Nhìn chung thì quảng cáo thương mại được coi là một nghệ thuật nhưng cũng là một chiến trường giữa các thương nhân trong hoạt động kinh doanh. Vậy trường hợp sử dụng sản phẩm quảng cáo sai, trách nhiệm sẽ thuộc về ai?
Mục lục bài viết
1. Sử dụng sản phẩm quảng cáo sai, trách nhiệm thuộc về ai?
1.1. Một số hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo:
Căn cứ theo quy định tại Luật Quảng cáo năm 2018 hiện nay thì có ghi nhận một số hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo như sau:
– Tiến hành quảng cáo đối với các sản phẩm hàng hóa dịch vụ bị cấm theo quy định của pháp luật về quảng cáo;
– Tiến hành quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật, hoạt động quảng cáo với mục đích tiết lộ bí mật nhà nước hoặc phương hại đến nền độc lập và an ninh quốc phòng của Việt Nam;
– Quảng cáo thiếu thuần phong mỹ tục và trái với truyền thống lịch sử, đối lập với đạo đức văn hóa của con người Việt Nam;
– Quảng cáo gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và an toàn xã hội, quảng cáo gây ảnh hưởng tiêu cực đến mỹ quan đô thị và đời sống chung của khu dân cư;
– Quảng cáo gây ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm dành cho quốc kỳ, quốc ca và quốc huy, xâm phạm đến sự tôn nghiêm của đảng cũng như các vị anh hùng dân tộc, các vị danh nhân văn hóa thế giới, các chủ thể là lãnh tụ và lãnh đạo của nhà nước;
– Quảng cáo có tính phân biệt chủng tộc và vi phạm tự do tín ngưỡng, xâm phạm đến định kiến giới và những người khuyết tật, quảng cáo gây xúc phạm danh dự nhân phẩm và uy tín của các chủ thể là tổ chức và cá nhân, quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói hoặc chữ viết của các chủ thể khi chưa được họ đồng ý;
– Hoạt động quảng cáo không đúng với chức năng và có nhầm lẫn với các loại sản phẩm khác, quảng cáo mang tính cạnh tranh không lành mạnh, quảng cáo vi phạm quy định về sở hữu trí tuệ … và một số hoạt động quảng cáo khác trái với quy định của pháp luật.
1.2. Sử dụng sản phẩm quảng cáo sai, trách nhiệm thuộc về ai?
Có thể nói, quảng cáo thương mại là một công cụ hữu hiệu để giới thiệu sản phẩm dịch vụ đến với người tiêu dùng. Một quảng cáo thành công sẽ đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và các chủ thể tiếp cận. Nếu như trước đây, khi quan sát những động thái tiếp thị thương hiệu trên thị trường, người tiêu dùng và ngay cả các chuyên gia trong ngành quảng cáo khó có thể nhận ra được hình hài cụ thể của một chiến dịch quảng cáo nào đó, thì ngày nay khi một chương trình được giới thiệu ra thị trường, có đến hơn 60% chiến dịch có thể được nhận biết một cách rõ ràng và thậm chí nhà cung cấp còn nhận được rất nhiều ý kiến khách quan khen, chê khác nhau từ phía người tiêu dùng. Đó là kết quả của một quá trình phát triển của các công cụ truyền thông tại Việt Nam. Tuy nhiên đi liền với mặt tích cực đó, thì cũng tiềm ẩn nhiều mặt tiêu cực. Rất nhiều khách hàng đã nhận thức sai công dụng của sản phẩm quảng cáo, dẫn đến nhiều hệ lụy không đáng có. Vậy thì khi xảy ra hiện tượng sử dụng sản phẩm quảng cáo sai chức năng và công dụng, trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Để trả lời được câu hỏi này thì cần phải xác định xem bên nào có lỗi, vì thế, nếu như bên tiến hành quảng cáo có lỗi thì sẽ phải chịu trách nhiệm, còn nếu như bên tiến hành quảng cáo mà đã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật nhưng khách hàng vẫn sử dụng sản phẩm quảng cáo sai chức năng và công dụng thì khi đó khách hàng sẽ phải tự chịu trách nhiệm. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, các chủ thể tiến hành quảng cáo sản phẩm của mình đã quảng cáo sản phẩm trái với quy định của pháp luật và vi phạm nguyên tắc theo pháp luật về quảng cáo, quảng cáo sản phẩm sai công dụng và sai chức năng khiến cho khách hàng hiểu sai về sản phẩm gây ra những thiệt hại không đáng có. Vì thế khách hàng đã sử dụng sản phẩm quảng cáo sai với bản chất. Vậy trong trường hợp này, các chủ thể là người tiến hành quảng cáo sản phẩm phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho khách hàng dựa trên thiệt hại thực tế xảy ra. Vấn đề bồi thường thiệt hại sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 585 của Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện hành. ngoài ra còn có thể bị xử phạt hành chính đối với hành vi quảng cáo sai sự thật, thậm chí là có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu như thỏa mãn các cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Thứ hai, Nếu như các chủ thể quảng cáo đã tiến hành quảng cáo sản phẩm đúng với chức năng và nhiệm vụ cũng như tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật. Tuy nhiên vì một lý do nào đó mà khách hàng đã hiểu sai về sản phẩm dẫn đến việc sử dụng sản phẩm quảng cáo sai chức năng và công dụng, thì khi đó lỗi được xác định là thuộc về khách hàng, và khách hàng sẽ phải tự chịu trách nhiệm khi sử dụng sản phẩm quảng cáo sai chức năng, mà không được yêu cầu các chủ thể tiến hành quảng cáo bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Mức phạt hành chính đối với hành vi quảng cáo sai sự thật:
Căn cứ theo Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, thì mức phạt đối với hành vi quảng cáo sai sự thật được ghi nhận như sau:
Thứ nhất, phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
Quảng cáo sai sự thật, tiến hành quảng cáo không đúng quy cách, quảng cáo không đúng chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, quảng cáo không đúng chủng loại, bao bì, quảng cáo không đúng xuất xứ, quảng cáo không đúng chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ;
– Quảng cáo mang tính chất lừa dối, quảng cáo gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo;
– Hoạt động quảng cáo quảng cáo gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo;
– Hoạt động quảng cáo sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam trong quảng cáo mà không thể hiện đầy đủ chủ quyền quốc gia;
– Hoạt động quảng cáo sử dụng hình ảnh đồng tiền Việt Nam.
Thứ hai, các biện pháp khắc phục hậu quả có thể áp dụng là:
– Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo đối với hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo;
– Buộc xin lỗi tổ chức, cá nhân đối với hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo;
– Buộc cải chính thông tin đối với hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo.
3. Mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi quảng cáo sai sự thật:
Nhìn chung thì bên cạnh việc bị xử phạt vi phạm hành chính, hành vi quảng cáo sai sự thật khiến cho khách hàng hiểu sai về công dụng của sản phẩm kéo theo đó là việc sử dụng sản phẩm quảng cáo sai chức năng thì các chủ thể còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi của họ thỏa mãn đầy đủ các cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 197 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017): Tội quảng cáo gian dối.
Người phạm tội có hành vi quảng cáo gian dối về hàng hóa và dịch vụ. Đây là hành vi đưa ra thông tin sai sự thật trong nội dung quảng cáo về loại hàng hóa và dịch vụ nào đó. Hình thức quảng cáo có thể được thực hiện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, đài phát thanh, báo chí hoặc thông qua các biển hiệu, áp phích hoặc băng rôn … hành vi quảng cáo gian dối chỉ cấu thành tội phạm khi thỏa mãn các dấu hiệu theo quy định tại Điều 197. Và đặc biệt là lỗi của người phạm tội trong trường hôm nay là lỗi cố ý trực tiếp. Tức là người phạm tội biết rõ hành vi quảng cáo của mình là vi phạm pháp luật và có thể gây nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn thực hiện.
Điều luật này quy định các hình phạt như sau: Điều luật quy định 1 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung. Khung hình phạt cơ bản có mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc cải tạo không gian giữ đến 03 năm. Khung hình phạt bổ sung được quy định là phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Quảng cáo năm 2018;
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
– Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.