Mục tiêu Nhà nước đặt ra hiện nay là tạo một cơ chế xây dựng pháp luật chặt chẽ và trong sạch. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra một số giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật:
Mục lục bài viết
1. Thực trạng việc xây dựng pháp luật hiện nay:
Thứ nhất, các văn bản quy phạm pháp luật bị chồng chéo, mâu thuẫn và xung đột:
Hiện nay, tình trạng các văn bản luật và văn bản dưới luật hoặc các quy định luật chung và quy định luật chuyên ngành đang có sự chồng chéo, mâu thuẫn nhau rất nhiều. Tình trạng này đã và đang gây hậu quả cho việc thực hiện pháp luật của người dân, các tổ chức doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nổi bật nhất là tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo các quy định luật trong lĩnh vực đất đai, kinh doanh bất động sản; môi trường,…
Thứ hai, thường xuyên thay đổi, sửa đổi các văn bản luật và các văn bản dưới luật dẫn đến việc chưa đảm bảo tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật, tạo cho người dân, doanh nghiệp việc tiếp nhận sự thay đổi luật quá nhiều dẫn đến làm sai, làm chưa đúng do chưa cập nhật kịp thời.
Hiện nay, tần suất sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ văn bản pháp luật còn rất cao. Nhiều văn bản pháp luật tuổi thọ rất ngắn, thậm chí mới ban hành đã phải tạm hoãn thực hiện hoặc phải sửa đổi, bổ sung.
Về bản chất, việc cập nhật, thay đổi pháp luật để phù hợp với tình hình thực tiễn của cuộc sống là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc thay đổi thường xuyên này cũng không phải là điều tích cực bởi ảnh hưởng đến cơ chế thực hiện cũng như quyền lợi của cá nhân, tổ chức.
Thứ ba, chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật chưa đảm bảo, chưa phù hợp với thực tiễn:
Hiện nay, vẫn còn tồn đọng những văn bản quy phạm pháp luật chưa đảm bảo tính phù hợp với thực tiễn, khó để thực hiện. Các quy định đưa ra thiếu thực tiễn, bất hợp lý mà không có hội đồng thẩm định, phản biện một cách nghiêm túc.
Thứ tư, còn hạn chế về năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức xây dựng pháp luật:
Tình trạng của đội ngũ cán bộ, công chức về xây dựng pháp luật còn nhiều hạn chế và là một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng bất cập trong xây dựng pháp luật.
2. Nguyên nhân dẫn đến các tình trạng bất cập trong việc xây dựng pháp luật hiện nay:
Nguyên nhân của các tình trạng bất cập trong việc xây dựng pháp luật xuất phát từ nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, cụ thể như sau:
– Quy trình xây dựng chính sách pháp luật còn thiếu tính chuyên nghiệp, chưa có sự bóc tách giữa công đoạn xây dựng và phân tích chính sách với công đoạn soạn thảo văn bản pháp luật.
– Trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, của người đứng đầu, của các bộ phận tham mưu, trách nhiệm giải trình, tuy đã được quy định nhưng còn chung chung, đặc biệt là còn thiếu các chế tài xử lý vi phạm trong xây dựng pháp luật, chế tài đối với việc ban hành các văn bản pháp luật sai trái.
– Nguyên nhân của việc văn bản pháp luật thường xuyên thay đổi, cập nhật lại xuất phát từ trình độ, năng lực xây dựng, phân tích chính sách, soạn thảo văn bản pháp luật, tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển các lĩnh vực kinh tế – xã hội còn đang yếu.
3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật:
Để nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng pháp luật, các cơ quan ban ngành phải có những cơ chế xử lý và giải pháp. Dưới đây là một số giải pháp cơ bản nhất:
– Thực hiện rà soát, đánh giá các kết quả triển khai thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác xây dựng thể chế và tổ chức thi hành pháp luật, phát hiện các tồn tại, khó khăn. Trên cơ sở đó, đưa ra được cáp biện pháp tiếp tục triển khai thực hiện chỉ đạo và đẩy mạnh các hoạt động hiện tại.
