Những yếu tố ảnh hưởng đến việc áp dụng pháp luật về bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khoẻ.
Áp dụng pháp luật là một hình thức thực hiện pháp luật, trong đó Nhà nước thông qua các cơ quan Nhà nước hoặc nhà chức trách có thẩm quyền tổ chức cho các chủ thể pháp luật thực hiện những quy định của pháp luật hoặc tự mình căn cứ vào các quy định của pháp luật để tạo ra các quyết định làm phát sinh, thay đổi, đình chỉ hoặc chấm dứt những quan hệ pháp luật cụ thể. Khi có căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe mà “các chủ thể không muốn thực hiện, không đủ khả năng tự thực hiện nếu thiếu sự tham gia của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền” thì hoạt động áp dụng pháp luật là một biện pháp mang tính tổ chức quyền lực Nhà nước nhằm cá biệt hóa quy phạm pháp luật vào các trường hợp cụ thể, đối với những chủ thể cụ thể.
Một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thiện của một hệ thống pháp luật nói chung đó là tính phù hợp, thể hiện sự tương quan giữa trình độ của hệ thống pháp luật với trình độ phát triển kinh tế xã hội. Trên thực tế, việc xây dựng một hệ thống pháp luật theo hướng toàn diện không thể tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót nhất định. Và đối với các quy phạm pháp luật liên quan đến trách nhiệm BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe cũng không nằm ngoài tồn tại khách quan này. Kỹ năng lập pháp của mỗi quốc gia sẽ ảnh hưởng đến trình độ của hệ thống pháp luật quốc gia đó. Ở Việt Nam chúng ta, pháp luật dân sự nói chung và pháp luật dân sự về trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng nói riêng vẫn luôn không ngừng từng bước được hoàn thiện, xây dựng, hướng đến phù hợp với bối cảnh lịch sử trong mỗi giai đoạn nhất định và mang tính toàn diện, đồng bộ, thực tế trong việc áp dụng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, pháp luật dân sự về BTTH ngoài hợp đồng không thể bao quát hết được tất cả các sự kiện pháp lý xảy ra trong đời sống xã hội hàng ngày, và đây là một tồn tại mang tính khách quan, là một trong những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến việc áp dụng pháp luật về BTTH ngoài hợp đồng nói chung, BTTH do xâm phạm sức khỏe, tính mạng nói riêng. Có những trường hợp tranh chấp BTTH xảy ra trên thực tế nhưng chưa có quy phạm pháp luật điều chỉnh, hoặc có nhưng những quy phạm đó mang tính chung chung, gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật trong giải quyết tranh chấp.
Yếu tố tiếp theo có thể kể đến làm ảnh hưởng đến việc áp dụng pháp luật về BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khoẻ đó chính là chủ thể được trao quyền áp dụng pháp luật. Đối với những tranh chấp dân sự xảy ra trong đời sống xã hội,
Vì vậy, đòi hỏi các chủ thể này cần có một trình độ nhận thức nhất định về chuyên môn, nghiệp vụ để có thể bảo đảm hoạt động xét xử, thực hiện sứ mệnh “bảo vệ quyền con người” trong tranh chấp BTTH ngoài hợp đồng. Theo quan điểm của tác giả, yếu tố then chốt ở đây là trình độ nhận thức của người áp dụng pháp luật, điều này sẽ quyết định tính chính xác hay không việc pháp luật; nhũng nhận thức, cách hiểu sai lầm sẽ kéo theo những phán quyết lệch chuẩn. Những chủ thể được trao quyền áp dụng pháp luật để giải quyết các tranh chấp cụ thể bên cạnh việc phải có đạo đức, lối sống chuẩn mực, thì cần “thượng tôn pháp luật, tôn trọng khách quan, xét xử độc lập, tận tụy phục vụ và tôn trọng nhân dân, tự giác học tập”.
Một yếu tố khác cũng cần nhắc đến sẽ gây ảnh hưởng trong hoạt động áp dụng pháp luật về BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khoẻ đó là những quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Việc giải quyết các tranh chấp về BTTH ngoài hợp đồng tại TAND luôn phải tuân thủ quy định của pháp luật về tố tụng dân sự; đó là một quy trình áp dụng pháp luật dân sự tại Tòa án bao gồm các trình tự, thủ tục, cách thức xây dựng hồ sơ và xét xử vụ án, giải quyết việc dân sự liên quan đến tranh chấp về BTTH. Một nguyên tắc chung của trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng đó là phải “kịp thời”, phục hồi nhanh chóng tình trạng ban đầu của người bị xâm hại; và để có thể đảm bảo được nguyên tắc này, pháp luật tố tụng dân sự giữ vai trò quan trọng khi quyết định tiến độ giải quyết các tranh chấp. Trên thực tế, không ít trường hợp pháp luật tố tụng dân sự đã trở thành rào cản về mặt thời gian trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến trách nhiệm bồi thường do xâm phạm sức khỏe, tính mạng, thể hiện ở các quy định mang tính chất tùy nghi trong việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án…v.v.