Mối quan hệ con dâu, con rể với cha mẹ chồng, cha mẹ vợ luôn là vấn đề được quan tâm và thảo luận trong xã hội. Vậy con dâu con rể có phải là thành viên trong gia đình không?
Mục lục bài viết
1. Con dâu con rể có phải là thành viên trong gia đình không?
Mối quan hệ con dâu, con rể với cha mẹ chồng, cha mẹ vợ luôn là vấn đề được quan tâm và thảo luận trong xã hội. Pháp luật Việt Nam không đưa ra giải thích thế nào là con dâu, con rể, nhưng từ thực tiễn cuộc sống thì hiểu rằng con dâu là người phụ nữ đã kết hôn với con trai trong gia đình, còn con rể là người đàn ông đã kết hôn với con gái trong gia đình.
Khoản 16 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có giải thích về “Thành viên gia đình”, điều này giải thích thành viên gia đình bao gồm có những thành viên sau:
– Vợ, chồng;
– Cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng;
– Con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể;
– Anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha,
– Anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha;
– Ông bà nội, ông bà ngoại;
– Cháu nội, cháu ngoại;
– Cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột.
Như vậy, có thể khẳng định được rằng con dâu, con rể cũng là một trong những thành viên gia đình theo quy định của pháp luật.
2. Quyền và nghĩa vụ của con dâu, con rể đối với cha mẹ chồng, cha mẹ vợ:
Điều 103 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định các thành viên gia đình có quyền, nghĩa vụ quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ và tôn trọng nhau. Quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản của các thành viên gia đình được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật dân sự 2015 và các luật khác có liên quan được pháp luật bảo vệ. Trong trường hợp sống chung thì các thành viên gia đình phải có nghĩa vụ tham gia công việc gia đình, lao động tạo thu nhập; đóng góp công sức, tiền bạc hoặc tài sản khác để duy trì được đời sống chung của gia đình phù hợp với khả năng thực tế của mình. Như đã phân tích ở mục trên, con dâu, con rể cũng là thành viên gia đình nên cũng phải thực hiện các Quyền, nghĩa vụ giữa các thành viên của gia đình vừa nêu.
Ngoài ra, căn cứ Điều 80 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về Quyền, nghĩa vụ của con dâu, con rể, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng, Điều này quy định nếu trong trường hợp con dâu, con rể sống chung với cha mẹ chồng, cha mẹ vợ của mình thì giữa các bên phải có các quyền, nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ nhau theo các quy định tại Điều 69, 70, 71 và 72 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Theo Điều này thì quyền và nghĩa vụ của con dâu, con rể đối với cha mẹ chồng, cha mẹ vợ bao gồm:
– Được cha mẹ thương yêu, tôn trọng, thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và về tài sản theo quy định của pháp luật; được học tập và được giáo dục; được phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức.
– Có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ chồng, cha mẹ vợ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.
– Tham gia công việc gia đình, lao động, sản xuất, tạo thu nhập nhằm bảo đảm được đời sống chung của gia đình; đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu cầu của gia đình phù hợp với khả năng của mình.
– Được hưởng quyền về tài sản tương xứng với công sức đóng góp vào tài sản của gia đình.
– Có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ chồng, cha mẹ vợ, đặc biệt khi cha mẹ chồng, cha mẹ vợ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trong trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.
3. Con dâu, con rể có được hưởng thừa kế từ cha mẹ chồng, cha mẹ vợ:
Pháp luật quy định cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Chính vì thế, con dâu, con rể vẫn có quyền được hưởng thừa kế từ cha mẹ chồng, cha mẹ vợ. Tuy nhiên tùy từng trường hợp mà con dâu, con rể có quyền hưởng thừa kế từ cha mẹ chồng, cha mẹ vợ. Cụ thể:
Trường hợp 1: thừa kế theo di chúc
Nếu trước khi cha mẹ chồng, cha mẹ vợ mất có để lại di chúc và tâm nguyện của cha mẹ chồng, cha mẹ vợ viết trong di chúc chỉ định con dâu, con rể mình được hưởng tài sản của mình sau khi chết thì trong trường hợp này con dâu, con rể sẽ được hưởng di sản thừa kế từ cha mẹ chồng, cha mẹ vợ của mình theo đúng nội dung di chúc.
Trường hợp 2: thừa kế theo pháp luật
Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
– Không có di chúc;
– Di chúc không hợp pháp;
– Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
– Những người thừa kế theo di chúc là cơ quan, tổ chức không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
– Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Mà theo quy định của pháp luật, những người thừa kế theo hàng thừa kế bao gồm có:
– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
– Hàng thừa kế thứ hai gồm:
+ Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết;
+ Cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
– Hàng thừa kế thứ ba gồm:
+ Cụ nội, cụ ngoại của người chết;
+ Bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết;
+ Cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột;
+ Chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Theo đó, những người ở hàng thừa kế thứ nhất, hàng thừa kế thứ hai, hàng thừa kế thứ ba không bao gồm có con dâu, con rể. Như vậy, nếu cha mẹ chồng, cha mẹ vợ mất đi không để lại di chúc hoặc có để lại di chúc nhưng người được chỉ định hưởng thừa kế di sản không phải là con dâu, con rể thì con dâu, con rể sẽ không được hưởng di sản thừa kế từ cha mẹ chồng, cha mẹ vợ của mình.
Ngoài ra, con dâu, con rể không được hưởng di sản thừa kế từ cha mẹ chồng, cha mẹ vợ của mình, kể cả trong trường hợp cha mẹ chồng, cha mẹ vợ có để lại di chúc chỉ định con dâu, con rể được hưởng di sản thừa kế nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
– Con dâu, con rể bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ cha mẹ chồng, cha mẹ vợ, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của cha mẹ chồng, cha mẹ vợ;
– Con dâu, con rể vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng cha mẹ chồng, cha mẹ vợ;
– Con dâu, con rể bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà bố mẹ vợ, bố mẹ chồng để lại mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
– Con dâu, con rể có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản cha mẹ chồng, cha mẹ vợ trong việc lập di chúc;
– Con dâu, con rể có hành vi giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, huỷ di chúc, che giấu di chúc nhằm để mình được hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của bố mẹ vợ, bố mẹ chồng.
Con dâu, con rể chỉ được hưởng di sản thừa kế từ cha mẹ chồng, cha mẹ vợ của mình khi cha mẹ chồng, cha mẹ vợ của mình đã biết hành vi trên của con dâu, con rể, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự 2015;
– Luật Hôn nhân và gia đình 2014.