Tôi đang lái xe máy trên đường đến đoạn xuống dốc thì gặp một cụ già 71 tuổi đang dong xe đạp xuống dốc. Do bất ngờ nên tôi đã đâm phải cụ và khiến cho cụ bị thương. Tôi có phải bồi thường không?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư, tôi có một vấn đề rất mong nhận được sự giúp đỡ!
Cách đây 1 tháng, khi tôi đang lái xe máy trên đường đến đoạn xuống dốc thì gặp một cụ già 71 tuổi đang dong xe đạp xuống dốc.
Do bất ngờ nên tôi đã đâm phải cụ và khiến cho cụ bị thương, tôi đã đưa cụ vào viện chụp, chiếu cẩn thận rồi liên hệ để gia đình cụ đến. Bác sĩ khám chuẩn đoán cụ bị thương vùng bụng nên sẽ đi lại khó khăn. Được biết hiện tại cụ đang bị bệnh hen suyễn và bệnh tim. Gia đình cụ thấy cụ sau khi ngã lại hay bị ho trở lại thì yêu cầu đưa cụ đi khám lại. Bác sĩ kết luận lần ngã không ảnh hưởng gì tới bệnh của cụ và cụ sẽ nhanh chóng phục hồi lại sức khỏe. Trong thời gian 1 tháng qua, tôi vẫn đi lại chăm sóc, thuốc men cho cụ để thực hiện trách nhiệm của mình. Gia đình cụ cũng đồng ý cho tôi làm vậy và nhận bồi thường 5 triệu đồng. Tuy nhiên, do cụ sức khỏe không tốt, mỗi khi cụ ho con cháu lại lo lắng nên gia đình kia lại dọa tôi sẽ đưa sự việc ra pháp luật để tôi phải chịu trách nhiệm. Vậy, cho tôi hỏi nếu phải chịu trách nhiệm thì tôi phải chịu trách nhiệm như thế nào, bởi lúc tôi đi xe máy tôi đi đúng theo pháp luật và tôi cũng đã thực hiện việc bồi thường, chăm sóc cụ.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo như thông tin mà bạn cung cấp tôi nhận thấy rằng bạn đã thực hiện đúng quy định pháp luật về điều khiển phương tiện giao thông. Sự việc diễn ra là do lỗi vô ý của bạn và cụ già cũng không có lỗi trong việc này. Tuy nhiên, bạn vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm căn cứ khoản 1 Điều 604 “Bộ luật dân sự 2015”:
“1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.”
Trong tình huống này, bạn đã đưa cụ vào bệnh viện và đã được bác sĩ chữa trị và xác định có sự tổn hại về sức khỏe của cụ. Vì vậy, bạn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho cụ theo Điều 609 “Bộ luật dân sự 2015”.
“1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.”
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Người bị thiệt hại được xác định ở đây là cụ già đã 71 tuổi, vậy nên, cụ đã nghỉ hưu và thực tế thì không tham gia lao động. Vì vậy, bạn sẽ không phải bù đắp tổn thất về thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút của cụ. Trong trường hợp này bạn sẽ phải bồi thường các khoản chi phí sau:
– Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ của cụ. Chi phí cứu chữa có thể căn cứ vào hồ sơ bệnh án tại bệnh viện. Và chi phí bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe thì do các bên thỏa thuận phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của cụ và chi phí này cần phải hợp lí.
– Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị. Trong thời gian cụ nằm ở bệnh viện cần có người nhà chăm sóc và người đó nếu trong khoảng thời gian ấy nếu không chăm sóc cụ thì sẽ tạo ra một khoản thu nhập. Vì vậy, khoản này đã bị mất đi nên bạn có thể sẽ phải bù đắp cả khoản này.
– Một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà cụ gánh chịu.
Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý về nguyên tắc bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 605 “Bộ luật dân sự 2015” như sau:
“1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.”