Ủy thác cho vay là một trong những vấn đề được quan tâm nhiều hiện nay, tuy nhiên để hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng ủy thác vay không phải ai cũng rõ. Vậy ủy thác cho vay là gì? Ủy thác và nhận ủy thác cho vay được luật quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Ủy thác cho vay là gì?
Ủy thác là việc một bên (bên ủy thác) giao vốn bằng tiền cho một bên khác (bên nhận ủy thác) để thực hiện hoạt động cho vay; cho thuê tài chính; góp vốn, mua cổ phần; đầu tư vào dự án sản xuất, kinh doanh; mua trái phiếu doanh nghiệp đối với đối tượng ủy thác, bên ủy thác chịu mọi rủi ro, bên nhận ủy thác được hưởng phí ủy thác.
Theo quy định tại Khoản 3 điều 3 Thông tư 30/2014/TT-NHNN ngày 06/11/2014 quy định về ủy thác và nhận ủy thác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, giải thích về ủy thác cho vay như sau: Ủy thác cho vay là việc bên ủy thác ủy thác cho bên nhận ủy thác để cho vay đối với khách hàng vay vốn.
Thông thường, ủy thác cho vay khi cá nhân, tổ chức có số tiền nhàn rỗi, muốn thực hiện giao dịch cho vay để lấy lãi nhưng khách hàng vay đa dạng và có thể phải chịu rủi ro khi không rõ thông tin về đối tượng vay, nên có nguy cơ mất cả gốc và lãi. Chính vì vậy để đảm bảo cho nguồn vốn, các cá nhân, tổ chức đó thường tìm đến những ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng chuyên về hoạt động cho vay và ủy thác ngân hàng thực hiện việc cho vay hộ cho mình. Trong đó, vốn ủy thác là khoản tiền bên ủy thác giao cho bên nhận ủy thác để thực hiện nội dung ủy thác trong khoảng thời gian mà bên ủy thác bắt đầu thực hiện nội dung ủy thác cho đến khi hoàn thành nội dung ủy thác theo hợp đồng.
2. Đặc điểm của ủy thác, nhận ủy thác cho vay?
– Bên ủy thác cho vay có thể là các tổ chức kinh tế, các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức tín dụng, các cá nhân trong và ngoài nước có nhu cầu vay vốn tín dụng đến các đối tượng khách hàng. Khách hàng vay sẽ vay trực tiếp từ các ngân hàng thượng mại của bên nhận ủy thác.
– Bên nhận ủy thác cho vay là các tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động dựa trên Luật các tổ chức tín dụng, có chức năng cấp tín dụng dưới hình thức cho vay vốn theo quy định của pháp luật. Bên nhận ủy thác cho vay bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
– Điều kiện thực hiện ủy thác, nhận ủy thác đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như sau:
+ Hoạt động ủy thác, nhận ủy thác phải được ghi trong Giấy phép thành lập và hoạt động.
+ Có quy định nội bộ về quản lý hoạt động ủy thác và nhận ủy thác, trong đó có nội dung về nhận dạng, đo lường và quản lý các rủi ro của hoạt động ủy thác và nhận ủy thác phù hợp với tính chất, quy mô hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
+ Hoạt động ủy thác và nhận ủy thác phải được quản lý rủi ro bởi một bộ phận quản lý rủi ro.
+ Bên nhận ủy thác có cơ sở vật chất, mạng lưới và đội ngũ cán bộ có trình độ, chuyên môn, kỹ thuật để đảm bảo thực hiện nội dung ủy thác, có tín nhiệm trong việc cho vay, đảm bảo an toán vốn vay.
+ Trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhận vốn ủy thác của tổ chức, cá nhân để thực hiện đầu tư vào dự án sản xuất, kinh doanh, cho thuê tài chính, cho vay, ngoài các điều kiện trên còn phải đảm bảo tại thời điểm ủy thác, bên ủy thác là tổ chức, cá nhân không có dư nợ vay tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Việc ủy thác vay phải được lập thành hợp đồng bằng văn bản. Bên ủy thác chỉ được ủy thác cho bên nhận ủy thác thực hiện những nội dung ủy thác mà bên ủy thác được thực hiện và được ủy thác theo quy định của pháp luật, bên nhận ủy thác chỉ được ủy thác đối với những nội dung ủy thác mà bên nhận ủy thác được thực hiện và được nhận ủy thác theo quy định về nội dung ủy thác giữa hai bên trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật.
Bên nhận ủy thác không được ủy thác lại cho bên thứ ba, không được sử dụng vốn ủy thác trái với mục đích, nội dung ủy thác được quy định trong hợp đồng ủy thác.
3. Nội dung của hợp đồng ủy thác:
Hợp đồng ủy thác được xác lập trên cơ sở thỏa thuận, ý chí tự nguyện giữa các bên, song phải có tối thiểu các nội dung sau:
– Tên, địa chỉ của bên ủy thác và bên nhận ủy thác;
– Đối tượng ủy thác: Phải quy định đích danh hoặc các thông tin cụ thể đủ để xác định được đối tượng ủy thác. Đối với trường hợp ủy thác mua trái phiếu, ngoài việc quy định đích danh hoặc các thông tin để xác định được tổ chức phát hành, phải quy định cụ thể loại trái phiếu, thời hạn của trái phiếu;
– Mục đích ủy thác;
– Phạm vi, nội dung ủy thác;
– Thời hạn ủy thác;
– Phí ủy thác;
– Vốn ủy thác; thời gian giao vốn ủy thác;
– Đồng tiền thực hiện ủy thác (nếu có);
– Quyền, nghĩa vụ của bên ủy thác, bên nhận ủy thác, trong đó phải quy định rõ bên ủy thác chịu mọi rủi ro và hưởng mọi lợi ích từ hoạt động ủy thác, bên nhận ủy thác được hưởng phí ủy thác;
– Chấm dứt hợp đồng trước hạn;
– Xử lý Tranh chấp.
Ngoài các nội dung trên, hợp đồng ủy thác có thể có thêm các nội dung khác theo sự thỏa thuận của các bên, trên cơ sở các thỏa thuận đó không trái quy định pháp luật.
4. Quyền và nghĩa vụ của bên ủy thác, bên nhận ủy thác:
4.1. Quyền và nghĩa vụ của bên ủy thác:
Điều 6 Thông tư 30/2014/TT-NHNN quy định về ủy thác và nhận ủy thác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của bên ủy thác. Cụ thể:
Quyền của bên ủy thác: Yêu cầu bên nhận ủy thác cung cấp hồ sơ, tài liệu chứng minh bên nhận ủy thác được phép thực hiện hoạt động ủy thác, nhận ủy thác theo quy định của pháp luật; Yêu cầu bên nhận ủy thác báo cáo, cung cấp tài liệu, thông tin về tình hình, kết quả thực hiện hợp đồng ủy thác; Giám sát, kiểm tra việc bên nhận ủy thác thực hiện nội dung, phạm vi được ủy thác quy định tại hợp đồng ủy thác; Các quyền khác theo quy định tại hợp đồng ủy thác, phù hợp với quy định của pháp luật.
Nghĩa vụ của bên ủy thác vay: Xem xét, đánh giá chức năng, phạm vi hoạt động, năng lực quản trị, điều hành, nhân sự, chuyên môn, công nghệ và cơ sở hạ tầng của bên nhận ủy thác để đảm bảo bên nhận ủy thác có đủ khả năng thực hiện hoạt động ủy thác, nhận ủy thác; Chuyển vốn ủy thác cho bên nhận ủy thác theo tiến độ thực hiện nội dung ủy thác quy định tại hợp đồng ủy thác; Cung cấp cho bên nhận ủy thác các thông tin, tài liệu có liên quan đến ủy thác theo quy định tại hợp đồng ủy thác; Thanh toán phí ủy thác cho bên nhận ủy thác quy định tại hợp đồng ủy thác; Các nghĩa vụ khác theo quy định tại hợp đồng ủy thác, phù hợp với quy định của pháp luật.
4.2. Quyền và nghĩa vụ của bên nhận ủy thác:
Điều 7 Thông tư 30/2014/TT-NHNN quy định về ủy thác và nhận ủy thác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của bên ủy thác. Cụ thể:
Quyền của bên nhận ủy thác vay: Từ chối các yêu cầu của bên ủy thác liên quan đến phạm vi và nội dung ủy thác, đối tượng ủy thác không được quy định tại hợp đồng ủy thác hoặc không đúng quy định pháp luật; Được nhận phí ủy thác theo quy định tại hợp đồng ủy thác; Yêu cầu bên ủy thác cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến ủy thác theo quy định tại hợp đồng ủy thác; Các quyền khác theo quy định tại hợp đồng ủy thác, phù hợp với quy định của pháp luật.
Nghĩa vụ của bên nhận ủy thác vay: Xem xét, đánh giá chức năng, phạm vi hoạt động của bên ủy thác để đảm bảo bên ủy thác được phép thực hiện hoạt động ủy thác, nhận ủy thác theo quy định của pháp luật; Thực hiện đúng nội dung, phạm vi ủy thác được quy định tại hợp đồng ủy thác; Thực hiện kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn ủy thác của đối tượng ủy thác theo quy định tại hợp đồng ủy thác;
5. Trường hợp nào không được ủy thác, nhận ủy thác?
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được ủy thác, nhận ủy thác cho vay đối với các trường hợp dưới đây:
– Đối tượng ủy thác thuộc các trường hợp không được cấp tín dụng như thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần, pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn;Cha, mẹ, vợ, chồng, con của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương, …(quy định tại Điều 126, Điều 127 Luật các tổ chức tín dụng) và quy định của Ngân hàng Nhà nước về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
– Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô không được ủy thác, nhận ủy thác cho thuê tài chính.
– Tổ chức tín dụng (trừ ngân hàng thương mại), chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được ủy thác, nhận ủy thác góp vốn, mua cổ phần.
– Ngân hàng thương mại không được ủy thác, nhận ủy thác góp vốn, mua cổ phần đối với các đối tượng ủy thác thuộc các trường hợp các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác là cổ đông, thành viên góp vốn của chính tổ chức tín dụng đó.
– Tổ chức tín dụng (trừ công ty tài chính), chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được ủy thác, nhận ủy thác đầu tư vào dự án sản xuất, kinh doanh.
– Công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô không được ủy thác, nhận ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp.
– Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được ủy thác, nhận ủy thác mua trái phiếu của tổ chức tín dụng khác, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết: Thông tư 30/2014/TT-NHNN ngày 06/11/2014 quy định về ủy thác và nhận ủy thác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.