Giáo dục kĩ năng sống cho các em học sinh chưa bao giờ là một vấn đề bị lãng quên, đặc biệt là trong lứa tuổi học sinh tiểu học. Dưới đây Luật Dương Gia xin giới thiệu mẫu bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên Tiểu học Module 39 (TH39).
Mục lục bài viết
1. Mở bài thu hoạch:
Trẻ em là tương lai của đất nước. Do đó, giáo dục kĩ năng sống cho trẻ chính là chuẩn bị cho tương lai rực rỡ của nước nhà. Việc giáo dục kĩ năng sống cho trẻ là vô cùng quan trọng ở bất kì lứa tuổi nào nhưng đặc biệt quan trọng đối với lứa tuổi tiểu học bởi trong độ tuổi từ 6 tuổi đến 11 tuổi này, tâm sinh lí của các em rất nhạy cảm, dễ bị tác động bởi môi trường sống bên ngoài.
Đồng thời đây cũng là độ tuổi mà các em đang trong quá trình phát triển nhận thức, hành vi, nhân cách nên sự hình thành mới chỉ trong quá trình manh nha này càng cần phải được uốn nắn, dạy dỗ, rèn luyện một cách phù hợp thì mới có thể có khả năng tốt để thích nghi với môi trường sống một cách đúng đắn được.
Do đó, để trang bị tốt cho các em học sinh tiểu học những kĩ năng sống, cá nhân, người thân và các cán bộ giáo viên cần phải nhận thức được vai trò, trách nhiệm của chính mình và cùng chung tay bồi dưỡng, truyền đạt và giáo dục kĩ năng sống cho trẻ
2. Thân bài thu hoạch:
2.1 Trách nhiệm khi giáo dục kĩ năng sống cho trẻ:
2.1.1 Đối với học sinh:
Hiện nay học sinh nói chung và học sinh Tiểu học nói riêng kĩ năng sống của các em còn rất nhiều hạn chế. Dường như sự phát triển của kinh tế xã hội đã tạo cho các em một môi trường sống ngày càng đầy đủ, được bao bọc, chở che bởi gia đình. Nhưng chính đều đó cũng đã làm cho các e có tính ỷ lại nhiều hơn, chỉ quan tâm đến việc học lí thuyết một cách bài vở mà không được trực tiếp cọ sát, luyện tậm để hình thành kĩ năng sống.
Giáo dục kĩ năng sống trên lí thuyết là một mặt, nhưng để các em có thể ứng dụng thực sự kĩ năng này trong đời sống mới là mặt quan trọng và mục tiêu của giáo dục. Vì vậy, đối với học sinh các em phải tự nhận thức được ý nghĩa, vai trò quan trọng của việc phát triển kĩ năng sống trong cuộc đời mình. Các em không được có thói ỷ lại, né tránh môi trường rèn luyện kĩ năng xung quanh mà phải tích cực tham gia để trau dồi rèn luyện nó.
Chẳng hạn như, giáo viên chia nhóm để thuyết trình theo tuần, các em phải có ý thức chủ động mong muốn và thử mình trong vai trò thuyết trình để rèn luyện kĩ năng nói trước đám đông. Nếu các em ý lại, trông chờ vào người khác thì các em sẽ không bao giờ có cho mình một kĩ năng, khi đã không có những kĩ năng sống cần thiết, các em sẽ bỡ ngỡ, khó khăn thậm trí là thất bại trong chính cuộc đời của mình
2.1.2 Đối với giáo viên
Giáo viên là người đóng vai trò dẫn đường trong việc hình thành và tạo cho trẻ những kĩ năng sống đúng đắn. Hiện nay, công tác chủ nhiệm lớp ở trong nhà trường đôi lúc chưa được quan tâm đúng mức. Giáo viên mỗi người có cách tiếp cận và thực hành một cách khác nhau. Nhiều giáo viên vẫn xem nhẹ công tác chủ nhiệm lớp dẫn đến việc chưa chú trọng vào việc rèn các kĩ năng sống cho học sinh. Do đó, ngay bản thân mỗi cán bộ giáo viên cũng phải nhận thức được trách nhiệm, sứ mệnh đang gánh vác trên vai mình để từ đó có thể truyền cho trẻ những kĩ năng sống một cách tốt nhất.
