Phiên Tòa sơ thẩm là phiên Tòa xét xử đầu tiên khi xảy ra tranh chấp liên quan đến dân sự, trong phiên tòa này sẽ đảm bảo thực hiện trình tự, thủ tục xét xử như pháp luật tố tụng hướng dẫn . Vậy, Những việc tiến hành sau phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự là gì? Những ai có quyền được kháng cáo bản án sơ thẩm?
Mục lục bài viết
1. Phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự:
Phiên tòa sơ thẩm dân sự là một trong hai cấp xét xử các vụ án dân sự mà pháp luật Việt Nam đã quy định. Đây là phiên xét xử đầu tiên thực hiện việc xem xét và quyết định toàn bộ vụ án mà các bên đã đưa ra nhờ Tòa án giải quyết. Dù là phiên xét xử lần đầu nhưng phiên tòa này phải thể hiện đầy đủ tất cả các yếu tố đặc trưng của một phiên tòa và phải đảm bảo sự hiện diện đầy đủ của các chủ thể quan hệ pháp luật tố tụng dân sự tham gia. Tại phiên tòa sơ thẩm toàn bộ các chứng cứ tài liệu đã được các bên thu thập sẽ được xem xét đánh giá trực tiếp công khai và khách quan.
Hội đồng xét xử sẽ ra bản án quyết định giải quyết vụ án dựa trên những chứng cứ tài liệu đã thu thập được từ các bên. Quá trình tiến hành phiên tòa sơ thẩm phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản được quy định từ Điều 3 đến Điều 25 của Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015. Ngoài ra, còn phải tuân thủ các nguyên tắc riêng áp dụng tại phiên tòa sơ thẩm tại Điều 225 là nguyên tắc xét sự trực tiếp và bằng lời nói thông qua việc hỏi hoặc nghe lời trình bày của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, những người tham gia tố tụng khác.
Nguyên tắc này được quy định riêng cho phiên bản sơ thẩm nhằm đảm bảo tòa án xác minh được đầy đủ chính xác và toàn diện tài liệu chứng cứ vụ án. Đây cũng là cơ sở để Tòa án có thể đưa ra được một bản án giải quyết tranh chấp công bằng, khách quan, đảm bảo quyền cơ bản cho các bên tham gia phiên tòa.
2. Những việc tiến hành sau phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự:
Những việc tiến hành sau phiên tòa sơ thẩm bao gồm việc sửa chữa, bổ sung bản án và Cấp trích lục bản án; giao, gửi bản án được quy định như sau:
2.1. Sửa chữa, bổ sung bản án:
Việc sửa chữa, bổ sung bản án được quy định tại Điều 268 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015. Theo quy định này việc sửa chữa, bổ sung bản án được thực hiện như sau:
– Trường hợp duy nhất để Tòa án có thể được sửa chữa, bổ sung bản án khi phát hiện rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai. Với quy định trên, nếu không có lý do chính đáng thì sau khi tuyên án xong không được sửa chữa bổ sung bản án;
Trong trường hợp cần sửa chữa và bổ sung bản án theo quy định tại khoản 1 Điều này thì Thẩm phán không được tự ý thực hiện quá trình này mà phải phối hợp với Hội thẩm nhân dân là thành viên trong Hội đồng xét xử đã tuyên bản án. Sau đó thống nhất và đưa ra quyết định sửa chữa bổ sung bản án;
– Sau khi bổ sung bản án hoặc sửa chữa, phải gửi ngay thông báo cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện cùng với đó là Viện kiểm sát cùng cấp và cơ quan thi hành án dân sự nếu bản án đã được gửi cho cơ quan thi hành án dân sự;
Trên thực tế có một số vụ án sau khi xét xử, Thẩm phán không còn đảm nhiệm chức vụ Thẩm phán tại Tòa án đã ra bản án đó thì Chánh án Tòa án có trách nhiệm trong việc sửa chữa bổ sung bản án;
2.2. Cấp trích lục bản án, bản án:
Để tạo điều kiện cho các bên đương sự biết rõ được quyền và nghĩa vụ của mình ghi nhận trong bản án cũng như làm cơ sở cho việc thi hành án đồng thời bảo đảm cho đương sự, cơ quan tổ chức khởi kiện thực hiện quyền kháng nghị thì việc cấp trích lục bản, bản án là trách nhiệm của Tòa án đã xét xử vụ án. Căn cứ theo Điều 269 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 quy định việc cấp trích lục bản án; giao, gửi bản án được thực hiện như sau:
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc phiên tòa, các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện được Tòa án cấp trích lục bản án.
– Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tuyên án, Tòa án phải giao hoặc gửi bản án cho các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp.
– Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật của Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng khởi kiện phải được niêm yết công khai tại trụ sở Tòa án và công bố công khai trên một trong các báo hàng ngày của trung ương hoặc địa phương trong ba số liên tiếp.
– Bản án sơ thẩm có hiệu lực của pháp luật của Tòa án liên quan đến nhiệm bồi thường của nhà nước phải được tòa cấp sơ thẩm gửi cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về môi trường nhà nước;
– Những vụ việc dân sự liên quan đến thay đổi hộ tịch của cá nhân sau khi nhận bản án sơ thẩm có hiệu lực của pháp luật thì Tòa cấp sơ thẩm thông báo bằng văn bản kèm theo trích lục bản án cho Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký hộ tịch của cá nhân đó theo quy định của luật hộ tịch;
Đáng lưu ý thời hạn niêm yết công bố gửi bản án thông báo quy định tại khoản này là 5 ngày làm việc kể từ ngày bạn đang có hiệu lực pháp luật
2.3. Sửa chữa, bổ sung biên bản phiên tòa:
Bất kỳ thủ tục nào được thực hiện trong phiên Tòa xét xử sơ thẩm cũng thực hiện trình tự trong đó bao gồm cả việc sửa chữa, bổ sung biên bản phiên tòa. Theo ghi nhận tại Điều 236 Bộ Luật Tố tụng Dân sự năm 2015 sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc Thẩm phán phải kiểm tra biên bản và cùng Thư ký Tòa án ký vào biên bản đó để xác nhận.
Để đảm bảo tính minh bạch và công khai Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng có quyền được xem biên bản phiên tòa ngay sau khi kết thúc phiên tòa. Những cá nhân này có quyền yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa và ký xác nhận.
3. Có được kháng cáo nếu không đồng ý với kết luận của bản án sơ thẩm:
3.1. Những cá nhân nào có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm?
Khi các đương sự yêu cầu Tòa giải quyết tranh chấp dân sự nhưng bản án đưa ra không đảm bảo quyền lợi của mình, hoặc nhận thấy trong quá trình xét xử có vi phạm thủ tục tố tụng thì theo quy định tại Điều 271 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015, người có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm của Tòa án bao gồm chủ thể sau:
Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.
Như vậy, với cá nhân được nêu ở điều khoản trên đều bình đẳng trong quyền kháng cáo bản án của Tòa sơ thẩm.
3.2. Thời hạn kháng cáo là bao lâu?
Thực hiện kháng cáo cần đảm bảo thời gian thực hiện theo quy định. Căn cứ theo Điều 273 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 về thời hạn để cá nhân có thẩm quyền thực hiện kháng cáo như sau:
– Thời gian thực hiện kháng cáo bản án Tòa án sơ thẩm:
Sau khi nhận bản án Tòa án cấp sơ thẩm thì thời hạn kháng cáo được thực hiện trong thời gian 15 ngày kể từ ngày tuyên án; Trong trường hợp các đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa do cố ý hoặc có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.
– Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm:
Trong vòng 07 ngày, kể từ ngày đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định của Bộ luật này thì có quyền kháng cáo quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án.
Đáng lưu ý:
Đơn kháng cáo có thể được gửi qua các hình thức sau như: Thông qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo được xác định căn cứ vào ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì.
Người thực hiện kháng cáo đang bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày đơn kháng cáo được giám thị trại giam xác nhận.
Văn bản pháp luật được sử dụng:
Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015.