Thẻ căn cước công dân gắn chip là một loại giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam. Vậy giá trị sử dụng chứng minh thư cũ sau khi có căn cước công dân gắn chíp được pháp luật quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
- 1 1. Giá trị sử dụng chứng minh thư cũ sau khi có CCCD gắn chíp:
- 2 2. Xử phạt hành chính hành vi sử dụng chứng minh thư cũ sau khi có căn cước công dân gắn chíp:
- 3 3. Những rủi ro khi người dân vẫn sử dụng chứng minh thư cũ sau khi có căn cước công dân gắn chíp:
- 4 4. Nội dung thể hiện trên thẻ căn cước công dân:
- 5 5. Các hành vi nghiêm cấm về thẻ căn cước công dân:
1. Giá trị sử dụng chứng minh thư cũ sau khi có CCCD gắn chíp:
Điều 11 Thông tư 59/2021/TT-BCA quy định chi tiết Luật Căn cước công dân quy định khi thực hiện thủ tục, trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân thì phải thu lại Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân đang sử dụng trong trường hợp công dân đi làm thủ tục chuyển từ Chứng minh nhân dân sang thẻ Căn cước công dân, đổi thẻ Căn cước công dân.
Thêm nữa, căn cứ Điều 5 Thông tư 60/2021/TT-BCA trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân, Điều này quy định sau khi tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân, các cán bộ thu nhận thông tin công dân thực hiện như sau:
– Tìm kiếm thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lập hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân;
– Lựa chọn loại cấp Căn cước công dân (cấp, đổi, cấp lại) và tiến hành mô tả đặc điểm nhân dạng của công dân;
– Thu nhận vân tay của công dân;
– Chụp ảnh chân dung của công dân;
– In
– In
– Thu lệ phí theo quy định;
– Thu hồi Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân cũ đối với trường hợp công dân đi làm thủ tục đổi từ Chứng minh nhân dân sang thẻ Căn cước công dân, đổi thẻ Căn cước công dân;
– Cấp giấy hẹn trả kết quả giải quyết cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân;
– Ngay trong ngày làm việc, cán bộ thu nhận thông tin công dân có trách nhiệm bàn giao về hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho bộ phận phân loại hồ sơ, thực hiện chuyển Phiếu thu thập thông tin dân cư (nếu có), Phiếu cập nhật chỉnh sửa các thông tin dân cư (nếu có) cho Công an xã, phường, thị trấn hoặc cho Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương ở nơi mà không có đơn vị hành chính cấp xã nơi công dân đăng ký thường trú.
Theo quy định trên, một trong các thủ tục thu nhận thông tin công dân khi cán bộ thu nhận thông tin công dân tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân đó chính là thu hồi Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân cũ (áp dụng đối với trường hợp công dân làm thủ tục đổi từ Chứng minh nhân dân sang thẻ Căn cước công dân, đổi thẻ Căn cước công dân).
Như vậy, chứng minh nhân dân (hay căn cước công dân cũ) sẽ không còn giá trị sử dụng kể từ ngày người dân nhận được căn cước công dân gắn chíp.
2. Xử phạt hành chính hành vi sử dụng chứng minh thư cũ sau khi có căn cước công dân gắn chíp:
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội quy định phạt hành chính hành vi vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân, Điều này quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người có hành vi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân. Theo đó, khi công dân đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân mà không nộp lại chứng minh thư cũ thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.
3. Những rủi ro khi người dân vẫn sử dụng chứng minh thư cũ sau khi có căn cước công dân gắn chíp:
Sau khi có căn cước công dân gắn chíp mà người dân vẫn sử dụng chứng minh thư cũ của mình sẽ tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, cụ thể như:
– Quyền và lợi ích bị ảnh hưởng:
+ Việc sử dụng chứng minh nhân dân/căn cước công dân cũ để chứng minh nhân thân (trường hợp không cần phải ghi lại thông tin) sẽ không gây tác hại hay hậu quả gì nghiêm trọng như việc sử dụng chứng minh nhân dân/căn cước công dân cũ đi tàu bay…
+ Tuy nhiên, khi ký kết các loại Hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, giao dịch mua bán… người dân sử dụng chứng minh nhân dân cũ thay vì dùng căn cước công dân gắn chip đã được cấp thì sau này nếu như xảy ra tranh chấp, bên tranh chấp sẽ lấy lý do chứng minh nhân dân đã hết hạn, không có giá trị chứng minh nhân thân trong giao dịch để đề nghị đến cơ quan thẩm quyền tuyên giao dịch vô hiệu, thậm chí là còn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Ví dụ như: Hợp đồng đã ký kết sẽ bị vô hiệu do sử dụng chứng minh nhân dân hết hạn, hết hiệu lực.
