Quy chế quản lý đất nghĩa trang, nghĩa địa là gì? Các nghĩa trang, nghĩa địa có cần phải có quy chế quản lý hay không? Ai sẽ là người có thẩm quyền phê duyệt các quy chế đó? Bài viết dưới đây sẽ tìm hiểu vấn đề trên.
Mục lục bài viết
- 1 1. Nghĩa trang là gì?
- 2 2. Quy chế quản lý nghĩa trang bao gồm những nội dung gì?
- 3 3. Thẩm quyền phê duyệt nội dung quy chế quản lý nghĩa trang:
- 4 4. Trách nhiệm của chủ đầu tư trong xây dựng quy chế nghĩa trang:
- 5 5. Đơn vị quản lý nghĩa trang có trách nhiệm gì?
- 6 6. Các nguyên tắc đối với hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang:
1. Nghĩa trang là gì?
Theo quy định tại Nghị định số 11/ VBHN-BXD về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng thì nghĩa trang có nghĩa là nơi táng người chết tập trung theo các hình thức táng khác nhau và được quản lý, xây dựng theo quy hoạch.
2. Quy chế quản lý nghĩa trang bao gồm những nội dung gì?
Căn cứ theo Điều 17 Nghị định số 11/ VBHN-BXD về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng thì nghĩa trang bắt buộc phải có cơ chế, nội quy quản lý. Do đó, theo nghị định 11 của Bộ Xây Dựng ban hành thì nội dung quy chế quản lý nghĩa trang bao gồm những nội dung sau đây:
Một là, các quy định về ranh giới, quy mô nghĩa trang và các khu chức năng trong nghĩa trang;
Hai là, các quy định về xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, duy tu, bảo dưỡng, bảo trì các công trình xây dựng, các phần mộ trong nghĩa trang;
Ba là, quy định về các loại dịch vụ trong nghĩa trang và giá dịch vụ nghĩa trang, giá chuyển nhượng quyền sử dụng phần mộ cá nhân;
Bốn là, các quy định về việc tiếp nhận đăng ký, tổ chức mai táng; lưu giữ tro cốt trong nghĩa trang;
Năm là, các quy định về hoạt động lễ nghi, chỉ dẫn khách thăm viếng, tưởng niệm và quản lý các hoạt động trong nghĩa trang;
Sáu là, các quy định về bảo vệ nghĩa trang và bảo vệ môi trường;
Bảy là, các hành vi vi phạm và quy định xử phạt;
Cuối cùng là, trách nhiệm của đơn vị quản lý và người sử dụng dịch vụ, thăm viếng nghĩa trang.
Như vậy, nội dung về quy chế quản lý nghĩa trang bao gồm tổng thể là 8 nội dung cơ bản. Vậy thì ai là người có thẩm quyền phê duyệt các quy chế trên của nghĩa trang?
3. Thẩm quyền phê duyệt nội dung quy chế quản lý nghĩa trang:
Theo khoản 3 Điều 17 Nghị định số 11/ VBHN-BXD về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng quy định thì thẩm quyền phê duyệt nội dung quy chế quản lý nghĩa trang thuộc về Ủy ban nhân dân các cấp. Theo đó, Ủy ban nhân dân các cấp theo phân cấp quản lý nghĩa trang phê duyệt quy chế quản lý nghĩa trang đối với các nghĩa trang được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách trên địa bàn. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân phê duyệt quy chế quản lý nghĩa trang được đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước; sau khi ban hành phải gửi Ủy ban nhân dân theo phân cấp quản lý nghĩa trang để quản lý, giám sát, kiểm tra việc thực hiện đó.
4. Trách nhiệm của chủ đầu tư trong xây dựng quy chế nghĩa trang:
Theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 11/ VBHN-BXD về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng, về phần trách nhiệm cũng như quyền lợi của các chủ đầu tư xây dựng nghĩa trang như sau:
Các chủ đầu tư chỉ được đưa dự án đầu tư xây dựng nghĩa trang vào sử dụng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
Thứ nhất là, phải hoàn thành các công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật và công trình trong nghĩa trang theo đúng tiến độ của dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
Thứ hai là, có quy chế quản lý nghĩa trang và được phê duyệt;
Thứ ba là, phải hoàn thành đầy đủ các thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng và bảo vệ môi trường theo đúng tiến độ của dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
Thứ tư là, phải công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về giá chuyển nhượng quyền sử dụng phần mộ cá nhân đối với nghĩa trang được đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.
Quy định chung về quản lý, sử dụng nghĩa trang:
– Nghĩa trang phải được xây dựng theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị hoặc quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch ngành có liên quan, quy hoạch chi tiết xây dựng nghĩa trang được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
– Các nghĩa trang đang hoạt động hoặc đã đóng cửa phải được định kỳ chăm sóc, bảo quản, gìn giữ phần mộ, tro cốt tại các nhà lưu giữ, duy tu bảo dưỡng các công trình trong nghĩa trang; bảo đảm các quy định về vệ sinh môi trường trong nghĩa trang.
– Khoảng cách an toàn môi trường từ hàng rào nghĩa trang tới khu dân cư, công trình công cộng phải được đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch xây dựng.
5. Đơn vị quản lý nghĩa trang có trách nhiệm gì?
Theo Nghị định số 11/ VBHN-BXD về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng quy định thì đơn vị quản lý nghĩa trang sẽ có 5 trách nhiệm chính sau đây:
Thứ nhất là, đơn vị quản lý nghĩa trang phải quản lý nghĩa trang theo đúng quy định của pháp luật và đúng với quy chế quản lý nghĩa trang được phê duyệt.
Thứ hai là, đơn vị quản lý nghĩa trang phải đảm bảo có đủ nguồn lực, các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, bảo hộ lao động cần thiết để phục vụ các hoạt động táng trong nghĩa trang nhằm đáp ứng yêu cầu về môi trường và an toàn lao động; Đồng thời, người lao động phải có
Thứ ba là, đơn vị quản lý nghĩa trang phải lập và lưu trữ hồ sơ nghĩa trang, cung cấp các dịch vụ nghĩa trang cho người sử dụng, bảo đảm chất lượng dịch vụ đồng thời cung cấp thông tin cho các tổ chức và cá nhân khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Thứ tư là, đơn vị quản lý nghĩa trang thực hiện việc xử lý nước thải trong nghĩa trang phải đảm bảo đúng quy chuẩn của môi trường theo quy định, ký hợp đồng với đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn hoặc tự xử lý chất thải rắn phát sinh từ nghĩa trang tuân thủ theo các quy định của pháp luật về quản lý chất thải.
Cuối cùng là, đơn vị quản lý nghĩa trang phải thực hiện việc báo cáo về tình hình quản lý, sử dụng nghĩa trang hàng năm với cơ quan quản lý nhà nước về nghĩa trang theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
6. Các nguyên tắc đối với hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang:
Các nguyên tắc đối với hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang theo Nghị định số 11/ VBHN-BXD quy định sẽ bao gồm:
– Tất cả các nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải được quy hoạch.Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải tuân thủ theo đúng pháp luật về quy hoạch, xây dựng và bảo vệ môi trường
– Luôn khuyến khích việc đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phục vụ cho nhiều địa phương, địa bàn trên cả nước, khuyến khích sử dụng hình thức táng mới văn minh, hiện đại nhằm tiết kiệm tối đa đất, các kinh phí xây dựng và đảm bảo yêu cầu về môi trường và cảnh quan xung quanh.
– Việc quản lý đất nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải tuân thủ theo đúng pháp luật về đất đai, tiết kiệm và hiệu quả; bảo đảm an toàn, an ninh và vệ sinh môi trường.
– Việc táng được thực hiện trong các nghĩa trang,trong trường hợp táng trong các khuôn viên nhà thờ, nhà chùa, thánh thất tôn giáo phải bảo đảm vệ sinh môi trường và được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân các cấp theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
– Việc táng phải phù hợp với tín ngưỡng, phong tục, tập quán tốt, truyền thống văn hóa và nếp sống văn minh hiện đại.
– Vệ sinh trong mai táng, hỏa táng và vệ sinh trong xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải được thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.
– Các chủ đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải có trách nhiệm quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng theo quy định của Nghị định số 11/ VBHN-BXD và các quy định hiện hành khác có liên quan.
– Ngoài ra, các đối tượng được bảo trợ xã hội khi chết sẽ được hỗ trợ chi phí mai táng theo quy định của pháp luật hiện hành.
– Người sử dụng dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng phải tuân thủ các quy định về quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng theo quy định của Nghị định này và các quy định hiện hành khác có liên quan.
– Cơ quan quản lý nhà nước về nghĩa trang theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng; kiến nghị hoặc xử lý các vi phạm về quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng trên địa bàn theo thẩm quyền.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định số 11/ VBHN-BXD về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng.