Án treo thể hiện được tính nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam, có tác dụng là khuyến khích những người bị kết án tự thân tu dưỡng tại cộng đồng cùng với sự giúp đỡ tích cực của toàn xã hội cũng như gia đình. Vậy án treo có phải tiền án không? Án treo có ảnh hưởng gì không?
Mục lục bài viết
1. Án treo có phải là tiền án không?
Tới thời điểm hiện nay, vẫn chưa có một văn bản pháp luật nào đưa ra quy định trực tiếp khái niệm về tiền án, tuy nhiên là ta có thể hiểu tiền án sẽ chỉ được đặt ra khi mà phát sinh trách nhiệm hình sự, người có tiền án chính là người đã bị tòa án tuyên án và thi hành hình phạt mà chưa được xóa án tích. Như vậy, tiền án được xem như là đặc điểm nhân thân của một người mà người đó đã bị kết án và áp dụng hình phạt mà chưa được xoá án tích.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 65 của Bộ luật Hình sự 2015 và Điều 1 của Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP, án treo được hiểu là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được áp dụng đối với những người đã phạm tội bị toà án tuyên phạt tù không quá 03 năm; đồng thời là, được căn cứ vào nhân thân của người phạm tội đó và những tình tiết giảm nhẹ, xét thấy là không cần thiết bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.
Như vậy, theo quy định đã nêu trên, người được hưởng án treo và người này chưa được xóa án tích thì họ vẫn xem là có tiền án. Bởi vì, mặc dù họ không phải chấp hành hình phạt tù nhưng họ cũng đã bị tuyên án là phạm tội.
Khi nào người phạm tội được toà án tuyên cho hưởng án treo hoàn thành xong thời gian thử thách, đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật để được xoá án tích hoặc người đó được xoá án tích sớm hơn trong trường hợp đặc biệt thì mới được coi là không có tiền án.
2. Án treo có ảnh hưởng gì không?
Trên thực tế, người phạm tội đã bị tuyên án nhưng được toà án cho hưởng án treo là một điều mà hầu hết người phạm tội nào và người nhà của họ đều mong muốn, bởi vì khi đó họ sẽ không phải chấp hành hình phạt tù, họ được trở về nhà để làm ăn, sinh sống, chăm lo gia đình,…Tuy nhiên, người đang chấp hành án treo và thời gian thử thách án treo cũng có một số ảnh hưởng nhất định, cụ thể như:
– Trong khoản 2 Điều 65 Bộ Luật Hình sự 2015 có quy định trong thời gian thử thách án treo, Tòa án sẽ giao người được hưởng án treo cho những cơ quan, tổ chức nơi mà người được hưởng án treo làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi mà người được hưởng án treo cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình của người đó phải có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc thực hiện giám sát, giáo dục người bị kết án được hưởng án treo. Như vậy, trong thời gian thử thách án treo, người bị kết án sẽ phải chịu sự giám sát của gia đình, của cơ cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú.
– Ảnh hưởng tới chính bản thân mình và người thân (ví dụ như con, cháu,…) của mình trong việc kết hôn với người làm trong lực lượng vũ trang nhân dân (ví dụ như công an,…). Bởi vì khi một người trước khi kết hôn với đối tượng làm trong lực lượng vũ trang nhân dân thì sẽ phải tiến hành thẩm tra lý lịch cá nhân và lý lịch ba đời của người không phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân. Nếu như đáp ứng đủ các điều kiện đặc thù về thẩm tra lý lịch thì hai bên mới được kết hôn với nhau. Theo đó nếu khi thẩm tra lý lịch mà rơi vào các trường hợp sau thì sẽ không được kết hôn với người phục vụ trong công an:
+ Về lý lịch cá nhân:
Tôn giáo: không chấp nhận những người có tôn giáo như Thiên Chúa giáo, Tin lành, Cơ đốc,…;
Dân tộc: Không chấp nhận những người có dân tộc Hoa;
Không được có tiền án hoặc là đang chấp hành bản án, chưa được xóa án tích;
Quốc tịch: Việt Nam
+ Về lý lịch gia đình: sẽ tiến hành thẩm tra lý lịch ba đời. Đời thứ nhất bao gồm là ông, bà (ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại); đời thứ hai bao gồm là cha mẹ, cô, gì, chú, bác ruột; đời thứ ba bao gồm là bản thân và anh, chị, em ruột, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha, cụ thể như sau:
Gia đình không được có ai đã từng tham gia Ngụy quân, Ngụy quyền hoặc đã từng làm tay sai cho chế độ phong kiến;
Gia đình không được có ai đang có tiền án hoặc là đang chấp hành bản án hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng lại chưa được xóa án tích;
Về tôn giáo: Không tham gia tôn giáo;
Về quốc tịch: Việt Nam
Về dân tộc: Gia đình nếu như có người thuộc dân tộc Hoa thì sẽ không đủ điều kiện.
