Tội xâm phạm chỗ ở của công dân chỗ ở của công dân là hành vi khám xét trái pháp luật chỗ ở, đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ.
Tội xâm phạm chỗ ở của công dân được quy định tại Điều 124 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) với nội dung cụ thể như sau:
Điều 124. Tội xâm phạm chỗ ở của công dân
1. Người nào khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.
1. Khái niệm: Tội xâm phạm chỗ ở của công dân là việc khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân.
2. Các dấu hiệu cấu thành tội xâm phạm chỗ ở của công dân:
2.1. Về mặt khách quan của tội phạm: khoản 1 Điều 124 Bộ luật hình sự quy định: “1. Người nào khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm”. Như vậy, các hành vi phạm tội bao gồm:
– Khám xét chỗ ở trái pháp luật là khám xét không được pháp luật cho phép như: không có lệnh khám xét chỗ ở, tuy có lệnh nhưng lệnh đó không hợp pháp hoặc khi thực hiện việc khám không đúng thủ tục…Muốn biết trường hợp nào là khám xét chỗ ở trái phép thì phải căn cứ vào các quy định của pháp luật về trường hợp được khám chỗ ở. Việc khám xét chỗ ở có liên quan đến hành vi phạm tội được tiến hành theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, còn việc khám chỗ ở có liên quan đến hành vi vi phạm hành chính được tiến hành theo Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
– Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ là hành vi đe dọa dùng vũ lực, dùng vũ lực hoặc thủ đoạn bất kỳ nào nhằm buộc người khác miễn cưỡng phải rời khỏi chỗ ở trái với ý muốn của họ.
– Hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân có thể hiểu là bất kỳ hành vi nào khác ngoài hai hành vi nêu trên xâm phạm đến chỗ ở của công dân như lấn chiếm chỗ ở của công dân, tùy tiện vào chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của họ.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
2.2. Về khách thể của tội phạm: Tội xâm phạm chỗ ở của công dân xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân nói riêng, quyền tự do, quyền dân chủ của công dân nói chung. Điều 72 Hiến pháp năm 1992, được sửa đổi, bổ sung năm 2001 quy định: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu người đó không đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép”. Chỗ ở của công dân trong trường hợp này được hiểu là bất kỳ nơi nào đang có người cư trú hợp pháp và được cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương thừa nhận. Đây có thể là nơi thường trú, chỗ ở lâu dài (không phân biệt đó là thuộc sở hữu nào như nhà riêng, tập thể, nhà thuê, mượn, hay nơi di động như thuyền của ngư dân…), nhưng có thể là nơi tạm trú (như phòng ở trong khách sạn). Ngoài ra, tội phạm này còn xâm phạm đến các quy định của pháp luật về việc khám xét chỗ ở, địa điểm và xâm phạm đến trật tự, an toàn xã hội.
Quyền bất khả xâm phạm chỗ ở của công dân còn được cụ thể hóa bởi những quy định của Bộ luật tố tụng hình sự tại Điều 8 (Đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở…); Điều 140 (Căn cứ khám người, chỗ ở…); Điều 141 (Thẩm quyền ra lệnh khám xét); Điều 143 (Khám chỗ ở…). Ngoài quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về khám chỗ ở, Luật xử lý vi phạm hành chính cũng có những quy định về khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở thì cũng được coi như khám chỗ ở theo thủ tục hành chính. Tuy nhiên, việc khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được quy định chặt chẽ hơn.
Đối tượng tác động của tội phạm này là chỗ ở của công dân, có thể là nhà ở, ký túc xá, tàu thuyền của ngư dân mà cả gia đình họ sinh sống trên tàu thuyền đó như là nhà của mình, cũng có khi chỉ là một túp lều, một chỗ ở gầm cầu, bến tàu, bến xe, vỉa hè của những người sống lang thang, cơ nhỡ…
Hậu quả của tội xâm phạm chỗ ở của công dân là làm cho người khác bị mất chỗ ở, ảnh hưởng đến cuộc sống, đến sinh hoạt bình thường của công dân và các thành viên trong gia đình họ hoặc gây ra những thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần cho người bị hại.
2.3. Về mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Động cơ, mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, nên việc xác định động cơ của người phạm tội chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.
2.4. Về mặt chủ thể của tội phạm: Theo quy định của Bộ luật hình sự thì tất cả mọi công dân Việt Nam, người nước ngoài; người không có quốc tịch ở độ tuổi từ đủ 16 tuổi trở lên, có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đều có thể là chủ thể của tội phạm này.