Hiện nay, Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam năm 2000 không quy định về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận.
Hiện nay, Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam năm 2000 không quy định về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận. Luật này chỉ thừa nhận chế độ tài sản theo pháp định tức là quy định chung cho tất cả các cặp vợ chồng hợp pháp về căn cứ xác định tài sản chung, riêng; về phân chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn…
Điều 27 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 quy định: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thỏa thuận.
Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất.”
Từ đó, luật cũng quy định về việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung như sau: “1. Vợ, chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.2. Tài sản chung của vợ chồng được chi dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện các nghĩa vụ chung của vợ chồng.3. Việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn hoặc là nguồn sống duy nhất của gia đình, việc dùng tài sản chung để đầu tư kinh doanh phải được vợ chồng bàn bạc, thỏa thuận, trừ tài sản chung đã được chia để đầu tư kinh doanh riêng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này.”(điều 28, Luật Hôn nhân Gia đình 2000).
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Luật hiện hành quy định như vậy một phần do chịu sự ảnh hưởng của pháp luật các nước xã hội chủ nghĩa trước đây mà đặc biệt là Liên Xô cũ. Những nước này quan niệm hôn nhân là một sự kiện thiêng liêng giao kết tình yêu giữa hai con người, việc cụ thể hóa tài sản chung, tài sản riêng trước khi kết hôn sẽ làm giảm tính thiêng liêng của hôn nhân, làm mất đi tính cộng đồng trách nhiệm trong hôn nhân. Sự rạch ròi về tài sản cũng vô tình tạo ra sự nghi ngại, ngăn cách giữa hai người khi họ quyết định kết hôn, thể hiện việc vợ chồng thiếu tin tưởng nhau, không có ý thức xây dựng cuộc sống gia đình bền vững.
Tuy nhiên, luật cũng khá mềm dẻo và phần nào tôn trọng và thừa nhận quyền định đoạt tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận khi quy định vợ chồng có quyền chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân: “Khi hôn nhân tồn tại, trong trường hợp vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác thì vợ chồng có thể thỏa thuận chia tài sản chung; việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.”. Quy định này được hướng dẫn cụ thể hơn tại điều 6, điều 7 và điều 8 Nghị định số 70 của Chính phủ ngày 03 tháng 10 năm 2001 quy định chi tiết thi hành Luật HNGĐ năm 2000.
Như vậy, mặc dù qui định về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận trong pháp luật hôn nhân và gia đình không được quy định rõ ràng trong pháp luật hiện hành nhưng nó vẫn tồn tại và được thừa nhận phần nào. Sự cần thiết và tính cấp thiết của việc luật hóa qui định này ở nước ta càng rõ ràng hơn khi mà các nước trong khu vực và hầu hết các quốc gia có nền lập pháp tiên tiến trên thế giới đều đã thừa nhận và áp dụng.