Một trong những điều kiện về thẩm tra lý lịch để kết hôn với người không làm trong lực lượng vũ trang nhân dân là người kết hôn đó và người thân ba đời của họ không có tiền án hoặc là đang chấp hành bản án hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng lại chưa được xóa án tích. Vì vậy, người đang trong thời gian thử thách án treo, người chưa được xoá án tích sẽ có ảnh hưởng tới việc kết hôn của họ và cả người thân của họ.
3. Khi nào không được coi là có tiền án đối với người đã từng bị kết án treo:
Khi nào người phạm tội được toà án tuyên cho hưởng án treo hoàn thành xong thời gian thử thách, đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật để được xoá án tích hoặc người đó được xoá án tích sớm hơn trong trường hợp đặc biệt thì mới được coi là không có tiền án. Để được xoá án tích, người bị kết án phải đủ các điều kiện sau:
3.1. Trong trường hợp đương nhiên xoá án tích:
Khi một người đã bị kết án nhưng được toà án tuyên cho hưởng án treo thì người đó sẽ được đương nhiên xoá án tích khi mà người đó đã chấp hành xong thời gian thử thách án treo, các quyết định khác của bản án, đã chấp hành xong hình phạt bổ sung và người đó phải không được thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn là một năm kể từ khi mà người đó đã chấp hành xong thời gian thử thách án treo.
Khi đủ các điều kiện này thì người bị kết án được hưởng án treo sẽ được đương nhiên xoá án tích, kể từ thời điểm người đó được đương nhiên xoá án tích thì người đó được xem là không có tiền án.
3.2. Trong trường hợp xoá án tích theo quyết định của toà án:
– Xoá án tích theo quyết định của toà án sẽ được áp dụng đối với những người bị kết án một trong các tội về tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội về xâm phạm sở hữu
– Khi người đã bị kết án mà được toà án tuyên cho hưởng án treo thì họ sẽ được Tòa án xem xét đưa ra quyết định việc xóa án tích căn cứ vào tính chất của tội phạm đã thực hiện, căn cứ vào thái độ chấp hành pháp luật và thái độ lao động của người bị kết án đồng thời kể từ khi chấp hành xong thời gian thử thách án treo, chấp hành xong hình phạt bổ sung, thực hiện xong quyết định khác của bản án (ví dụ như nghĩa vụ về dân sự, nộp tiền án phí,…) và họ không được thực hiện các hành vi phạm tội mới trong khoảng thời hạn là 01 năm kể từ khi đã chấp hành xong thời gian thử thách án treo.
Khi được toà án xem xét và ra quyết định xoá án tích thì người bị kết án được hưởng án treo sẽ được xoá án tích và không bị coi là có tiền án kể từ thời điểm được quy định trong quyết định xoá án tích của toà án.
3.3. Xoá án tích trong trường hợp đặc biệt:
Toà án quyết định xoá án tích trong thời hạn sớm hơn khi người bị kết án đáp ứng đủ 03 điều kiện sau:
– Người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập được công
– Có đề nghị bằng văn bản của cơ quan, tổ chức nơi mà người đó công tác hoặc là chính quyền địa phương nơi mà người đó thường trú về việc xoá án tích trong thời hạn sớm hơn cho những người bị kết án
– Người bị kết án đã bảo đảm được ít nhất là 1/3 của một năm kể từ khi mà chấp hành xong thời gian thử thách án treo (tức là người bị kết án đã được toà án cho hưởng án treo sẽ phải qua được ít nhất là 04 tháng kể từ khi mà họ chấp hành xong thời gian thử thách án treo mà không phạm tội mới).
Khi được toà án ra quyết định xoá án tích thì người bị kết án được hưởng án treo sẽ được xoá án tích kể từ thời điểm được quy định trong quyết định xoá án tích của toà án, kể từ thời điểm đó người này sẽ không có tiền án.
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
– Bộ Luật Hình sự 2015;
– Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành.