Theo quy định của pháp luật hiện hành, cán bộ công chức có thể kiêm nhiệm một hay một số chức danh khác. Vậy mức phụ cấp đối với công chức kiêm nhiệm Bí thư chi Đoàn như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Điều kiện được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm:
Cán bộ, công chức, viên chức kiêm nhiệm chức danh khác được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm khi có đủ 2 điều kiện sau:
– Điều kiện 1: Đang giữ chức danh lãnh đạo (bầu cử hoặc bổ nhiệm) ở một cơ quan, đơn vị.
– Điều kiện 2: Cán bộ, công chức đó phải được cấp có thẩm quyền phê chuẩn kết quả bầu cử hoặc
Theo quy định của pháp luật hiện hành, người kiêm nhiệm một hoặc nhiều chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị khác chỉ hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm trong suốt thời gian giữ một hoặc nhiều chức danh lãnh đạo kiêm nhiệm đó. Khi thôi kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị khác thì thôi hưởng phụ cấp kiêm nhiệm kể từ tháng sau liền kề với tháng thôi giữ chức danh lãnh đạo kiêm nhiệm.
Trên đây là những điều kiện mà cán bộ, công chức cần phải đảm bảo khi muốn được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm. Nếu không đảm bảo tuân thủ các điều kiện nêu trên, các đối tượng này sẽ không được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm theo quy định của pháp luật.
2. Quy định của pháp luật về bảng lương đối với cán bộ chuyên trách đảng, đoàn thể ở cơ sở, cấp trên cơ sở:
Điều 4 Quyết định 128/QĐ-TW quy định về bảng lương đối với cán bộ chuyên trách đảng, đoàn thể ở cơ sở, cấp trên cơ sở như sau:
– Bảng lương đối với cán bộ chuyên trách đảng, đoàn thể ở cơ sở, cấp trên cơ sở đối với Tổng công ty nhà nước, công tư nhà nước độc lập, công ty thành viên:
+ Cán bộ chuyên trách đảng, đoàn thể ở cơ sở, cấp trên cơ sở, công ty nhà nước áp dụng bảng lương viên chức chuyên môn, nghiệp vụ ở công ty nhà nước.
+ Bí thư đảng ủy chuyên trách áp dụng bảng lương của Tổng giám đốc (Giám đốc); Phó bí thư đảng ủy, Chủ tịch công đoàn chuyên trách áp dụng bảng lương của Phó tổng giám đốc (Phó giám đốc) công ty nhà nước cùng hạng.
+ Bí thư Đoàn Thanh niên, Phó chủ tịch công đoàn cơ sở chuyên trách; Trưởng ban chuyên trách đảng, đoàn thể cấp trên cơ sở hưởng phụ cấp chức vụ tương đương phụ cấp chức vụ Trưởng phòng công ty nhà nước cùng hạng.
– Bảng lương đối với cán bộ chuyên trách đảng, đoàn thể ở cơ sở, cấp trên cơ sở đối với cơ quan hành chính sự nghiệp.
+ Ở cơ quan hành chính: Cán bộ chuyên trách Đảng, đoàn thể ở ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương được áp dụng bảng lương chuyên môn nghiệp vụ của công chức hành chính. Bí thư đảng ủy chuyên trách hưởng phụ cấp chức vụ bằng phụ cấp chức vụ Vụ trưởng thuộc bộ, Phó bí thư đảng ủy, Chủ tịch công đoàn chuyên trách hưởng phụ cấp chức vụ bằng phụ cấp chức vụ Vụ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; bí thư Đoàn Thanh niên, Phó chủ tịch công đoàn chuyên trách hưởng phụ cấp chức vụ bằng phụ cấp chức vụ phó vụ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ
+ Ở đơn vị sự nghiệp: Cán bộ chuyên trách Đảng, đoàn thể ở trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu… áp dụng bảng lương chuyên môn nghiệp vụ của viên chức sự nghiệp. Bí thư đảng ủy chuyên trách hưởng phụ cấp chức vụ bằng phụ cấp của Giám đốc. Phó bí thư đảng ủy, Chủ tịch công đoàn chuyên trách hưởng phụ cấp chức vụ bằng phụ cấp chức vụ của Phó Giám đốc. Bí thư Đoàn Thanh niên, Phó chủ tịch công đoàn chuyên trách hưởng phụ cấp chức vụ bằng phụ cấp chức vụ Trưởng phòng nghiệp vụ của đơn vị cùng cấp.
– Bảng lương đối với cán bộ chuyên trách đảng, đoàn thể ở cơ sở, cấp trên cơ sở đối với xã, phường, thị trấn: Cán bộ Đảng, Mặt trận và đoàn thể ở xã, phường, thị trấn thực hiện chế độ tiền lương, phụ cấp do Chính phủ ban hành.
3. Mức phụ cấp đối với công chức kiêm nhiệm Bí thư chi Đoàn:
Bí thư chi đoàn là người đại diện cho lợi ích của tập thể chi đoàn và mọi đoàn viên thanh niên trong chi đoàn, người thay mặt cho BCH chi đoàn giữ mối liên hệ giữa chi đoàn với chi bộ Đảng, với Đoàn cấp trên, với quần chúng thanh niên và với các tổ chức chính quyền, cơ quan chuyên môn, đoàn thể xã hội khác.
Theo quy định tại khoản 2 điều 5 Quyết định 128/QĐ-TW, mức phụ cấp kiêm nhiệm dành cho các cá nhân như sau:
+ Đối với Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn, Bí thư Đoàn Thanh niên ở tổ chức đảng, đoàn thể cơ sở công ty nhà nước, đơn vị sự nghiệp có bố trí biên chế chuyên trách, nhưng hoạt động kiêm nhiệm, thì được phụ cấp bằng 10% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
+ Đối với các chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan khác áp dụng theo quy định chung do Chính phủ ban hành.
Như vậy, theo quy định tại điều luật này, đối với công chức kiêm nhiệm chức danh bí thư đoàn, thì sẽ được hưởng phụ cấp 10% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Phụ cấp kiêm nhiệm = (bằng) 10% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Trong đó, mức lương hiện hưởng = (bằng) hệ số lương x (nhân) mức lương cơ sở.
Quy định về mức phụ cấp này mang tính áp dụng chung cho các đối tượng là công chức kiêm nhiệm chức danh bí thư đoàn. Nó được xem là khoản phí lao động cho quá trình làm việc của các cá nhân. Đồng thời, quy định này của Nhà nước còn là căn cứ thúc đẩy năng lực làm việc, chất lượng việc làm mà các cá nhân đạt được trong quá trình làm việc của mình.
– Theo quy định của pháp luật hiện hành, Ban Tổ chức Trung ương có trách nhiệm có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, hướng dẫn phân cấp thẩm quyền quyết định xếp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức; Phối hợp với các bộ, ngành, Mặt trận và các đoàn thể Trung ương hướng dẫn việc chuyển xếp lương, chế độ nâng bậc lương.
Kiểm tra việc thực hiện chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, Mặt trận và các đoàn thể. Ngoài ra, Cơ quan Đảng, Mặt trận và các đoàn thể Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện việc chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý, xây dựng quỹ tiền lương, phân loại cơ quan, đơn vị cân đối được nguồn trả lương theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
4. Nguyên tắc sắp xếp lương và phụ cấp:
– Nguyên tắc sắp xếp lương và phụ cấp được quy định tại Điều 6 Quyết định 128/QĐ-TW như sau:
+ Nguyên tắc 1: Việc xếp lương, nâng bậc lương và áp dụng các chế độ phụ cấp thực hiện theo quy định chung do Chính phủ ban hành.
+ Nguyên tắc 2: Đối với các chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) chuyên trách Hội Cựu chiến binh Việt Nam từ Trung ương đến cấp huyện, ngoài lương hưu, hàng tháng được hưởng 90% mức lương chuẩn và phụ cấp chức vụ (không phải đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế).
+ Nguyên tắc 3: Đối với cựu chiến binh thuộc chỉ tiêu biên chế được duyệt làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ từ Trung ương đến cấp huyện, ngoài lương hưu, hàng tháng được hưởng cao nhất 90% mức lương chuẩn của cấp phó lãnh đạo trực tiếp cùng cấp (không phải đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế).
– Ngoài ra, Điều 7 Quyết định 128/QĐ-TW quy định về việc quản lý tiền lương và thu nhập như sau:
+ Đối với cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Mặt trận và các đoàn thể, áp dụng quản lý tiền lương và thu nhập như các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của nhà nước theo quy định của Chính phủ.
+ Đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh, dịch vụ thuộc Đảng, Mặt trận và các đoàn thể quản lý, thực hiện chế độ hạch toán kinh tế, tự trang trải các chi phí và áp dụng quản lý tiền lương và thu nhập như công ty nhà nước.
+ Thực hiện phân cấp trách nhiệm để Thủ trưởng cơ quan Đảng, Mặt trận và các đoàn thể Trung ương và địa phương quyết định xếp lương, nâng bậc lương và thực hiện các chế độ phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Quyết định 128/QĐ-TW về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, Mặt trận và các đoàn thể do Trưởng Ban Chỉ đạo Tiền lương Nhà nước ban hành.