– Dễ bị giả mạo giấy tờ:
+ Khi có nhu cầu làm các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự… người dân chỉ cần xuất trình thẻ căn cước công dân gắn chíp. Sau đó, cơ quan, tổ chức sẽ sử dụng thiết bị đọc mã QRCode ở trên thẻ là có thể biết được thông tin nhân thân của người dân mà không cần phải thêm bất cứ giấy tờ nào khác. Nhưng đối với chứng minh nhân dân, căn cước công dân cũ không gắn chíp thì phải buộc công dân photo, công chứng các giấy tờ này mới hợp pháp trong một số giao dịch.
+ Do đó, trường hợp giấy tờ này rơi vào tay người ngoài, hoặc là chỉ cần họ có được thông tin chứng minh nhân dân, căn cước công dân cũ của thì có thể dễ dàng làm giả nhằm để sử dụng vào mục đích lừa đảo, vay tiền… gây ảnh hưởng xấu tới người dân.
– Khó cập nhật, thống nhất thông tin nhân thân trong tương lai: Những thông tin về nhân thân, những giấy tờ như BHYT, BHXH, Giấy phép lái xe… của người dân đã được tích hợp vào thẻ căn cước công dân gắn chíp và cập nhật vào trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do đó, nếu sử dụng chứng minh nhân dân, căn cước công dân cũ để khai báo hay đăng ký làm các thủ tục hành chính công thì sẽ xuất hiện lên các thông tin không trùng khớp (do thông tin ở trên chứng minh nhân dân và căn cước công dân cũ là khác nhau) nên có thể gây khó khăn trong việc cập nhật thông tin về sau.
4. Nội dung thể hiện trên thẻ căn cước công dân:
Thẻ Căn cước công dân gồm thông tin sau đây:
– Mặt trước thẻ có:
+ Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
+ Dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập – Tự do – Hạnh phúc;
+ Dòng chữ “Căn cước công dân”;
+ Ảnh, số thẻ Căn cước công dân,
+ Họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú;
+ Ngày, tháng, năm hết hạn;
– Mặt sau thẻ có:
+ Bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa;
+ Vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ;
+ Ngày, tháng, năm cấp thẻ;
+ Họ, chữ đệm và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ.
5. Các hành vi nghiêm cấm về thẻ căn cước công dân:
– Cản trở thực hiện các quy định của Luật Căn cước công dân 2014.
– Cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân trái quy định của pháp luật.
– Sách nhiễu, gây phiền hà khi giải quyết những thủ tục về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
– Làm sai lệch sổ sách, hồ sơ về công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
– Không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, cung cấp trái quy định của pháp luật về thông tin, tài liệu về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
– Lạm dụng thông tin về công dân theo quy định của Luật này gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân.
– Làm lộ bí mật thông tin thuộc Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
– Thu, sử dụng phí, lệ phí trái quy định của pháp luật.
– Làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung thẻ Căn cước công dân;
– Chiếm đoạt, sử dụng trái phép thẻ Căn cước công dân của người khác;
– Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại thẻ Căn cước công dân;
– Sử dụng thẻ Căn cước công dân giả.
– Truy nhập trái phép, làm thay đổi, xóa, hủy, phát tán thông tin Ở trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
– Thu hồi, tạm giữ thẻ Căn cước công dân trái quy định của pháp luật.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Thông tư 60/2021/TT-BCA trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân;
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
– Thông tư 59/2021/TT-BCA quy định chi tiết Luật Căn cước công dân;
– Luật Căn cước công dân 2014.