên quan.”