Mục lục bài viết
1. Thông tin tổng quan về ngày Tết Nguyên Đán:
1.1. Tết Nguyên Đán là gì?
Tết Nguyên Đán là một ngày lễ truyền thống của Việt Nam cũng như các nước Đông Á, Đông Nam Á khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Singapore, Malaysia, Indonesia. Là một trong những ngày lễ lớn và quan trọng nhất của Việt Nam, Tết Nguyên Đán chính là dịp để gia đình hội tụ, sum họp gia đình.
Tết Nguyên Đán hay còn gọi là Tết âm sẽ diễn ra sau tết dương thường là một tháng bởi sự chênh lệch ngày dương (lịch Tây phương) và ngày âm (Lịch âm của Việt Nam và một số nước Đông Á, Đông Nam Á – những quốc gia ăn Tết Nguyên Đán).
Tết Nguyên Đán tại Việt Nam thường bắt đầu từ ngày 23 tháng chạp ( tức ngày 23 tháng 12 âm lịch năm cũ) đến khoảng ngày 4 đến ngày 7 tháng giêng vào đầu năm mới theo lịch âm. Vào ngày 23 tháng chạp, con cháu sum họp và cúng Ông Táo. Thời điểm này là thời điểm tiễn Táo Quân về trời bằng việc cúng và phóng sinh cá vàng tiễn Ông Táo lên trời bẩm báo với Ngọc Hoàng những gì đã xảy ra trong năm cũ.
Đến thời điểm 29 hoặc 30 tháng chạp âm lịch (vì sẽ có năm không có ngày 30 tháng chạp, 29 coi là 30) nhà nhà, người người sum vầy với nhau và cúng Tất Niên tạm biệt một năm cũ đã qua, chào đón một năm mới tới.
Theo quan niệm dân gian, mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy. Câu này có nghĩa, mùng 1 gia đình chúc tết họ nội, mùng 2 chúc tết họ ngoại, và mùng 3 là thời điểm mọi người đi chúc tết, thể hiện lòng nhớ ơn, thành kính với người thầy đã dạy dỗ mình. Hiện nay, thời điểm này có thể có sự khác biệt, mùng 3 cũng có thể là thời điểm mọi người đi chúc tết, thể hiện lòng thành với sếp, bạn bè của mình.
1.2. Đặc trưng ngày Tết Nguyên Đán:
Đặc trưng ngày Tết Nguyên Đán tại Việt Nam, bạn sẽ thấy rất rõ với những cây đào, cây mai, hàng câu đối đỏ, pháo hoa, lì xì ngày tết,… và một phần đặc biệt không thể thiếu là Bánh Chưng. Vào thời gian khoảng từ 26 đến 29 tết, các thành viên trong gia đình ngồi sum vầy bên cạnh nhau gói bánh chưng. Đây là một trong những phong tục đẹp, thể hiện tình cảm gia đình khăng khít, và là một phần không thể thiếu trong truyền thống ngày Tết Nguyên Đán của Việt Nam. Trong thời đại hội nhập hiện nay, đã có khá nhiều gia đình, đặc biệt các gia đình ở các thành phố lớn, họ lựa chọn mua Bánh Chưng thay vì tự làm. Tuy nhiên, dù là mua hay tự làm, trong bàn thờ tổ tiên của gia đình Việt vẫn sẽ có xuất hiện Bánh Chưng, và chắc chắn rằng Bánh Chưng là sự hiện diện không thể thiếu. Cùng với đó là phong tục hóa vàng Tết Nguyên Đán, dù có giản lược nhiều thứ, xong phong tục hóa vàng ngày Tết Nguyên Đán cũng không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt Nam.
2. Chuẩn bị đồ khấn hóa vàng Tết Nguyên Đán:
Cúng lễ hóa vàng là một trong những phong tục quan trọng và phổ biến của dịp Tết Nguyên đán hàng năm trong mỗi gia đình người Việt Nam. Truyền thống trong dịp Tết Nguyên Đán, mỗi gia đình Việt đều chuẩn bị mâm cơm Tất Niên vào ngày 30 (29) tết mời các cụ, tổ tiên về ăn Tết, đoàn tụ cùng gia đình. Sau hết ngày mùng 3 Tết, các gia đình sẽ sửa soạn làm một mâm cơm lễ để đưa tiễn tổ tiên, các cụ về cõi âm. Lễ hóa vàng ngày Tết Nguyên Đán cũng như mong muốn thể hiện lòng thành kính, tôn trọng, cầu mong tổ tiên ban phước lành và phù hộ cho con cháy có một năm mới bình an, nhiều sức khỏe, may mắn và thịnh vượng.
Văn hóa hóa vàng ngày Tết Nguyên Đán tại Việt Nam là một nét văn hóa đẹp cần gìn giữ. Mỗi gia đình có thể lựa chọn thời gian hóa vàng tiễn cụ khác nhau từ mùng 3 đến tối đa mùng 10 tết. Xong, thông thường, các gia đình nếu không có việc gì đột xuất, họ sẽ lựa chọn hóa vàng tiễn các cụ vào ngày mùng 3 tết hàng năm.
Thực hiện hóa vàng, tùy vào điều kiện kinh tế mỗi gia đình, phụ thuộc vào phong tục tập quán của từng nơi, từng vùng miễn khác nhau mà có thể chuẩn bị các lễ vật trong lễ hóa vàng là khác nhau. Xong, dù thế nào, bạn cũng không thể thiếu các món quan trọng, là truyền thống dưới đây:
– Thứ nhất, mâm ngũ quả. Là thứ vô cùng quan trọng trong ngày Tết Nguyên Đán, mâm ngũ quả được chuẩn bị trên bàn thờ tổ tiên từ ngày Tết Táo Quân (tức ngày 23 tháng chạp âm lịch).
– Thứ hai, hương, đèn, nến cũng là thứ không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên. Hương khói dường như đã trở thành thể thiết yếu, quan trọng bắt buộc phải có trên bàn thờ.
– Thứ ba, bánh kẹo. Các con cháu trong gia đình thường sẽ mua hoa quả, bánh kẹo đến để thắp hương lên bàn thờ gia tiên như để thông báo rằng mình đã quay trở lại, sum vầy gia đình sau một năm đi xa làm ăn vất vả.
– Thứ tư, trầu cau, thuốc lá, chè,… thể hiện truyền thống từ thời xa xưa.
– Thứ năm, bình hoa nhiều màu sắc thể hiện hy vọng của gia đình vào một năm mới tràn đầy sức sống, tươi mới, may mắn và bình an trong năm mới.
– Thứ sáu, đặc biệt chính là tiền và vàng mã. Tờ tiền bạn có thể chuẩn bị là tờ tiền xu, tiền âm phủ, đô la âm phủ,… Chắc chắn bạn phải chuẩn bị vàng mã, tờ tiền để thực hiện hóa vàng Tết Nguyên Đán đưa tiễn các cụ về với cõi âm.
Tùy vào điều kiện của từng gia đình, mâm cỗ cúng hóa vàng có thể là cỗ mặn hoặc cỗ chay với các món mang đặc trưng ngày Tết. Nếu là cỗ mặn thì không thể thiếu con gà trống, bát canh, đĩa xào, giò, hay nem rán, bánh chưng, dưa hành…Nếu gia chủ cầu kỳ, cẩn thận có thể chế biến thêm món cá chép nấu bỗng. Bởi theo quan niệm dân gian, cá chép là loài cá vượt vũ môn hóa rồng. Việc cúng cá chép vào đầu năm sẽ mang lại may mắn thịnh vượng cho gia chủ.
Chuẩn bị một mâm cỗ thịnh soạn, đầy đủ và trang nghiêm chính là thể hiện cho lòng thành, sự tôn kính, hiếu thảo của con cháu với tổ tiên, các cụ, những người đã khuất. Do đó, bạn cần phải làm một cách chỉn chu và chuẩn bị đầy đủ, hiệu quả.
3. Văn khấn hóa vàng Tết Nguyên Đán chuẩn và đầy đủ nhất:
3.1. Văn khấn hóa vàng Tết Nguyên Đán:
Ngoài việc chuẩn bị các món lễ vật cho công việc hóa vàng ngày Tết Nguyên Đán trên, bạn cũng cần quan tâm đến bài văn khấn lễ hóa vàng sao cho đúng, chính xác để thực hiện lễ hóa vàng ngày Tết Nguyên Đán thành công. Dưới đây là bài văn khấn lễ hóa vàng tạ năm mới theo sách văn khấn cổ truyền Việt Nam của nhà xuất bản văn hóa Thông Tin mà bạn có thể tham khảo:
Nam mô A Di Đà Phật !
Nam mô A Di Đà Phật !
Nam mô A Di Đà Phật !
Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương
Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, Long mạch, Táo quân, chư vị tôn thần
Con kính lạy Ngài Đương niên hành khiển, ngài Bản cảnh Thành hoàng, các ngài Thổ địa, Táo quân, Long mạch tôn thần.
Con kính lạy các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, nội ngoại tiên linh.
Hôm nay là ngày…… tháng…… năm Quý Mão
Chúng con là……. tuổi……
Hiện cư ngụ tại……..
Thành tâm sửa biện hương hoa phẩm vật, phù tửu lễ nghi, cung bày trước án. Kính cẩn thưa trình: Tiệc xuân đã mãn, Nguyên đán đã qua, nay xin thiêu hóa kim ngân, lễ tạ tôn thần, rước tiễn âm linh trở về âm cảnh.
Kính xin lưu phúc, lưu ân, phù hộ độ trì dương cơ âm trạch, mọi chỗ tốt lành, con cháu được bách sự như ý, vạn sự bình an, tài lộc song toàn, gia đạo hưng vượng.
Lòng thành kính cẩn, lễ bạc tiến dâng, lượng cả xét soi, cúi xin chứng giám.
Nam mô A Di Đà Phật !
Nam mô A Di Đà Phật !
Nam mô A Di Đà Phật !
Trên đây là Văn khấn hóa vàng Tết Nguyên Đán chuẩn và đầy đủ nhất, bạn điền đầy đủ các thông tin cá nhân của gia chủ và thực hiện khấn trước khi hạ mâm lễ. Sau khi khấn hạ mâm lễ, bạn thực hiện đi hóa vàng Tết Nguyên Đán.
3.2. Một số lưu ý để việc hóa vàng Tết Nguyên Đán thành công:
Khi thực hiện hóa vàng Tết Nguyên Đán, bạn cần lưu ý một số vấn đề để công tác hóa vàng ngày Tết Nguyên Đán thành công, tốt đẹp nhất:
– Lưu ý khi bày trí mâm cúng hóa vàng:
+ Mâm cúng đồ mặn nên làm một con gà trống luộc (không được dùng gà trống thiến hoặc dị tật)
+ Đặt gà vào mâm cúng phải dùng đĩa to và sạch, bày đầy đủ các bộ phận từ lòng, tiết,…
+ Cúng ngoài trời khi đặt đĩa gà thì đầu gà phải hướng ra đường.
– Lưu ý khi hóa vàng: Phần tiền vàng của gia thần phải hóa trước, tiền vàng, đồ dùng của tổ tiên hóa sau.
Sau khi cúng tạ, đưa tiễn ông bà về cõi âm, coi như là hết Tết, gia chủ bắt đầu một năm mới với niềm vui hạnh phúc, cầu chúc một năm bình an./.