Giải quyết tranh chấp đất đai được tiến hành dựa trên cơ sở pháp luật để hóa giải những bất đồng, mâu thuẫn giữa các bên tranh chấp, khôi phục quyền lợi hợp pháp cho bên bị thiệt hại và buộc bên vi phạm phải chịu trách nhiệm pháp lý do hành vi của họ gây ra.
Mục lục bài viết
- 1 1. Giải quyết tranh chấp đất đai là gì?
- 2 2. Các đặc điểm của tranh chấp đất đai:
- 3 3. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp đất đai:
- 3.1 3.1. Bảo đảm đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý:
- 3.2 3.2. Nguyên tắc bảo đảm lợi ích của người sử dụng đất:
- 3.3 3.3. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp đất đai nhằm mục đích ổn định chính trị, kinh tế, xã hội:
- 3.4 3.4. Giải quyết tranh chấp đai phải dựa trên quy định của pháp luật:
1. Giải quyết tranh chấp đất đai là gì?
Giải quyết tranh chấp đất đai là phản ứng của các bên đương sự hoặc của Nhà nước, của xã hội nhằm hóa giải những bất động, mâu thuẫn và khôi phục lại cấu trúc bền vững của quan hệ đất đai. Giải quyết tranh chấp đất đai là thuật ngữ được sử dụng khá phổ biến trong các văn bản pháp
Theo Từ điển Giải thích Thuật ngữ học: “Giải quyết tranh chấp đất đai là giải quyết bất đồng, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, tổ chức và trên cơ sở đó phục hồi các quyền lợi hợp pháp bị xâm hại; đồng thời truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vi phạm Luật đất đai.”
Theo Giáo trình Luật đất đai của Trường Đại học Luật Hà Nội: “Giải quyết tranh chấp đất đai là việc tìm ra giải pháp đúng đắn trên cơ sở pháp luật nhằm giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Trên cơ sở đó phục hồi các quyền lợi hợp pháp cho bên bị xâm hại, đồng thời bắt buộc bên vi phạm phải gánh chịu những hậu quả pháp lý do hành vi của họ gây ra…”
Như vậy, từ một số khái niệm trên cho thấy giải quyết tranh chấp đất đai là một nội dung của quản lý nhà nước về đất đai do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành dựa trên cơ sở pháp luật để hóa giải những bất đồng, mâu thuẫn giữa các bên đương sự, khôi phục quyền lợi hợp pháp cho bên bị xâm hại và buộc bên vi phạm phải chịu trách nhiệm pháp lý do hành vi của họ gây ra.
2. Các đặc điểm của tranh chấp đất đai:
Tìm hiểu về giải quyết tranh chấp đất đai có thể rút ra một số đặc điểm cơ bản sau đây:
Thứ nhất, giải quyết tranh chấp đất đai là một nội dung quản lý nhà nước về đất đai. Hoạt động này do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện căn cứ vào các quy định của pháp luật, quan điểm, đường lối của Đảng và thực tiễn sử dụng đất để tìm ra phương thức phù hợp nhằm giải quyết bất đồng, mâu thuẫn giữa các bên tranh chấp. Điều này có nghĩa là giải quyết tranh chấp đất đai phải tuân thủ các quy định của pháp luật về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết tranh chấp. Hơn nữa, giải quyết tranh chấp đất đai là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước có nghĩa là không phải bất cứ cơ quan, công chức nào cũng có thẩm quyền giải quyết tranh chấp mà chỉ cơ quan, cá nhân được pháp luật đất đai quy định mới có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực pháp luật bắt buộc các bên đương sự phải chấp hành. Trong trường hợp họ không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.
Thứ hai, do đất đai là vấn đề nhạy cảm, phức tạp và có tầm quan trọng trên nhiều phương diện. Hơn nữa, việc quản lý và sử dụng đất có nhiều biến động, xáo trộn qua các thời kỳ lịch sử nên tranh chấp đất đai xảy ra rất phức tạp, thường có đông người tham gia. Hoạt động giải quyết tranh chấp đất đai cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, khuyến khích các tổ chức quần chúng ở cơ sở và người dân tham gia. Trong giải quyết tranh chấp đất đai, Nhà nước coi trọng và đề cao phương thức thương lượng, hòa giải nhằm giải quyết ổn thỏa tranh chấp, duy trì ổn định chính trị – xã hội, đảm bảo sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân.
Thứ ba, do tính đặc thù của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai nên Nhà nước không thừa nhận và không xem xét giải quyết các tranh chấp về đòi lại đất đã chia cấp cho người khác khi thực hiện chính sách đất đai qua các thời kỳ của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thứ tư, việc giải quyết tranh chấp đất đai không chỉ dựa vào quan điểm, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn căn cứ vào tâm lý, thị hiếu, phong tục tập quán… trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai của người dân ở các vùng, miền khác nhau trong cả nước. Đặc biệt, đội ngũ già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ và người có uy tín trong cộng đồng dân cư có vai trò rất lớn trong việc hòa giải tranh chấp đất đai ở khu vực nông thôn, miền núi và vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Hơn nữa, đối với khu vực Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và vùng nông thôn thì hương ước, quy tắc sinh hoạt cộng đồng, luật tục… có ảnh hưởng lớn đến việc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải, vận động, thuyết phục v.v …
3. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp đất đai:
Trong nền kinh tế thị trường với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, quan hệ pháp luật đất đai rất đa dạng, phức tạp kéo theo các tranh chấp đất đai phát sinh đa dạng, phức tạp và gay gắt. Do đó, việc giải quyết tranh chấp đất đai phải đáp ứng những yêu cầu nhất định mà thực tế đặt ra. Muốn vậy việc giải quyết tranh chấp đất đai phải quán triệt một số nguyên tắc cơ bản sau đây:
3.1. Bảo đảm đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý:
Điều 53
“Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.
Cụ thể hóa quy định này của Hiến pháp năm 2013, khoản 5 Điều 26 Luật Đất đai năm 2013 quy định:
“Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Vì vậy, khi giải quyết tranh chấp đất đai, phải tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu toàn dân đối với đất đai mà Nhà nước là người đại diện, bảo vệ quyền đại diện sở hữu đất đai của Nhà nước, bảo vệ thành quả cách mạng về đất đai mà nhân dân ta đã giành được. Theo đó, mọi tranh chấp về đòi lại đất, Nhà nước không xem xét giải quyết và không thừa nhận việc đòi đất. Tuy nhiên, Nhà nước xem xét một số trường hợp tranh chấp đất đai đã giải quyết nhưng chưa đúng với quy định của pháp luật.
3.2. Nguyên tắc bảo đảm lợi ích của người sử dụng đất:
Nguyên tắc bảo đảm lợi ích của người sử dụng đất, nhất là lợi ích kinh tế, khuyến khích việc tự thương lượng, tự hòa giải trong nội bộ nhân dân:
Luật Đất đai năm 1993 ra đời quy định 05 quyền năng của người sử dụng đất, bao gồm quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp quyền sử dụng đất. Tiếp đó, các đạo Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013 kế thừa và phát triển thành 08 quyền năng của người sử dụng đất, bao gồm: quyền chuyển đổi, quyền chuyển nhượng, quyền cho thuê, quyền cho thuê lại, quyền thừa kế, quyền tặng cho, quyền thế chấp, quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Điều này khẳng định tư duy đổi mới của Nhà nước ta là đề cao và coi trọng địa vị làm chủ của người sử dụng đất trong lĩnh vực đất đai. Có như vậy mới tạo điều kiện để họ gắn bó lâu dài với đất đai, khuyến khích đầu tư, bồi bổ, cải tạo đất. Thực tế đã chứng minh rằng, nếu lợi ích của người sử dụng đất không được đảm bảo, thì việc sử dụng đất không thể mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây không phải là một ngoại lệ đối với giải quyết tranh chấp đất đai. Việc giải quyết tranh chấp đất đai đạt hiệu quả khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền chú trọng đến bảo đảm quyền lợi của các bên đương sự nói riêng và của người sử dụng đất nói chung. Hơn nữa, một truyền thống tốt đẹp của nền văn minh lúa nước là tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái của người Việt Nam; đặc biệt là người dân sống ở khu vực nông thôn, trung du, miền núi. Trong tâm thức của người Việt Nam, đất nước, quê hương, làng xóm, gia đình gắn bó mật thiết với nhau và hòa quyện là một. Mọi người đều có ý thức giữ gìn sự đoàn kết trong nội bộ gia đình, làng xóm, cộng đồng. Vì vậy, khi phát sinh tranh chấp, mâu thuẫn trong cuộc sống, người Việt Nam trước tiên có xu hướng lựa chọn phương thức thương lượng, hòa giải để giải quyết nhằm duy trì tình đoàn kết cộng đồng. Mặt khác, thương lượng, hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp đất đai linh hoạt, mềm dẻo, dễ áp dụng, tiết kiệm thời gian và ít tốn kém về tiền bạc trong việc theo đuổi khiếu kiện. Đồng thời, nó tôn trọng sự tự định đoạt, ý chí tự nguyện của các bên đương sự. Nhận thức được vai trò của hòa giải tranh chấp nói chung và tranh chấp đất đai nói riêng đối với người dân, nên khi giải quyết tranh chấp đất đai, Nhà nước khuyến khích các bên đương sự tự thương lượng, hòa giải; chỉ khi thương lượng, hòa giải không thành và các bên đương sự có đơn yêu cầu thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới tiến hành giải quyết tranh chấp đất đai.
3.3. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp đất đai nhằm mục đích ổn định chính trị, kinh tế, xã hội:
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp đất đai nhằm mục đích ổn định tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, gắn việc giải quyết tranh chấp đất đai với việc tổ chức lại sản xuất, bố trí lại cơ cấu sản xuất hàng hóa, phân công lại lao động:
Ở nước ta, đất đai có vị trí và tầm quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội. Đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt của khoảng 56 triệu người dân sống ở khu vực nông thôn. Tranh chấp đất đai gây ra hậu quả tiêu cực về chính trị, kinh tế, xã hội. Việc giải quyết tranh chấp đất đai không kịp thời, dứt điểm tiềm ẩn nguy cơ xung đột xã hội gay gắt và dễ phát sinh thành “điểm nóng” gây mất ổn định chính trị. Do đó, khi giải quyết tranh chấp đất đai phải góp phần duy trì sự ổn định chính trị, kinh tế, xã hội.
Theo số liệu công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), diện tích đất tự nhiên của nước ta khoảng 320.000 km với dân số khoảng 92, 6 triệu dân. Xét về diện tích tự nhiên, Việt Nam thuộc nhóm nước có diện tích trung bình (đứng thứ 148/189 nước). Về dân số, nước ta đứng hàng thứ 13 trên thế giới. Trong khi đó, diện tích đất nông nghiệp (không tính diện tích đất lâm nghiệp) chiếm khoảng 21%.
Như vậy, nước ta ở vào tình trạng “đất chật người đông” và tỷ lệ tăng dân số vẫn ở mức cao. Đây là một trong những nguyên nhân khách quan phát sinh tranh chấp đất đại. Theo học viên, tranh chấp đất đai sẽ xảy ra gay gắt và phức tạp nếu nước ta không có sự chuyển đổi căn bản cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phân công lại lao động ở khu vực nông thôn nhằm chuyển một lực lượng lao động nông nghiệp sang làm việc ở các ngành dịch vụ, công nghiệp, thương mại. Có như vậy thì áp lực dân số đối với đất đai nói chung và đất nông nghiệp nói riêng mới không căng thẳng và làm “giảm nhiệt” tình hình tranh chấp đất đai. Vì vậy, giải quyết tranh chấp đất đai không chỉ nhằm mục đích ổn định các quan hệ xã hội mà còn hướng trọng tâm vào việc bố trí, sắp xếp lại cơ cấu sản xuất hàng hóa theo chủ trương của Đảng “Ai giỏi nghề gì, làm nghề ấy”, tạo thêm nhiều việc làm mới và tăng thu nhập cho người nông dân ở khu vực nông thôn.
3.4. Giải quyết tranh chấp đai phải dựa trên quy định của pháp luật:
Giải quyết tranh chấp đai phải dựa trên quy định của pháp luật, đảm bảo dân chủ, công bằng, công khai minh bạch và chú ý đến tính hợp lý của phong tục, tập quán, hương ước của cộng đồng dân cư, luật tục:
Tranh chấp đất đai chiếm số lượng lớn trong các tranh chấp ở nước ta. Do đất đai ngày càng có giá nên tranh chấp đất đai có tính chất ngày càng gay gắt, phức tạp; thậm chí có đông người tham gia, kéo dài v.v Vì vậy, việc giải quyết tranh chấp đất đai phải dựa trên các quy định của pháp luật. Điều này có nghĩa là khi giải quyết tranh chấp đất đai, cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền phải tuân thủ đúng các nguyên tắc, căn cứ, thẩm quyền và trình tự, thủ tục … do pháp luật quy định. Mặt khác, việc giải quyết tranh chấp đất đai không chỉ tuân thủ đúng pháp luật mà còn phải đảm bảo dân chủ, công bằng, công khai minh bạch.
Dân chủ trong giải quyết tranh chấp đất đai được hiểu là Nhà nước phải tôn trọng và bảo hộ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất do pháp luật quy định; đảm bảo quyền khiếu nại, tố cáo của người sử dụng đất trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Công bằng trong giải quyết tranh chấp đất đai được hiểu là cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền phải tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” (khoản 1 Điều 16). Mọi tranh chấp đất đai được xem xét, giải quyết vô tư, khách quan, thận trọng, không có sự thiên vị, ưu ái hay định kiến, quy chụp, võ đoán… dựa trên quy định của pháp luật.
Công khai minh bạch trong giải quyết tranh chấp đất đai được hiểu là chứng cứ, hồ sơ, tài liệu về đất đai, thời hạn, thẩm quyền và trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp được công bố công khai một cách rộng rãi với sự minh định rõ ràng, cụ thể. Mọi khiếu nại, thắc mắc của các bên đương sự được cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền tiếp nhận với thái độ nghiêm túc, cầu thị và được giải trình công khai, rõ ràng với những căn cứ, lý lẽ thuyết phục.
Tranh chấp đất đai không chỉ liên quan đến quan điểm, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước mà nó còn phản ánh nhận thức, tâm lý, thị hiếu, văn hóa v.v… của các bên đương sự nói riêng và người dân nói chung. Mặt khác, suy nghĩ và tâm lý, thị hiếu của con người rất phong phú, đa dạng và phức tạp. Nó không chỉ chịu sự chi phối của các quan điểm chính thống, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn bị ảnh hưởng mạnh mẽ của phong tục, tập quán, hương ước cộng đồng, luật tục. Do đó, khi giải quyết tranh chấp đất đai, cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền còn phải chú ý tính hợp lý của phong tục, tập quán, hương ước của cộng đồng dân cư, luật tục để giải quyết phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương.