Hiện nay, việc lập di chúc có rất nhiều cách. Tuy nhiên, chúng ta cần phải biết một số trường hợp về việc ai không được làm người làm chứng cho việc lập di chúc.
Mục lục bài viết
1. Di chúc như nào thì cần người làm chứng?
Di chúc được hiểu là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Bên cạnh di chúc do người lập di chúc tự viết tay và ký tên là hợp pháp thì pháp luật nước ta quy định đối với một số loại di chúc yêu cầu phải có sự hỗ trợ của người làm chứng thì mới được xem là hợp pháp cụ thể như là:
– Di chúc do người lập di chúc tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hộ hoặc đánh máy bản di chúc.
– Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ và di chúc miệng.
Điều kiện để các loại di chúc này phát sinh hiệu lực trên thực tế là phải được làm chứng bởi ít nhất hai người làm chứng đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật.
2. Ai không được làm người làm chứng cho việc lập di chúc?
Căn cứ theo Điều 632 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định thì mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:
Một là, người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.
Hai là, người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.
Ba là, người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Theo như quy định của Bộ Luật Dân sự hiện hành thì Người làm chứng là người chứng kiến sự việc một cách khách quan, độc lập, không bị ràng buộc hoặc bị ảnh hưởng từ bất cứ yếu tố hay chủ thể nào mà liên quan đến sự việc mà họ chứng kiến trong việc lập di chúc của người đã chết. Điều luật trên cho phép mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc chỉ trừ các đối tượng sau:
2.1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc:
Về việc nguyên tắc, người làm chứng là những người không có quyền và nghĩa vụ tài sản liên quan đến việc lập di chúc và người được chỉ định trong di chúc. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc là chủ thể trong quan hệ thừa kế. Những người này sẽ được hưởng di sản của người lập di chúc, cho nên họ không thể là người làm chứng trong việc lập di chúc. Việc định đoạt của người lập di chúc sẽ ảnh hưởng lớn tới quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Việc họ làm chứng sẽ không khách quan, dẫn đến người lập di chúc bị tác động về tâm lý, không thể tự do định đoạt theo ý chí của chính bản thân họ…Do đó, chủ thể này không được làm người làm chứng cho việc lập di chúc.
2.2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc:
Những người có quyền và nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung của di chúc như người là đồng chủ sở hữu đối với phần tài sản định đoạt trong di chúc, hoặc người là chủ nợ hoặc con nợ của người lập di chúc là người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến di sản thừa kế, cho nên sẽ không đảm bảo tính khách quan khi có tranh chấp. Do đó, chủ thể này không được làm người làm chứng cho việc lập di chúc.
2.3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi:
Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhạn thức, không làm chủ được hành vi và hậu quả của hành vi thì không được làm chứng cho việc lập di chúc. So với Điều 654 BLDS năm 2005, thì khoản 1 và 2 được giữ nguyên, riêng khoản 3 của Điều luật này được thay đổi. “Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi” thì không được làm chứng cho việc lập di chúc. Đông thời lược bỏ “người không có năng lực hành vi dân sự”, bởi nó được bao hàm trong “người chưa đủ 18 tuổi”. Khoản 3 bổ sung hai đối tượng không được làm chứng cho việc lập di chúc, đó là “người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức,làm chủ hành vi”. Việc bổ sung này là cần thiết và hợp lý với thể trạng có khả năng nhận thức của những người này.
Từ quy định cụ thể được nêu trên ta thấy rằng: Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc trừ người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc của người lập di chúc; người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung di chúc và người chưa thành niên ( người dưới 18 tuổi ), mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi. Như vậy, những trường hợp bị cấm trên đây để đảm bảo rằng người làm chứng phải là người không có lợi ích liên quan đến việc lập di chúc hoặc là người có vấn đề trong năng lực hành vi dân sự để đảm bảo công bằng khách quan, minh bạch rõ ràng đối với việc quyết định di sản thừa kế của người để lại di sản thừa kế.
3. Vai trò của người làm chứng trong di chúc:
3.1. Hình thức của di chúc:
– Di chúc bằng văn bản có bốn loại chính quy định tại điều 628 Bộ luật Dân sự năm 2015, trong đó có một loại đề cập trực tiếp đến sự tham gia của người làm chứng đó là di chúc bằng văn bản có người làm chứng được quy định tại điều 634 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
– Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.
– Ngoài ra, di chúc còn phải tuân theo các điều kiện khác của di chúc bằng văn bản có người làm chứng phải tuân thủ các quy định về nội dung di chúc.
– Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.
3.2. Tính hợp pháp của di chúc:
Người làm chứng có vai trò quyết định trong một vài trường hợp cụ thể để xác định tính hợp pháp của di chúc đó:
– Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định sau đây:
+ Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
+ Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
– Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Như vậy, ta nhận thấy, người làm chứng có vai trò quan trọng đối với việc xác định tính hợp pháp của di chúc trong một số trường hợp cụ thể do pháp luật quy định.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ Luật Dân sự năm 2015.