Thuế là nguồn thu chủ yếu và quan trọng nhất trong ngân sách nhà nước, do vậy, việc thiết lập một cơ chế để tránh thất thu thuế là điều cần thiết và cũng là thách thức đối với nhà nước. Ấn định thuế là một trong những phương pháp đặc trưng để nhà nước quản lý thuế một cách triệt để nhất. Cùng tìm hiểu về ấn định thuế.
Mục lục bài viết
1. Ấn định thuế là gì?
Dựa trên quy định tại Luật Quản lý thuế, có thể hiểu: Ấn định thuế là hoạt động của cơ quan thuế trong việc xác định số tiền thuế phải nộp hoặc ấn định từng yếu tố, căn cứ tính thuế để xác định số tiền thuế phải nộp khi người nộp thuế thuộc một trong các trường hợp luật định. (Khoản 2, Điều 49).
Ấn định thuế phải được thực hiện dựa trên các quy định của pháp luật về nguyên tắc ấn định thuế, các trường hợp ấn định thuế, căn cứ ấn định thuế nhằm đảm bảo không xâm phạm đến quyền và lợi ích của người nộp thuế, đồng thời phải đảm bảo không thất thu thuế.
2. Các trường hợp ấn định thuế:
Theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành, có 02 trường hợp lớn phải thực hiện ấn định thuế, cụ thể:
2.1. Ấn định thuế đối với người nộp thuế trong trường hợp vi phạm pháp luật về thuế:
(Khoản 1, Điều 50)
Người nộp thuế bị ấn định thuế khi thuộc một trong các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế sau đây:
– Không đăng ký thuế, không khai thuế, không nộp bổ sung hồ sơ thuế theo yêu cầu của cơ quan thuế hoặc khai thuế không đầy đủ, trung thực, chính xác về căn cứ tính thuế;
Đăng ký thuế, khai thuế là những nội dung quản lý thuế quan trọng, nhằm xác định chính xác chủ thể sản xuất, kinh doanh phát sinh nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước, xác định số thuế phải nộp (khai thuế) dưới các hình thức khác nhau. Việc không đăng ký thuế, khai thuế là biểu hiện đầu tiên của hành vi trốn thuế.
Hồ sơ thuế được giải thích tại Luật Quản lý thuế rất đa dạng, việc không nộp bổ sung hồ sơ thuế theo yêu cầu là được coi là hành vi “chống đối” của người nộp thuế, dẫn đến những khó khăn trong quá trình quản lý thuế của cơ quan thuế.
Căn cứ tính thuế là yếu tố quan trọng để xác định chính xác số thuế phải nộp, việc khai không đầy đủ, trung thực, chính xác về căn cứ tính thuế (theo hướng có lợi cho mình) là hành vi vi phạm pháp luật, được coi là gian lận thuế.
Trường hợp vi phạm pháp luật này cho thấy được cơ chế tự khai, tự nộp đang gặp vấn đề trong chính người nộp thuế và việc ấn định thuế là điều cần thiết.
– Không phản ánh hoặc phản ánh không đầy đủ, trung thực, chính xác số liệu trên sổ kế toán để xác định nghĩa vụ thuế;
Sổ kế toán là tài liệu quan trọng phản ánh quá trình sản xuất, kinh doanh hay hoạt động làm phát sinh nghĩa vụ thuế của người nộp thuế. Hình thức gian lận này khá phổ biến và gây thất thoát thuế đối với ngân sách.
– Không xuất trình sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ và các tài liệu cần thiết liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp trong thời hạn quy định;
Không xuất trình ở đây có thể hiểu theo ý chủ quan hoặc khách quan, nhưng thường là do người nộp thuế cố tình không xuất trình các tài liệu nêu trên. Điều này làm cho việc chứng minh số tiền thuế phải nộp có thể không chính xác và việc ấn định thuế nhằm xác định đúng nghĩa vụ, số tiền thuế mà người nộp thuế phải nộp mà không cần đến các tài liệu cần thiết nữa.
– Không chấp hành quyết định thanh tra thuế, kiểm tra thuế theo quy định;
Quyết định thanh tra thuế, kiểm tra thuế là văn bản pháp lý ghi nhận kết quả của quá trình thanh tra thuế, kiểm tra thuế. Quyết định đó phản ánh ý kiến, nhận định của thanh tra, kiểm tra và việc thực hiện là mang tính cưỡng chế.
– Mua, bán, trao đổi và hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ không theo giá trị giao dịch thông thường trên thị trường;
Trường hợp vi phạm khá khó phát hiện trong thực tế và việc nhận định các hàng hóa, dịch vụ không theo giá trị giao dịch thông thường là điều mang tính chất tương đối. Tuy nhiên, ấn định thuế trong trường hợp này được xem như một cách thức để nhà nước dự phòng và ngăn chặn tình trạng trốn thuế từ đầu.
– Mua, trao đổi hàng hóa sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn mà hàng hóa là có thật theo xác định của cơ quan có thẩm quyền và đã được kê khai doanh thu tính thuế;
Theo
– Có dấu hiệu bỏ trốn hoặc phát tán tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thuế;
Đây là hành vi vi phạm pháp luật về thuế có tính “nguy hiểm” cho xã hội, người nộp thuế thực hiện hành vi vi phạm trên thực hiện với lỗi cố ý và việc ấn định thuế đôi khi không thể giải quyết được triệt để cái mà nhà nước mong muốn.
– Thực hiện các giao dịch không đúng với bản chất kinh tế, không đúng thực tế phát sinh nhằm mục đích giảm nghĩa vụ thuế của người nộp thuế;
Hành vi vi phạm này khá tinh vi, người nộp thuế thực hiện hành vi này có sự ám hiểu về kinh tế, pháp luật khá chắc chắn, việc phát hiện hành vi này trên thực tế sẽ là thách thức đối với cơ quan có thẩm quyền.
– Không tuân thủ quy định về nghĩa vụ kê khai, xác định giá giao dịch liên kết hoặc không cung cấp thông tin theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết.
Khoản 22, Điều 3 Luật Quản lý thuế giải thích: Giao dịch liên kết là giao dịch giữa các bên có quan hệ liên kết. Hành vi vi phạm này có thể có sự móc nối giữa các bên và thường rất khó phát hiện và xử lý.
2.2. Ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu:
Mặc dù, được quy định trong một điều luật khác và xem đó như một trường hợp riêng biệt để cơ quan thuế ấn định thuế, tuy nhiên, thực chất thì các trường hợp ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vẫn là các trường hợp vi phạm pháp luật thuế, cụ thể tại Khoản 1, Điều 52, Luật Quản lý thuế quy định:
Cơ quan hải quan ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong các trường hợp sau đây:
“a) Người khai thuế dựa vào các tài liệu không hợp pháp để khai thuế, tính thuế; không khai thuế hoặc kê khai không chính xác, đầy đủ nội dung liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế;
b) Quá thời hạn quy định mà người khai thuế không cung cấp, từ chối hoặc trì hoãn, kéo dài việc cung cấp hồ sơ, sổ kế toán, tài liệu, chứng từ, dữ liệu, số liệu liên quan đến việc xác định chính xác số tiền thuế phải nộp theo quy định;
c) Người khai thuế không chứng minh, giải trình hoặc quá thời hạn quy định mà không giải trình được các nội dung liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật; không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra của cơ quan hải quan;
d) Người khai thuế không phản ánh hoặc phản ánh không đầy đủ, trung thực, chính xác số liệu trên sổ kế toán để xác định nghĩa vụ thuế;
đ) Cơ quan hải quan có đủ bằng chứng, căn cứ xác định về việc khai báo trị giá không đúng với trị giá giao dịch thực tế;
e) Giao dịch được thực hiện không đúng với bản chất kinh tế, không đúng thực tế phát sinh, ảnh hưởng đến số tiền thuế phải nộp;
g) Người khai thuế không tự tính được số tiền thuế phải nộp;
h) Trường hợp khác do cơ quan hải quan hoặc cơ quan khác phát hiện việc kê khai, tính thuế không đúng với quy định của pháp luật.“
Một điểm khác biết trong hai trường hợp ấn định thuế lớn là về chủ thể có thẩm quyền ấn định thuế, trong đó, đối với trường hợp 1 là cơ quan thuế, còn trường hợp 2 là cơ quan hải quan. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp, nhằm chia sẻ trách nhiệm trong hoạt động quản lý thuế nói chung và ấn định thuế nói riêng, hơn nữa đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì việc để cơ quan hải quan ấn định sẽ thuận tiện hơn bởi đây là cơ quan tiếp xúc trực tiếp, nhanh chóng với hàng hóa, và người nộp thuế cũng phải thực hiện các thủ tục cần thiết về thuế khi xuất khẩu hay nhập khẩu.
Có thể nói rằng, ấn định thuế thực sự quan trọng, nó là công cụ hiệu quả để nhà nước ràng buộc trách nhiệm của người nộp thuế với nhà nước, thực hiện quản lý thuế một cách hiệu quả, triệt để.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết: Luật Quản lý thuế năm 2019.