Quản lý đối với dự án đầu tư là điều vô cùng cần thiết đối với Nhà nước. Các cơ quan nhà nước thực hiện hoạt động quản lý, kiểm soát ngay từ các giai đoạn đầu của dự án đâu tư. Hoạt động quản lý đó được thể hiện qua việc đăng ký đầu tư. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chính là gì?
Mục lục bài viết
1. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là gì?
Đăng ký đầu tư có thể được xem như là một dạng đặc biệt của thủ tục hành chính. Khi nghiên cứu khái niệm và đặc điểm của thủ tục hành chính chúng ta có thể phân tích đôi nét về đăng ký đầu tư như sau: Đăng ký đầu tư là tổng thể những hoạt động cụ thể mang tính pháp lý cần thiết phải tiến hành theo trình tự, thủ tục nhất định do pháp luật đầu tư quy định nhằm thực hiện quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quá trình đầu tư và quản lý đầu tư. Đăng ký đầu tư là chuỗi những hoạt động cụ thể của nhà đầu tư và cơ quan quản lý về đầu tư trước khi tổ chức thực hiện dự án đầu tư. Do đó, đăng ký đầu tư là hoạt động tiền đề, khâu đầu tiên và là cơ sở cho những bước tiếp theo.
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chính là kết quả của hoạt động đăng ký đầu tư. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thể hiện sự cho phép của Nhà nước để thực hiện dự án đầu tư, hay nói cách khác nó thể hiện việc Nhà nước đồng ý để các chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư/
Chủ thể cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đó chính là cơ quan nhà nước và chủ thể thực hiện hoạt động đăng ký đó chính là các nhà đầu tư. Chủ thể của đăng ký đầu tư là Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư và các nhà đầu tư được điều chỉnh bởi Luật đầu tư Để bảo vệ lợi ích của các cá nhân, tổ chức và toàn xã hội, pháp luật quy định những chủ thể được tham gia quan hệ pháp luật đầu tư và những điều kiện cần đáp ứng để tham gia các quan hệ đó. Các chủ thể đáp ứng các điều kiện do pháp luật quy định để tham gia quan hệ đầu tư được coi là có năng lực chủ thể pháp luật đầu tư (năng lực pháp luật và năng lực hành vi), bao gồm: nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư.
Quan hệ pháp luật về đăng ký đầu tư là quan hệ phát sinh giữa các nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư trong quá trình xem xét và cấp giấy chứng nhận đầu tư. Quan hệ này luôn tồn tại hai nhóm chủ thể có địa vị pháp lý khác nhau (không bình đẳng): một bên là cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư và một bên là các nhà đầu tư được điều chỉnh bởi pháp luật về đăng ký đầu tư. Để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đầu tư, Nhà nước phải thông qua các cơ quan nhà nước về đầu tư với sự phân công, phân cấp về thẩm quyền quản lý cho từng cơ quan quản lý một cách phù hợp.
Nội dung của đăng ký đầu tư là các hoạt động cụ thể mang tính pháp lý cần thiết phải thực hiện Nội dung của đăng ký đầu tư là một bộ phận của quan hệ pháp luật về đăng ký đầu tư, cùng với chủ thể và khách thể của đăng ký đầu tư tạo nên quan hệ pháp luật về đăng ký đầu tư. Quan hệ pháp luật về đăng ký đầu tư là quan hệ xuất hiện do ý chí của các nhà đầu tư, thông qua hoạt động của các bên tham gia quan hệ : cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư và nhà đầu tư .Các bên tham gia quan hệ bày tỏ ý chí của mình bằng việc tiến hành một hoặc một số hành động nhất định: nhà đầu tư thực hiện lập
Quan hệ pháp luật về đăng ký đầu tư xuất hiện trên cơ sở quy phạm pháp luật về đầu tư đối với các bên tham gia quan hệ: nhà đầu tư được quyền thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luât. Nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư có quyền và nghĩa vụ pháp lý được nhà nước đảm bảo thực hiện, đó là cách xử sự của các bên tham gia quan hệ pháp luật về đăng ký đầu tư là do pháp luật về đăng ký đầu tư quy định và đảm bảo thực hiện. Khi quan hệ pháp luật về đầu tư xuất hiện trên thực tế cuộc sống, các bên tham gia có các quyền và nghĩa vụ pháp lý đã được pháp luật về đầu tư xác định trước. Để tham gia vào quan hệ nhà đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư phải có những điều kiện nhất định. Những điều kiện này được pháp luật quy định khác nhau đối với từng loại quan hệ xuất hiện trên thực tế trong quá trình thực hiện dự án đầu tư của các nhà đầu tư.
Mục đích của đăng ký đầu tư là để đảm bảo sự quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư cũng như các hoạt động kinh doanh nói chung, tránh lãng phí, thất thoát và kém hiệu quả trong đầu tư. Đồng thời thông qua đó nhà nước thừa nhận tính hợp pháp của hoạt động đầu tư, từ đó có cơ sở pháp lý để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư. Bản chất của việc đăng ký đầu tư là sự công nhận, thừa nhận của nhà nước đối với sự tồn tại nhà đầu tư. Do vậy, mục đích của nhà nước là hướng đến sự quản lý đối với các hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư và đảm bảo cho hoạt động đó trên thực tiễn. Đồng thời, mục đích của nhà đầu tư là được hoạt động kinh doanh và được bảo vệ về quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tiếng Anh là: Investment registration certificate
2. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:
Hiện nay, không có quy định cụ thể nào thể hiện rõ nội dung về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, xuất phát từ các quy định pháp luật, chúng ta có thể hiểu để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, dự án đầu tư phải đáp ứng quy định về điều kiện thực hiện dự án đầu tư, cụ thể như các điều kiện về
– Ngành, nghề đầu tư kinh doanh phải thỏa mãn việc không thuộc ngành, nghề cấm kinh doanh. Đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì phải đảm bảo được điều kiện kinh doanh. Đối với nhà đầu tư nước ngoài thì nhóm ngành, nghề đầu tư không thuộc nhóm ngành, nghề hạn chế tiếp cận,…
– Hình thức đầu tư. Tiêu chí này đặc biệt lưu ý đối với các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
– Địa bàn đầu tư
– Vốn đầu tư
– Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư
– Quy hoạch đầu tư
Ngoài ra có rất nhiều điều kiện khác mà chúng tôi sẽ cung cấp chi tiết hơn qua các bài viết khác.
3. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:
Hình thức của đăng ký đầu tư được tiến hành theo trình tự, thủ tục nhất định do pháp luật đầu tư quy định Nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư phải tiến hành hoạt động đăng ký đầu tư theo thứ tự các bước thực hiện, cách thức thực hiện, những loại giấy tờ mà nhà đầu tư cần phải nộp và yêu cầu, điều kiện do pháp luật quy định để giải quyết việc đăng ký đầu tư của nhà đầu tư. Hoạt động này đòi hỏi các chủ thể trong quan hệ đăng ký đầu tư phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật đầu tư và pháp luật khác có liên quan.
Chủ thể có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thuộc về hai nhóm chủ thể đó chính là Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Thẩm quyền của hai nhóm chủ thể này được quy định khác nhau đối với từng loại dự án đầu tư và được quy định chi tiết tại Điều 34 của Nghị định số 31/2021/NĐ- CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 do Chính phủ ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
Đối với các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, thì sau khi có quyết định chủ trương đầu tư thì các cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sẽ thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Còn đối với các dự án không thuộc trường hợp chấp thuận chủ trương đầu tư, thì chủ dự án đầu tư sẽ nộp hồ sơ theo quy định lên cơ quan đăng ký đầu tư. Cơ quan đăng ký đầu tư sẽ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ do nhà đầu tư nộp lên và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư theo thời hạn quy định. Thủ tục này được quy định cụ thể tại Điều 36 Nghị định số 31/2021/NĐ- CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 do Chính phủ ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
* Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Luật Đầu tư năm 2020;
– Nghị định số 31/2021/NĐ- CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 do Chính phủ ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.