Trong vụ án hình sự, hoạt động thực nghiệm điều tra như dựng lại hiện trường là căn cứ để cơ quan điều tra xác định vụ án một cách khách quan, đảm bảo sự công bằng, tránh làm oan người, bỏ lọt tội phạm. Vậy dựng lại hiện trường là gì? Vai trò của việc dựng lại hiện trường trong thực nghiệm điều tra như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Dựng lại hiện trường là gì?
Dựng lại hiện trường là một trong những công việc để tiến hành hoạt động thực nghiệm điều tra. Việc dựng lại hiện trường nhằm mục đích làm rõ các tình tiết, hành vi của người gây án, trên cơ sở đó xử lý đúng người, đúng tội. Khi dựng lại hiện trường, cơ quan điều tra có thể thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hành vi, tình huống hoặc những tình tiết khác của sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết.
Khi tiến hành dựng lại hiện trường, có thể cơ quan điều tra sẽ yêu cầu bị can, bị cáo thực hiện diễn lại hành vi, tình huống, thực hiện lại quá trình phạm tội của mình để Cơ quan điều tra xác định có phù hợp với thực tế khách quan cũng như có phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác hay không. Chẳng hạn như: Thực nghiệm để xác định có thể xảy ra tự cháy hay vụ cháy do bị đối tượng đốt; thực nghiệm vết phanh của xe ô tô để xác định tốc độ của xe khi gây tai nạn…
2. Tác động của việc dựng lại hiện trường phục đối với hoạt động thực nghiệm điều tra:
Dựng lại hiện trường là một trong những điều kiện chiến thuật để tiến hành hoạt động thực nghiệm điều tra.
Hiện trường được hiểu là nơi xảy ra, nơi phát sinh các vụ việc phạm tội hoặc vụ việc có tính hình sự. hiện trường là một khoảng không gian nhất định, không gian này có thể là nơi xảy ra hoặc nơi phát hiện ra các dấu vết, vật chứng của vụ án hoặc vụ việc có tính hình sự. Dựng lại hiện trường là việc sắp xếp lại đồ vật trên địa điểm tiến hành thực nghiệm điều tra theo thứ tự giống như thứ tự đã có vào thời điểm xảy ra hành vi, sự việc, hiện tượng cần kiểm tra, xác minh. Phạm vi hiện trường cần dựng lại phụ thuộc vào các đồ vật có trên hiện trường, tình trạng thay đổi của hiện trường và nội dung của những hoạt động thực nghiệm cần phải tiến hành trên địa điểm đó. Khi dựng lại hiện trường, phải sử dụng những đồ vật tương tự để thay thế. Trong trường hợp có những yếu tố không thể tái tọa lại được hoàn toàn, điều tra viên phải ghi nhận sự thay đổi đó và hết sức khách quan khi đánh giá kết quả của thực nghiệm điều tra. Việc dựng lại hiện trường cũng cần phải được lên kế hoạch chi tiết
Khoản 1 Điều 153 Bộ luật tố tụng hình sự có quy định: “Để kiểm tra và xác minh những tài liệu, những tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án, Cơ quan điều tra có quyền thực nghiệm điều tra bằng cách cho dựng lại hiện trường…”. Như vậy việc dựng lại hiện trường có ý nghĩa quan trọng, đó là kiểm tra và xác minh những những tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án, góp phần vào việc phá án.
Cũng theo như quy định tại khoản 2 và 3 Điều này thì khi dựng lại hiện trường, phải có người chứng kiến và trong trường hợp cần thiết, người bị tạm giữ, bị can, người bị hại, người làm chứng cũng có thể tham gia. Không được xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của những người tham gia việc dựng lại hiện trường. Trong trường hợp cần thiết, Viện kiểm sát có thể tiến hành dựng lại hiện trường, việc dựng lại hiện trường trong trường hợp này được tiến hành theo quy định tại Điều 153 Bộ luật tố tụng hình sự. Những người này khi có mặt tại hiện trường được dựng lại có trách nhiệm xác nhận nội dung và kết quả công việc mà Điều tra viên đã tiến hành. Sự tham gia của những người này, đặc biệt là người chứng kiến nhằm mục đích loại trừ sự nghi ngờ đối với kết quả của những biện pháp điều tra do điều tra viên tiến hành và bảo vệ điều tra viên ra khỏi sự vu cáo, xuyên tạc kết quả tiến hành biện pháp điều tra từ phía những người có lợi ích trong vụ án.
3. Những trường hợp nào, vụ án nào phải dựng lại hiện trường:
Việc thực nghiệm điều tra được quy định tại Điều 204
“Điều 204. Thực nghiệm điều tra
1. Để kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án, Cơ quan điều tra có thể thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc những tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết. Khi thực nghiệm điều tra phải đo đạc, chụp ảnh, ghi hình, vẽ sơ đồ, ghi rõ kết quả thực nghiệm điều tra vào biên bản.
Nghiêm cấm việc thực nghiệm điều tra xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người tham gia thực nghiệm điều tra và người khác.
2. Trước khi tiến hành thực nghiệm điều tra, Điều tra viên phải
3. Điều tra viên chủ trì tiến hành thực nghiệm điều tra và việc thực nghiệm điều tra phải có người chứng kiến.
Khi tiến hành thực nghiệm điều tra, Cơ quan điều tra có thể mời người có chuyên môn tham gia. Trường hợp cần thiết, người bị tạm giữ, bị can, người bào chữa, bị hại, người làm chứng có thể tham gia.
4. Trường hợp cần thiết, Viện kiểm sát tiến hành thực nghiệm điều tra. Việc thực nghiệm điều tra được tiến hành theo quy định tại Điều này.”
Như vậy, trong quá trình điều tra vụ án hình sự, Cơ quan điều tra có thể thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường nếu việc dựng lại đó nhằm kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án đó.
4. Luật sư có được tham gia vào việc dựng lại hiện trường?
Điều 74 BLTTHS 2015 quy định: “Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can.”
Do đó, trường hợp bị can bị bắt, tạm giữ người từ giai đoạn người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ thì luật sư có thể tham gia.
Hơn nữa, trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, luật sư có nghĩa vụ sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định người bị buộc tội vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.
Việc luật sư tham gia vào quá trình thực nghiệm điều tra là một trong những điều kiện tốt để luật sư sớm tiếp xúc với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, các bị can, bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên qua, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của bị can, bị cáo. Qua đây, luật sư sẽ nhìn nhận diễn biến sự việc, cảm xúc của bị can, bị hại từ đó đánh giá một cách khách quan, toàn diện về vụ án để đưa ra phương hướng bào chữa, bảo vệ phù hợp.
Chính vì vậy việc luật sư tham gia vào quá trình thực nghiệm điều tra là cần thiết, có ý nghĩa quan trọng để có thêm cơ sở pháp lý, tài liệu chứng cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ mình.