Việc phân chia di sản thừa kế như thế nào mới hợp pháp, bố mẹ có phải chia đều di sản thừa kế cho các con hay không? Bài viết dưới đây sẽ bàn về vấn đề trên.
Mục lục bài viết
1. Cha mẹ chia tài sản cho con không đều có được không?
An Ninh ở Tiền Giang có gửi câu hỏi đến Luật Dương Gia như sau: Bố mẹ tôi có mảnh đất 200m2 ông bà muốn để lại di sản này cho 2 anh em tôi. Nhưng chỉ để cho tôi 70m2 còn 130m2 còn lại để cho em trai của tôi vừa để sử dụng vừa để thờ cúng. Tôi có tham khảo theo quy định của luật thì những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất đều được hưởng phần di sản như nhau. Vậy nếu bố mẹ tôi để lại di chúc chia như trên thì có hợp pháp hay không? Mong luật sư giải đáp, tôi xin chân thành cảm ơn.
Về vấn đề của anh chúng tôi xin giải đáp như sau:
1.1. Sự khác nhau giữa thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc:
Đầu tiên, bạn cần phải phân biệt quy định của luật về vấn đề thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Trong trường hợp này của anh do bố mẹ anh thể hiện ý chí muốn để lại di sản thừa kế cho con qua di chúc vì vậy trường hợp này là chia thừa kế theo di chúc.
Theo đó, thừa kế theo di chúc là trường hợp thừa kế theo nội dung di chúc của người để lại di sản. Trong đó, di chúc là một văn bản có thể hiện ý chí của người để lại di sản thừa kế nhằm chuyển quyền sở hữu di sản thừa kế cho người thừa kế sau khi người để lại di sản thừa kế mất.
Ngược lại, thừa kế theo pháp luật là trường hợp thừa kế không để lại di chúc hoặc có di chúc nhưng một phần hoặc toàn bộ nội dung của di chúc bị vô hiệu do không đáp ứng đủ các điều kiện luật quy định. Vì vậy, cần áp dụng các quy định của pháp luật để chia di sản thừa kế. Lúc này, cần áp dụng các quy định của pháp luật về hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thủ tục hưởng di sản thừa kế, những trường hợp thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo quy định của pháp luật,…
Như vậy, để xác định được việc bố mẹ bạn chia tài sản không đều có được hay không phụ thuộc vào nội dung và hình thức của di chúc đó có hợp pháp hay không.
1.2. Thế nào là di chúc hợp pháp?
Thứ nhất, điều kiện về năng lực chủ thể đối với người lập di chúc Điều 625 bộ luật dân sự 2015 quy định về người lập di chúc theo đó người lập di chúc phải là người thành niên và hoàn toàn minh mẫn, sáng suốt khi lập di chúc, không bị ép buộc, đe dọa, cưỡng ép sẽ có quyền lập di chúc để tự định đoạt tài sản thừa kế của mình. Đối với người có độ tuổi từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi chỉ được lập di chúc nếu được cha mẹ của người đó hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
Thứ hai, điều kiện về nội dung của di chúc một cá nhân có thể tự do thể hiện ý chí của mình trong di chúc về việc cho ai hưởng thừa kế, truất quyền thừa kế, mức hưởng di sản thừa kế,…Tuy nhiên, vẫn phải đáp ứng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự trong đó xác định nội dung của di chúc không được vi phạm các điều cấm của luật cũng như trái đạo đức xã hội. Do đó, những nội dung của di chúc vi phạm các điều cấm của luật hoặc vi phạm những chuẩn mực ứng xử của xã hội thì phần nội dung đó của di chúc sẽ không được thừa nhận là hợp pháp.
Thứ ba, điều kiện về hình thức của di chúc theo quy định của pháp luật hiện hành hình thức của di chúc được ghi nhận là bằng văn bản hoặc di chúc miệng. Di chúc bằng văn bản, bao gồm các loại: không có người làm chứng, có người làm chứng có công chứng hoặc chứng thực. Và di chúc miệng theo quy định của pháp luật chỉ được lập khi tính mạng của một người đang bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản, đồng thời yêu cầu có 2 người làm chứng về việc lập di chúc miệng. Mỗi hình thức của di chúc cụ thể đều có những quy định khác nhau về chữ viết, chữ ký; thủ tục công chứng, chứng thực hay những yêu cầu về người làm chứng.
Như vậy, từ các quy định trên có thể thấy việc cha mẹ phân chia tài sản cho con cái không đều có thể được thực hiện được nếu di chúc được lập đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật Dân sự. Quy định về thừa kế theo hàng thừa kế tức là thừa kế theo pháp luật chỉ áp dụng khi không có di chúc, một phần hặc toàn bộ nội dung di chúc bị vô hiệu.
Lưu ý: