Đường lại không có hệ thống rãnh thoát nước ở hai bên (chỉ có rãnh lòng máng một bên) không có lề đường. Xin hỏi đường như vậy đã đúng thiết kế chưa?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin cho hỏi, cấu trúc của một đoạn đường quốc lộ qua khu dân cư. Xin hỏi hiện tại đường quốc lộ đang thi công đi qua địa phận bản Na Tao, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát qua khu dân cư hai bên đường, lòng đường cách nhà dân không đến 1m, nền đường được tôn cao lên so với nền nhà dân có chỗ lên tới 3m.
Đường lại không có hệ thống rãnh thoát nước ở hai bên (chỉ có rãnh lòng máng một bên) không có lề đường. Xin hỏi đường như vậy đã đúng thiết kế chưa? Người dân hai bên đường có được đền bù không? Hoặc có chính sách gì hỗ trợ người dân nâng cao nền nhà tránh bị nước từ đường tràn vào nhà không? Nếu có thì làm như thế nào? Mong luật sư trả lời sớm giùm, xin cảm ơn nhiều.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Trước tiên chúng tôi nhận định rằng, quy hoạch công trình như trên là không hợp lý và vi phạm pháp luật. Người dân có thể kiến nghị tới cơ quan nhà nước có thẩn quyền hoặc kiện đòi bồi thường.
Thứ nhất, về điều kiện, tiêu chuẩn của đường quốc lộ:
Tại Điều 14 Nghị định 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quy định:
Phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ có bề rộng theo cấp đường, được xác định từ mép ngoài cùng của nền đường bộ (chân mái đường đắp hoặc mép ngoài của rãnh dọc tại các vị trí không đào không đắp hoặc mép đỉnh mái đường đào) ra mỗi bên như sau:
a) 03 mét đối với đường cao tốc, đường cấp I, đường cấp II;
b) 02 mét đối với đường cấp III;
c) 01 mét đối với đường từ cấp IV trở xuống.
Điều 15. Giới hạn hành lang an toàn đường bộ
Hành lang an toàn đường bộ ngoài đô thị căn cứ cấp kỹ thuật của đường theo quy hoạch, phạm vi hành lang an toàn của đường có bề rộng tính từ đất của đường bộ trở ra hai bên là:
a) 47 mét đối với đường cao tốc;
b) 17 mét đối với đường cấp I, cấp II;
c) 13 mét đối với đường cấp III;
d) 09 mét đối với đường cấp IV, cấp V;
đ) 04 mét đối với đường có cấp thấp hơn cấp V.
Khoảng cách hành lang an toàn của mỗi tuyến đường phụ thuộc vào qui hoạch của tuyến đường đó được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Do bạn không nói rõ đường cao tốc này là đường cấp mấy nên dựa vào quy định trên mà xác định.
Ngoài ra, khoản 3 Điều 44 Luật Giao thông đường bộ quy định: Khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư, khu thương mại – dịch vụ và công trình khác phải có hệ thống đường gom được xây dựng ngoài hành lang an toàn đường bộ; bảo đảm khoảng cách với quốc lộ theo quy định của Chính phủ. Như vậy, ngoài Phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ có bề rộng theo cấp đường, hành lang an toàn còn có hệ thống đường gom qua khu dân cư này. Đường quốc lộ xác định phải có lề đường, có hệ thống cấp, thoát nước và có khoảng cách tới nền nhà dân hợp lý. Theo như bạn đưa ra, đường quốc lộ cách nhà dân không quá 1m vì vậy không đảm bảo quy định tối thiểu trên. Việc nền đường cao hơn nhà dân đến tận 3m sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều tới người dân, đặc biệt trong lúc mưa lũ là không hợp lý.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Thứ hai, về quyền lợi của người dân hai bên đường.
Theo quy định trên thì xác định đất một số gia đình gần đường sẽ thuộc hành lang an toàn. Điều 43 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định:
“4. Người đang sử dụng đất được pháp luật thừa nhận mà đất đó nằm trong hành lang an toàn đường bộ thì được tiếp tục sử dụng đất theo đúng mục đích đã được xác định và không được gây cản trở cho việc bảo vệ an toàn công trình đường bộ.
Trường hợp việc sử dụng đất gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ an toàn công trình đường bộ thì chủ công trình và người sử dụng đất phải có biện pháp khắc phục, nếu không khắc phục được thì Nhà nước thu hồi đất và bồi thường theo quy định của pháp luật.”
Theo quy định trên thì Chủ đầu tư phải xác định giới hạn đất dành cho đường bộ và lập thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất, thực hiện bồi thường theo quy định của pháp luật về đất đai đảm bảo quy hoạch của đường. Theo Điều 36 Luật xây dựng, một công trình cần phải bảo vệ môi trường, bảo đảm hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án. Tại điều 4 Luật xây dựng cũng quy định:
“Bảo đảm vệ sinh môi trường; phù hợp với điều kiện tự nhiên; bảo đảm xây dựng đồng bộ trong từng công trình, đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật”. Hành vi xây đựng đường có khả năng làm ngập nhà dân rõ ràng là đã không đồng bộ với các công trình hạ tầng kỹ thuật và điều kiện tự nhiên (cốt nền hiện hữu của nhà dân và hẻm), điều này là vi phạm pháp luật xây dựng và lỗi của chủ đầu tư dự án. Theo tôi, người dân bị ảnh hưởng của việc làm đường trên có thể khởi kiện chủ đầu tư dự án và yêu cầu tòa án buộc chủ đầu tư phải bồi thường thiệt hại cho mình.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.