2.1.3 Đối trường địa phương:
Từng địa phương ở vị trí khác nhau sẽ có môi trường sống xung quanh khác nhau. Có những ngôi trường nằm trong khu vực nhà dân là chủ yếu, nhưng lại có những ngôi trường nằm ngay khu vưc gần chợ, gần đường ray xe lửa… Đa số người dân làm nghề buôn bán và lao động là chính. Vì vậy điều kiện kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Nhiều học sinh phải ở nhà với ông bà vì bố mẹ đi làm ăn xa, nên thiếu sự quan tâm dạy dỗ của bố mẹ. Đây chính là cơ hội để các tệ nạn xã hội thâm nhập vào các em nếu không có sự quản lý tốt của nhà trường – gia đình – xã hội. Do đó, các địa phương cũng như gia đình cần phải có sự quan tâm sâu sắc đến các em, để các e có thể được tiếp thu những kĩ năng sống một cách tốt nhất, tránh xa đà vào những tệ nạn xã hội.
2.2 Các biện pháp Giáo dục kĩ năng sống cho học sinh Tiểu học:
2.2.1 Giáo dục kĩ năng sống cho học sinh Tiểu học thông qua các môn học:
Thực tế cho thấy học sinh ngày nay có một số ít bộ phận đang có những biểu hiện đi xuống, suy đồi, thoái hóa về mặt đạo đức. Sự thiếu tôn trong thầy cô, coi thường kỉ luật trường lớp, thậm chí là có những hành vi thái độ không hề chuẩn mực. Một trong số những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự các em đang thiếu trầm trọng kĩ năng sống. Vì vậy việc giáo dục kĩ năng sống cho học sinh tiểu học cần được quan tâm hơn thể hiện bằng việc giáo dục kĩ các môn học là một nội dung thiết yếu mà bất cứ nhà trường nào cũng phải quan tâm đến. Thông qua nội dung bài học, cách tổ chức các hoạt động dạy học giáo viên hình thành và xây dựng cho các em các kĩ năng sống như: quan sát, nhận xét, giao tiếp, phân tích… Sử dụng các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực để tạo điều kiện, cơ hội cho học sinh thực hành, trải nghiệm kĩ năng sống trong quá trình học tập. Từ đó lồng ghép một cách nhẹ nhàng những kinh nghiệm sống vào bài học đến từng đối tượng học sinh. Trong quá trình dạy tuyệt đối không được áp đặt suy nghĩ của mình lên suy nghĩ của trẻ, mà phải để trẻ tự nói lên suy nghĩ của bản thân và nhẹ nhàng hướng dẫn uốn nắn suy nghĩ của trẻ sao cho phù hợp, đúng đắn nhất.Trong chương trình giáo dục Tiểu học vấn đề Giáo dục kĩ năng sống cho học sinh Tiểu học được thể hiện rõ nhất trong một số phân môn như: Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và xã hội.
Giáo dục kĩ năng sống cho học sinh Tiểu học qua môn Tiếng Việt
Môn Tiếng Việt ở trường Tiểu học có vai trò, ý nghĩa hình thành và phát triển ở học sinh các kĩ năng: nghe, nói, đọc, viết để học tập và giao tiếp trong các môi trường hoạt động của lứa tuổi. Thông qua hoạt động dạy và học môn Tiếng Việt góp phần rèn luyện thao tác tư duy, góp phần mở rộng hiểu biết về tự nhiên, xã hội và con người. Kĩ năng sống đặc thù, thể hiện ưu thế của môn Tiếng Việt là kĩ năng giao tiếp, sau đó là kĩ năng nhận thức, bao gồm nhận thức thế giới xung quanh, tự nhận thức, ra quyết định. Trong sách giáo khoa Tiếng Việt Tiểu học, có nhiều bài học mà tên gọi của nó đã nói rõ mục tiêu giáo dục các kĩ năng giao tiếp xã hội như: Lập danh sách học sinh, Lập thời gian biểu, Viết nhắn tin, Làm biên bản cuộc họp, …
Trong khi học và giảng dạy môn này, giáo viên sử dụng phương pháp chủ động sáng tạo để học sinh tự thực hành giao tiếp cùng nhau qua việc thảo luận nhóm, chơi trò chơi, phương pháp nêu và giải quyết vấn đề thông qua việc đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi…Thông qua các hoạt động học tập được phát huy trải nghiệm, rèn kĩ năng hợp tác, bày tỏ ý kiến cá nhân, đóng vai… HS có cơ hội rèn luyện, thực hành nhiều kinh nghiệm sống cần thiết.
