Đấu giá hàng hoá có những nét đặc thù so với các hoạt động thương mại khác.
Theo Khoản 1 Điều 185 Luật thương mại 2005 thì: “Đấu giá hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó người bán hàng tự mình hoặc thuê người tổ chức đấu giá thực hiện việc bán hàng hoá công khai để chọn người mua trả giá cao nhất”.
Như vậy, ta có thể hiểu đấu giá hàng hoá là một phương thức bán hàng đặc biệt, trong đó, người bán tự mình hoặc thuê người tổ chức đấu giá thực hiện việc bán hàng hoá công khai tại một địa điểm và thời gian đã thông báo trước để những người muốn mua đến trả giá. Quyền mua hàng hoá sẽ thuộc về người trả giá cao nhất.
Đấu giá hàng hoá là một hành vi pháp lý, do sự khác nhau về chủ thể, mục đích mà đấu giá có thể là một hành vi dân sự thông thường hoặc trở thành một hoạt động thương mại độc lập của thương nhân.
Đối tượng của bán đấu giá là hàng hoá thương mại được phép lưu thông. Quan hệ đấu giá được xác lập dưới những hình thức pháp lý nhất định. Như vậy, trong quan hệ thương mại, đấu giá hàng hoá có những đặc điểm chung của một hoạt động thương mại. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm chung đó, bán đấu giá hàng hoá còn có những nét đặc thù so với các hoạt động thương mại khác.
Thứ nhất, đấu giá hàng hoá là hoạt động bán hàng (có thể) thông qua trung gian. Trong quan hệ đấu giá hàng hoá, trừ trường hợp người bán đấu giá (người có hàng hoá) tự mình tổ chức bán đấu giá, các trường hợp khác, ngoài bên bán, bên mua còn có sự tham gia của trung gian là người làm dịch vụ bán đấu giá.
– Bên bán là chủ sở hữu của hàng hoá hoặc người được chủ sở hữu uỷ quyền hoặc là người có trách nhiệm, lợi ích liên quan đến hàng hoá bán đấu giá.
– Bên mua là những tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua hàng hoá và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật để tham gia trả giá.
– Người làm dịch vụ bán đấu giá là những tổ chức được người bán hàng hoá uỷ quyền tiến hành việc bán đấu giá.
* Như vậy, quan hệ bán đấu giá có thể diễn ra giữa những đối tượng sau đây:
– Người có hàng hoá (chủ sở hữu của hàng hoá) – người mua.
– Người có hàng hoá – người bán hàng hoá (được chủ sở hữu hàng hoá uỷ quyền bán hàng hoá hoặc có quyền bán hàng hoá theo quy định của pháp luật) – người mua.
– Người có hàng hoá – người bán đấu giá (thương nhân kinh doanh dịch vụ đấu giá hàng hoá) – người mua.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Thứ hai, đối tượng của bán đấu giá có thể là những hàng hoá thương mại thông thường, tuy nhiên, do tính chất đặc thù của việc bán hàng theo phương thức này mà không phải hàng hoá nào cũng được các chủ sở hữu quyết định bán bằng phương pháp đấu giá. Chính vì vậy, hầu hết chỉ những hàng hoá có đặc thù về giá trị cũng như giá trị sử dụng mới thường được cân nhắc để lựa chọn án theo phương thức đấu giá. Những hàng hoá này rất khó xác định giá trị thực của nó như các loại hàng hoá khác. Do vậy, người bán chỉ đưa ra một mức giá cơ sở để người mua tham khảo (giá khởi điêm), còn giá bán thực tế do những người tham dự cuộc bán đấu giá xác định trên cơ sở có sự cạnh tranh. Giá bán thực tế có thể cao hoặc thấp hơn giá mà người bán đưa ra ban đầu.
Thứ ba, hình thức pháp lý của quan hệ bán đấu giá có thể được thiết lập dưới dạng rất đặc biệt là hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá và văn bản bán đấu giá hàng hoá. Hợp đồng uỷ quyền bán đấu gía được xác lập giữa người bán hàng và người làm dịch vụ bán đấu giá. Nó làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ uỷ quyền bán đấu giá hàng hoá. Còn văn bản bán đấu giá thực chất là hợp đồng mua bán hàng hoá, được xác lập giữa các bên liên quan (người bán hàng, người mua hàng và tổ chức bán đấu giá). Văn bản này là cơ sở pháp lý để xác lập quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ mua bán hàng hoá đồng thời là căn cứ đê xác lập quyền sở hữu của người mua hàng đối với hàng hoá bán đấu giá.
So với các phuơng thức bán hàng khác, bán đấu giá hàng hoá đem lại lợi ích cho cả người bán hàng và người mua hàng. Nó tạo cơ hội bình đẳng cho những người mua hàng cùng tham gia trả giá, qua đó xác định được một mức giá cạnh tranh có lợi nhất cho người bán hàng. Nhờ việc tổ chức bán đấu giá mà hàng hoá đem bán sẽ đến tay những người mua có tiềm năng và hiểu đúng giá trị của chúng nhất. Bán đấu giá còn tập trung được cung và cầu về các loại hàng hoá vào một thời gian và thời điểm nhất định, giúp cho việc xác lập quan hệ mua bán diễn ra nhanh chóng. Nếu hình thành được những thị trường bán đấu giá chuyên nghiệp thì sẽ là động lực rất tốt để thúc đẩy quan hệ trao đổi thương mại phát triển, nhất là với các quốc gia có những mặt hàng thế mạnh của mình.
Bán đấu giá đã có mặt ở Việt Nam từ khá lâu nhưng bán đấu giá với tính chất là hành vị thương mại của thương nhân thì mới được ghi nhận trong pháp luật những năm gần đây. Vì vậy, hoạt động bán đấu giá hàng hoá còn yếu ớt và các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động này cũng còn sơ lược.
Tóm lại, đấu giá hàng hoá là một quy trình phức tạp, có những đặc điểm chung của một hoạt động thương mại nhưng cũng tồn tại những điểm riêng về bản chất pháp lý.