Pháp luật tài chính đất đai là tổng thể các quy định pháp luật điều chỉnh quan hệ xã hội liên hệ đất đai. Vậy pháp luật tài chính đất đai là gì? Các nguyên tắc của pháp luật tài chính đất đai? Để hiểu rõ hơn vấn đề này hãy tham khảo bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Pháp luật tài chính đất đai là gì?
Như đã biết, pháp luật là hệ thống những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do nhà nước được ban hành hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị và là nhân tố điều chỉnh các quan hệ xã hội phát triển phù hợp với lợi ích của giai cấp mình. Kết hợp với khái niệm tài chính đất đai phía trên ta có thể tạm thời hiểu khái niệm về pháp luật tài chính đất đai như sau:
Pháp luật tài chính đất đai bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội về các nghĩa vụ vật chất hay còn gọi là các khoản thu tài chính liên quan đến quyền sử dụng đất mà các nghĩa vụ này sẽ do người sử dụng đất thực hiện đối với Nhà nước.
Pháp luật về tài chính đất đai có nhiều bộ phận hợp thành điều chỉnh nhiều quan hệ xã hội tương ứng với các khoản thu khác nhau. Có thể khái quát cụ thể như sau:
Một là, các quy định về nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất dựa trên cơ sở thu là giá trị đất khi họ xác lập quyền sử dụng đất. Các nghĩa vụ này có thể bao gồm các quy định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi Nhà nước cho thuê đất, tiền phải trả khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất.
Hai là, các quy định về nghĩa vụ trả tiền của người sử dụng đất dựa trên cơ sở thu là giá trị tăng thêm và giá trị đất trong quá trình sử dụng đất. Các quy định này bao gồm các quy định về thuế sử dụng đất, thuế thu nhập khi thực hiện giao dịch đất đai, lệ phí trước bạ.
Về cơ bản, tham gia vào nghĩa vụ sẽ gồm người có quyền, người có nghĩa vụ và đối tượng của nghĩa vụ. Đối tượng của nghĩa vụ chính là nội dung sự đáp ứng của chủ thể có nghĩa vụ với chủ thể có quyền. Theo đó, trong quan hệ nghĩa vụ ở đây có đối tượng của nghĩa vụ là trả tiền, bên có quyền là Nhà nước, bên có nghĩa vụ là người sử dụng đất. Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu về đất đai có quyền quyết định chính sách tài chính về đất đai, do đó các nghĩa vụ này thuộc loại nghĩa vụ do luật định, không phải là nghĩa vụ theo ý chí, phát sinh từ hợp đồng hoặc ngoài hợp đồng.
2. Nguyên tắc của pháp luật đất đai :
Về tổng quan, pháp luật tài chính đất đai là một khía cạnh của pháp luật đất đai nên trước hết phải tuân thủ theo các nguyên tắc chung của pháp luật đất đai. Theo quy định pháp luật đất đai hiện hành, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật đất đai bao gồm:
– Nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu.
– Nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo quy hoạch và theo pháp luật.
– Nguyên tắc sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, khuyến khích người sử dụng đầu tư làm tăng khả năng sinh lợi của đất .
3. Nguyên tắc của pháp luật tài chính về đất đai:
Trên cơ sở kế thừa từ các nguyên tắc của pháp luật đất đai, đồng thời có giữ mối liên kết với các nguyên tắc tài chính, pháp luật tài chính về đất đai sẽ bao gồm một số nguyên tắc sau:
– Thứ nhất, Nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý pháp luật tài chính về đất đai theo quy hoạch và theo pháp luật.
Sự thống nhất của Nhà nước đối với quản lý pháp luật tài chính về đất đai được thể hiện ở 4 mặt sau:
+ Đất đai được xem là một chính thể của đối tượng quản lý.
+ Sự thống nhất về nội dung quản lý tài chính về đất đai, coi đất đai là một tài sản đặc biệt, điều này quyết định những việc làm cụ thể của Nhà nước khi thực hiện chức năng quản lý của mình.
