Áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là gì? Áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội Tiếng Anh là gì? Điều kiện áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội? Ý nghĩa của việc áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội?
Pháp luật hình sự Việt Nam dành riêng Chương XII ( Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017) để quy định những điều luật dành riêng cho đối tượng là người dưới 18 tuổi phạm tội. Điều đó cho thấy được sự quan tâm của nhà làm luật đối với đối tượng phạm tội ở độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi bởi đây là nhóm tội phạm là người chưa thành niên, một nhóm tội phạm đặc biệt, đặc biệt về độ tuổi, đặc biệt về khả năng nhận thức, tâm sinh lý chưa được thực sự hoàn thiện như nhóm tội phạm là người đã trưởng thành. Trong trường hợp người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ,..sẽ tiến hành cân nhắc các điều kiện để tiến hành áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục như: Khiển trách; hòa giải tại cộng đồng; giáo dục tại phường, xã, thị trấn,…
Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ cung cấp đến bạn đọc những quy định pháp luật mới nhất về việc p dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
1. Áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là gì?
Quy định về áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được ghi nhận tại Điều 94 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017:
Điều 94. Hoà giải tại cộng đồng
1. Hoà giải tại cộng đồng được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong những trường hợp sau đây:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng;
b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này.
2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức việc hòa giải tại cộng đồng khi người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại đã tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.
3. Người được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
a) Xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại;
b) Nghĩa vụ quy định tại khoản 3 Điều 93 của Bộ luật này.
Có thể hiểu, áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là một hình thức xử lý với mục đích răn đe, giáo dục người dưới 18 tuổi sau khi Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án quyết định miễn trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
2. Áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội Tiếng Anh là gì?
Áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội Tiếng Anh là: “Reconciliation in the community”.
3. Điều kiện áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
Để xác định người dưới 18 tuổi phạm tội được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng thì đầu tiên người được áp dụng phải thỏa mãn điều kiện tại Điều 91 Bộ luật hình sự 2015, cụ thể:
– Trường hợp 1: Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của BLHS;
Đây là trường hợp tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn, mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự quy định đối với tội đó là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm hoặc tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù.
– Trường hợp 2: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 BLHS năm 2015.
Đây là trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015, trừ trường hợp quy định tại Điều 123 (tội giết người), Điều 134, các khoản 4, 5 và khoản 6 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác), Điều 141 (tội hiếp dâm),…của
Để áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng thì người được áp dụng còn phải thỏa mãn điều kiện tại Điều 92 Bộ luật Hình sự: ” Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án chỉ quyết định miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với việc áp dụng một trong các biện pháp này”
Nếu người dưới 18 tuổi đáp ứng được các điều kiện được đặt ra ở trên thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức việc hòa giải tại cộng đồng khi người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại đã tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự
Trách nhiệm của người dưới 18 tuổi được áp dung biện pháp hòa giải tại cộng đồng:
Người được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
– Xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại
– Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc;
– Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu;
– Tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp.
Tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền ấn định thời điểm xin lỗi, thời gian thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại quy định tại điểm a – khoản 3 – Điều này và nghĩa vụ quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 93 của Bộ luật Hình sự từ 03 tháng đến 01 năm.
Trình tự thủ tục thực hiện thủ tục áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng được quy định tại Điều 428
1. Khi xét thấy có đủ điều kiện áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng theo quy định của Bộ luật hình sự thì Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử quyết định áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng.
2. Quyết định áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng có các nội dung chính:
a) Số, ngày, tháng, năm; địa điểm ra quyết định;
b) Họ tên, chức vụ, chữ ký của người ra quyết định và đóng dấu của cơ quan ra quyết định;
c) Lý do, căn cứ ra quyết định;
d) Tội danh, điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự đã áp dụng;
đ) Họ tên Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên hoặc Thẩm phán được phân công tiến hành hòa giải;
e) Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của bị can, bị cáo;
g) Họ tên người bị hại;
h) Họ tên những người khác tham gia hòa giải;
i) Thời gian, địa điểm, tiến hành hòa giải.
3. Quyết định áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng phải giao cho người dưới 18 tuổi phạm tội, cha mẹ hoặc người đại diện của họ; người bị hại, người đại diện của người bị hại và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi tổ chức việc hòa giải tại cộng đồng chậm nhất là 03 ngày trước ngày tiến hành hòa giải.
4. Khi tiến hành hòa giải, Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên hoặc Thẩm phán được phân công tiến hành hòa giải phải phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi tổ chức việc hòa giải và phải
5. Biên bản hòa giải có các nội dung chính:
a) Địa điểm, giờ, ngày, tháng, năm tiến hành hòa giải, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc;
b) Họ tên Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán được phân công tiến hành hòa giải;
c) Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của bị can, bị cáo;
d) Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người bị hại;
đ) Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của những người khác tham gia hòa giải;
e) Các câu hỏi, câu trả lời, lời trình bày của những người tham gia hòa giải;
g) Kết quả hòa giải; người dưới 18 tuổi, cha mẹ hoặc người đại diện của người dưới 18 tuổi xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại (nếu có); người bị hại, người đại diện của người bị hại đã tự nguyện hòa giải, đề nghị miễn trách nhiệm hình sự (nếu có);
h) Chữ ký của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán hòa giải.
6. Ngay sau khi kết thúc hòa giải, Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán tiến hành hòa giải phải đọc lại biên bản cho những người tham gia hòa giải nghe. Nếu có người yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung thì Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán đã lập biên bản phải ghi những sửa đổi, bổ sung đó vào biên bản và ký xác nhận. Trường hợp không chấp nhận yêu cầu thì phải ghi rõ lý do vào biên bản. Biên bản hòa giải được giao ngay cho những người tham gia hòa giải.
4. Ý nghĩa của việc áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
Pháp luật hình sự Việt Nam quy định việc áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nhằm mục đích mở ra một cơ hội để người dưới 18 tuổi phạm tội sửa chữa sai lầm, được giáo dục và phát triển lành mạnh.
Hòa giải tại cộng đồng là cơ hội để người phạm tội nhận thức được hành vi của bản thân là sai trái, gây nguy hiểm cho xã hội. Từ việc giáo dục có nhận thức đúng đắn sẽ giúp cho người phạm tội có cơ hội sửa chữa những sai lầm và hoàn thiện bản thân. Thực tế đã có rất nhiều trường hợp người dưới 18 tuổi sau khi được áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục đã nhận ra hành vi sai trá của bản thân và tiếp tục quay trở lại cộng đồng học tập và làm việc trở thành những người có ích cho xã hội.
Có thể thấy quy định về hình thức hòa giải tại cộng đồng là một quy định mới của pháp luật hình sự nước ta, quy định này phù hợp với các điều ước quốc tế, mặt khác cũng thể hiện sự tiến bộ, nhân văn và mang tính giáo dục trong nguyên tắc xử lý trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội của pháp luật hình sự nước ta.
Hòa giải tại cộng đồng được cho là biện pháp giám sát, giáo dục có tính nghiêm khắc cao hơn so với biện pháp khiển trách.