– Cần có sự xác định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước để nhằm loại bỏ sự chồng chéo: Bản chất việc xây dựng, làm luật ở nước ta sẽ được giao cho cơ quan thuộc Chính phủ hoặc cơ quan trực tiếp quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực trực tiếp xây dựng chứ không do cơ quan chuyên trách, độc lập, đại biểu dân cử hoặc các ủy ban của Quốc hội chủ trì soạn thảo.
Với mục đích nhằm kịp thời loại bỏ những quy định lạc hậu, mâu thuẫn, chồng chéo, không đúng thẩm quyền, không minh bạch, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động của chính sách, pháp luật thì cần xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải gắn với việc rà soát, đánh giá, xem xét, dự kiến bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
– Thực hiện tăng cường kỷ luật, kỷ cương cũng như quy định về chế độ trách nhiệm, chế tài xử lý vi phạm với những hành vi vi phạm trong xây dựng pháp luật của các cá nhân, tổ chức:
Khi có cơ chế xử lý chặt chẽ đối với những hành vi vi phạm trong xây dựng pháp luật thì mới tạo được tính răn đe, các cá nhân, tổ chức mới có trách nhiệm trong công tác của mình, đồng thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của mình.
Tăng cường kiểm tra, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xử lý kịp thời các sai phạm theo hướng: xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc tham mưu xây dựng, ban hành văn bản trái pháp luật.
– Thực hiện tập huấn, tuyên truyền để nhằm tăng cường trách nhiệm cũng như ý thức của các cán bộ, công chức tham gia hoạt động xây dựng pháp luật, đảm bảo chất lượng của dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật:
Hoạt động xây dựng chính sách pháp luật đòi hỏi những người phải có trình độ chuyên môn, năng lực để phân tích, đánh giá, dự liệu để nhằm tiến hành soạn thảo văn bản pháp luật.
Nhà nước cần xây dựng đội ngũ chuyên gia xây dựng chính sách, pháp luật được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về xây dựng chính sách và pháp luật để đảm bảo được tính chuyên nghiệp, tính chính xác và có hiệu quả.
– Tiến hành tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, dự thảo văn bản và các tổ chức, hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học, người làm thực tiễn bằng các hình thức phù hợp để làm cơ sở xây dựng văn bản pháp luật.
– Thực hiện rà soát một cách đầy đủ, tăng cường đề xuất một văn bản để quy định chi tiết nhiều nội dung của luật, pháp lệnh, nghị quyết nhằm hạn chế xây dựng, ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết thi hành, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi trong quá trình triến khai thực hiện.
– Trên tinh thần đảm bảo sự thống nhất, chính xác, tiến hành tăng cường kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành, địa phương ban hành có nội dung thuộc các lĩnh vực do bộ, cơ quan mình quản lý, kịp thời phát hiện các nội dung trái pháp luật và kiến nghị biện pháp xử lý. Bên cạnh đó, thanh tra, kiểm tra quá trình tổ chức thi hành pháp luật, nhất là trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, người dân doanh nghiệp.
– Với những hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, Nhà nước tiến hành chỉ đạo, phát hiện để ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên; đồng thời phát hiện kịp thời và ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền.
– Thực hiện nâng cao hơn nữa về chất lượng của hoạt động thẩm định đề nghị xây dựng văn bản, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tập trung thực hiện nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm gắn kết công tác xây dựng pháp luật với thi hành pháp luật, nâng cao hiệu quả điều chỉnh của pháp luật.
– Thực hiện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương theo hướng ưu tiên, bố trí đầy đủ các nguồn lực về kinh phí và biên chế được phân bổ cho địa phương để đảm bảo, nâng cao chất lượng cho công tác xây dựng thể chế và theo dõi thi hành pháp luật.