+ Sự thống nhất về cơ chế quản lý, nhất là thống nhất trong việc phân công, phân cấp thực hiện các nội dung quản lý Nhà nước về tài chính đất đai | trên phạm vi cả nước, từng vùng và trong những tình huống quản lý cụ thể, thống nhất này đảm bảo cho việc quản lý Nhà nước về tài chính đất đai được nhất quán và không trùng sót.
+Thống nhất về cơ quan quản lý tài chính về đất đai.
– Thứ hai, Nguyên tắc sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, khuyến khích người sử dụng đầu tư làm tăng khả năng sinh lợi của đất.
Để đảm bảo nguyên tắc này phải tuân theo những điều kiện sau: + Sử dụng đất trước hết phải theo quy hoạch và kế hoạch chung.
+ Đất đai phải sử dụng đúng mục đích mà cơ quan có thẩm quyền đã quyết định.
+ Tận dụng mọi đất đai vào sản xuất nông nghiệp, khai thác đất đai có hiệu quả, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân nhận đất trống, đồi núi trọc để sử dụng vào mục đích nông nghiệp.
+ Tăng cường hiệu suất sử dụng đất, thâm canh tăng vụ, bố trí lại cây con hợp lý trong sản xuất, phân công lại lao động, dân cư, ...
Nhà nước khuyến khích các hành vi cải tạo, bồi bổ, đầu tư làm tăng khả năng sinh lợi của đất. Các chủ thể sử dụng đất có nghĩa vụ bắt buộc phải cải tạo, bồi bổ, làm tăng độ màu mỡ của đất, hạn chế khả năng đất bị rửa trôi, bạc màu do thiên tai gây ra ở mức thấp nhất. Nghiêm cấm các hành vi hủy hoại đất đai, làm đất bạc màu.
– Thứ ba, Thực hiện nguyên tắc kết hợp quản lý pháp luật tài chính về đất đai theo ngành với quản lý theo địa phương và vùng lãnh thổ.
Bộ máy quản lý cần phải được tổ chức vừa theo hệ thống chuyên ngành thống nhất từ Trung ương xuống địa phương trong cả nước, đồng thời chịu sự chỉ đạo song trùng của các cấp chính quyền địa phương. Cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý theo ngành của Bộ Tài chính và các cơ quan trung ương đối với toàn bộ hoạt động tài chính đất đai, đồng thời cần quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cấp chính quyền và cơ quan ở cấp địa phương đối với hoạt động tài chính đất đai diễn ra trên địa bàn ở địa phương. Những yêu cầu này cần được quy định rõ trong các văn bản pháp luật của Nhà nước về chức năng nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước trung ương và địa phương trong quản lý tài chính đất đai.
Thứ tư, Nguyên tắc công khai, minh bạch
Công khai là để mọi người đều được biết, minh bạch là làm cho mọi việc trở nên rõ ràng, dễ hiểu. Pháp luật tài chính đất đai phải công khai, minh bạch xuất phát từ đòi hỏi chính đáng của người sử dụng đất với tư cách là người tiền cho nhà nước. Quy tắc chung về tính minh bạch gồm các nội dung chủ yếu là:
– Nguồn thu tài chính phải đảm bảo tính toàn diện, điều này có nghĩa là các hoạt động trong và ngoài việc thu tài chính đều được phản ánh vào tài liệu trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
– Đảm bảo tính khách quan độc lập. Các cấp, các đơn vị, các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải công khai tổng kết tổng nguồn thu và số tiền thu tài chính, nội dung công khai theo các biểu mẫu quy định, thời gian công khai được quy định rõ đối với từng cấp, đơn vị, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
Thứ năm, Nguyên tắc đảm bảo trách nhiệm, Nhà nước phải đảm bảo trách nhiệm trước nhân dân về toàn bộ quá trình quản lý và thực thi pháp luật tài chính đất đai. Chịu trách nhiệm hữu hiệu bao gồm khả năng điều trần và gánh chịu hậu quả.