Giáo dục kĩ năng sống cho học sinh Tiểu học qua môn Đạo đức
Việc Giáo dục kĩ năng sống cho học sinh Tiểu học trong môn Đạo đức sẽ là hành trang chuẩn bị cho học sinh những kĩ năng sống cần thiết, thái độ sống, hành vi, cách cư xử sao cho phù hợp với mọi người và thế giới xung quanh.
Phương pháp học của môn này cũng phát huy được tích cực tính chủ động sáng tạo của học sinh bằng cách kể chuyện theo tranh, quan sát tranh ảnh, phân tích, xử lý tình huống; chơi trò chơi, đóng tiểu phẩm, múa, hát, đọc thơ, vẽ tranh….
Các phương pháp và kĩ thuật dạy học môn Đạo đức rất phong phú, bao gồm nhiều phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực như: học theo nhóm, theo dự án; giải quyết vấn đề, đóng vai, trò chơi, ….Từ việc sử dụng những phương pháp này sẽ hình thành kĩ năng sống cho chính các em
Giáo dục kĩ năng sống cho học sinh Tiểu học qua môn Tự nhiên và xã hội
Môn Tự nhiên và xã hội là một môn học có ý nghĩa giáo dục kĩ năng cho các em từ một số kiến thức cơ bản ban đầu về con người và sức khoẻ, về một số sự vật, hiện tượng đơn giản trong tự nhiên – xã hội. Môn học này tập trung đến việc hình thành và phát triển các kĩ năng trong học tập như: quan sát, nêu đánh giá, thắc mắc, đặt câu hỏi và diễn đạt hiểu biết của bản thân về các sự vật, hiện tương đơn giản trong tự nhiên và trong xã hội.
Bên cạnh đó môn học này cũng sẽ góp phần không chỉ làm sâu sắc thêm các kiến thức của môn học mà còn hình thành thái độ và hành vi tích cực, phù hợp, cần thiết giúp học sinh có thể ứng xử có hiệu quả các tình huống thực tế trong cuộc sống.
2.2.2 Giáo dục kĩ năng sống cho học sinh Tiểu học thông qua công tác chủ nhiệm lớp:
Để giáo dục được kĩ năng sống cho các em thông qua chính mình trước hết thầy cô phải là người có trách nhiệm cao, có tình yêu thương con trẻ, có sự bao dung độ lượng, khéo léo, tinh tế cũng như am hiểu sâu rộng những kiến thức kĩ năng và phương pháp truyền đạt kiến thức, kĩ năng đó.
Làm chủ nhiệm là một nghệ thuật, đòi hỏi người giáo viên phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo về lời ăn, tiếng nói, tác phong làm việc cho đến trình độ chuyên môn; quan hệ với trò như người thân để trò cảm thấy vừa gần gũi, vừa đáng tin cậy; kiên trì giáo dục học sinh theo kiểu mưa dầm lâu thấm đất.
Vậy để giáo dục kĩ năng sống cho học sinh Tiểu học thông qua công tác chủ nhiệm lớp thì mỗi người giáo viên chủ nhiệm không ngừng giáo dục kĩ năng sống cho học sinh thông qua các phương thức dạy học, rèn luyện kĩ năng ứng xử văn hoá, phê phán ngay mọi hành vi sai trái,bạo lực, vô đạo đức đồng thời thường xuyên liên lạc với phụ huynh để trao đổi, kịp thời nắm bắt thông tin để có thể xử lí và răn dạy kĩ năng cho trẻ một cách phù hợp nhất. Ngoài ra giáo viên cũng phải nâng cao ý thức tự giác, chủ động phát huy tính sáng tạo của học sinh, tổ chức lớp một cách mới mẻ hứng thú cho các em nhưng vẫn phải nằm trong quy chuẩn rèn luyện thì việc tiếp thu những kĩ năng sống cũng của trẻ mới thực sự hiệu quả.
3. Kết luận bài thu hoạch:
Việc quan tâm giáo dục kĩ năng sống cho các em học sinh tiểu học có ý nghĩa, giá trị vô cùng lớn. Vậy nên các cán bộ giáo viên trong trường cũng như gia đình các em cần phải chung tay phối hợp trong việc dạy dỗ, rèn luyện kĩ năng đó cho các em. Tất cả vì tương lai của các em, vì tương lai của đất nước.
THAM KHẢO THÊM: