Trong quá trình xử lý vi phạm, cảnh sát giao thông được phép hóa trang để thực hiện nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, việc hóa trang để xử lý vi phạm của cảnh sát giao thông chỉ được thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện. Vậy trường hợp nào cảnh sát giao thông sẽ được hóa trang để xử lý vi phạm?
Mục lục bài viết
1. Các trường hợp CSGT được hóa trang xử lý vi phạm:
Theo quy định,tổ cảnh sát giao thông được phép bố trí một bộ phận cán bộ hóa trang là mặc thường phục để nhằm phối hợp với bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai dựa trên kế hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành. Căn cứ khoản 2 Điều 11 Thông tư số 32/2023/TT-BCA quy định những trường hợp cảnh sát giao thông được tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang bao gồm:
– Đấu tranh phòng, chống tội phạm.
– Đấu tranh phòng và chống tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, an toàn giao thông đường bộ phức tạp.
– Sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
2. Điều kiện để tuần tra, kiểm soát công khai được kết hợp với hóa trang:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Thông tư số 32/2023/TT-BCA, để hoạt động tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Đảm bảo phải có kế hoạch tuần tra, kiểm soát rõ ràng và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Nội dung kế hoạch phải nêu rõ được những nội dung sau:
+ Phương pháp thực hiện.
+ Lực lượng.
+ Trang phục.
+ Phương tiện liên lạc.
+ Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
+ Vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện kỹ thuật khác được sử dụng để tuần tra, kiểm soát.
Cơ quan có thẩm quyền quyết định kế hoạch mặc trang phục Cảnh sát, mặc thường phục khi tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang gồm: Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông; Giám đốc Công an cấp tỉnh; Trưởng Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông; Trưởng Công an cấp huyện
– Bộ phận cán bộ hóa trang và bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai trong Tổ Cảnh sát giao thông phải giữ một khoảng cách thích hợp nhằm đảm bảo việc xử lý vi phạm là đúng pháp luật và kịp thơi.
– Bộ phận hóa trang phải có nhiệm vụ:
+ Trực tiếp quan sát, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác.
+ Thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành dừng phương tiện, kiểm soát, xử lý theo quy định khi phát hiện vi phạm.
+ Bộ phận cán bộ hóa trang được sử dụng Giấy chứng minh Công an nhân dân để thông báo, vận động Nhân dân phối hợp, ngăn chặn ngay hành vi vi phạm khi phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng về giao thông đường bộ, an ninh, trật tự xã hội, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội, làm thiệt hại đến tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, tổn hại đến tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông.
Sau đó tiến hành thông báo và phối hợp vói bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai để giải quyết tại nơi phát hiện vi phạm hoặc đưa đối tượng vi phạm về trụ sở cơ quan Công an nơi gần nhất để giải quyết.
3. Nội dung tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông:
Thứ nhất, nội dung tuần tra:
– Phát hiện và ngăn chặn, có biện pháp xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ cũng như vi phạm pháp luật khác.
– Quan sát và nắm được tình hình trật tự, an toàn giao thông trên đường bộ.
– Phòng ngừa những vi phạm, tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông.
– Duy trì trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
– Giúp đỡ, hỗ trợ người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi cần thiết.
– Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, an ninh, trật tự trên tuyến giao thông đường bộ.
– Trên cơ sở được cơ quan có thẩm quyền giao, cảnh sát giao thông thực hiện đầy đủ các nội dung công tác đó.
Thứ hai, nội dung kiểm soát:
– Thực hiện kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông, cụ thể như:
+ Giấy phép lái xe.
+ Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, Bằng, Chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng.
+ Giấy đăng ký xe hoặc bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực (trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký xe).
+ Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định.
+ Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và giấy tờ cần thiết khác có liên quan theo quy định.
– Kiểm soát điều kiện tham gia giao thông của phương tiện giao thông:
Quá trình kiểm soát là kiểm soát với trình tự từ trước ra sau, từ trái qua phải, từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới, nội dung như sau:
+ Hình dáng, kích thước bên ngoài, màu sơn, biển số phía trước, phía sau và hai bên thành phương tiện giao thông.
+ Điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng.
– Thực hiện kiểm soát việc chấp hành các quy định về an toàn giao thông đường bộ:
Cơ quan thực hiện kiểm soát tính hợp pháp của hàng hóa, chủng loại, khối lượng, quy cách, số lượng, kích thước. Ngoài ra kiểm soát số người thực tế chở so với quy định được phép chở và các biện pháp bảo đảm an toàn trong vận tải đường bộ.
4. Quy trình xử lý vi phạm của cảnh sát giao thông:
– Cán bộ cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe và thông báo lỗi:
Cảnh sát giao thông có nhiệm vụ được ra hiệu lệnh dừng xe. Hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông của Cảnh sát giao thông được thực hiện thông qua một trong các tín hiệu hoặc kết hợp đồng thời các tín hiệu như còi, gậy chỉ huy giao thông hoặc các tín hiệu khác theo quy định của pháp luật.
– Thực hiện thông báo và đề nghị người điều khiển phương tiện giao thông thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, xuống phương tiện và xuất trình các giấy tờ có liên quan theo quy định.
– Cảnh sát giao thông thực hiện chào hỏi:
Cảnh sát giao thông phải tiến hành chào hỏi theo Điều lệnh Công an nhân dân.
Hoặc thực hiện chào bằng lời nói như “Chào ông, bà, anh, chị…Yêu cầu ông, bà, anh, chị… cho chúng tôi kiểm soát các giấy tờ có liên quan và kiểm soát phương tiện giao thông”.
– Thực hiện kiểm tra các giấy tờ:
Khi tiếp nhận được các giấy tờ (nếu có), thông báo cho người điều khiển phương tiện giao thông và những người trên phương tiện giao thông biết lý do kiểm soát, sau đó thực hiện kiểm soát những nội dung quy định
– Tiến hành xử phạt vi phạm giao thông:
Khi tiến hành kiểm tra giấy tờ xong, cán bộ Cảnh sát giao thông báo cáo Tổ trưởng về kết quả kiểm soát, thông báo cho người điều khiển phương tiện giao thông, những người trên phương tiện giao thông biết kết quả cũng như hành vi vi phạm giao thông, các biện pháp xử lý.
Sau đó sẽ phải nói lời “Cảm ơn ông, bà, anh, chị,… đã hợp tác với lực lượng Cảnh sát giao thông để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”.
Theo quy định của Luật giao thông, hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông bao gồm:
– Hình thức xử phạt không lập biên bản.
– Hình thức xử phạt lập biên bản.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Văn bản hợp nhất 08/VBHN-VPQH năm 2023 hợp nhất Luật Giao thông đường bộ do Văn phòng Quốc hội ban hành.
Thông tư số 32/2023/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông.
THAM KHẢO THÊM: