Kháng nghị của Viện kiểm sát về thi hành án dân sự? Giải quyết kháng nghị thi hành án dân sự?
Sau khi có quyết định thi hành án hoặc các hành vi thi hành án của thủ trưởng cơ quan thi hành án, nếu Viện kiểm sát nhận thấy các quyết định, hành vi thi hành án dân sự này có sai phạm trong việc thực hiện pháp luật thì Viện kiểm sát có quyền kháng nghị về thi hành án dân sự theo quy định của Luật thi hành án dân sự. Việc kháng nghị được Viện Kiểm sát kháng nghị và việc giải quyết kháng nghị về thi hành án dân sự được cơ quan có thẩm quyền giải quyết kháng nghị theo quy định và trình tự của pháp luật. Vậy quy định kháng nghị, giải quyết kháng nghị về thi hành án dân sự được pháp luật nước ta quy định như thế nào? Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia sẽ đi vào tìm hiểu những quy định liên quan để giúp người đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Tổng đài Luật sư
Cơ sở pháp lý:
–
1. Kháng nghị của Viện kiểm sát về thi hành án dân sự?
Thi hành án dân sự theo quy định được hiểu là hoạt động thực hiện các nội dung của bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trên thực tế.
Có thể thấy thi hành án dân sự bao gồm các hoạt động như cấp, chuyển giao bản bản án, quyết định dân sự; giả thích bản bản án, quyết định dân sự, tự thi hành án của người phải thi hành án; gửi đơn yêu cầu thi hành án; ra quyết định thi hành án; ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án; ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án; quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án, tổ chức cưỡng chế thi hành án…Thi hành án được cơ quan thi hành án thực hiện theo quy định của Luật thi hành án.
Kháng nghị thi hành án được hiểu là hành vi tố tụng của Viện Kiểm sát, Viện kiểm sát thể hiện sự phản đối đối với các quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự khi có căn cứ cho rằng các quyết định, các hành vi này là vi phạm pháp luật hoặc có sai sót trong quá trình thực hiện.
Quyền kháng nghị của Viện kiểm sát được quy định tại Điều 160 Luật thi hành án dân sự 2008 sửa đổi, bổ sung 2014 như sau:
– Chủ thể kháng nghị: Viện kiểm sát kháng nghị.
– Đối tượng bị kháng nghị: thực hiện kháng nghị đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.
– Thời hạn kháng nghị: Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, kháng nghị của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày. Thời hạn này được tính kể từ ngày nhận được quyết định hoặc phát hiện hành vi vi phạm.
Như vậy, Viện kiểm sát có quyền kháng nghị đối với quyết định thi hành án, hành vi thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới. Trong thời hạn quy định nêu trên, nếu Viện kiểm sát không thực hiện kháng nghị thì sẽ không có quyền kháng nghị. Việc kháng nghị này nhằm mục đích yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét lại các quyết định thi hành án, hành vi thi hành án sai phạm pháp luật, bảo đảm quyền và nghĩa vụ cho các bên liên quan, đảm bảo sự công bằng và chính xác trong việc thực hiện pháp luật, tránh việc thi hành án sai sót.
2. Giải quyết kháng nghị thi hành án dân sự?
Trả lời kháng nghị của Viện kiểm sát được quy định tại Điều 161 Luật thi hành án dân sự 2008 sửa đổi, bổ sung 2014 như sau:
– Trách nhiệm giải quyết kháng nghị của Viện kiểm sát: Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm trả lời kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân đối với quyết định, hành vi về thi hành án của mình hoặc của Chấp hành viên thuộc quyền quản lý.
– Thời hạn giải quyết kháng nghị của Viện kiểm sát: trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được kháng nghị.
– Sau khi nhận kháng nghị của Viện kiểm sát, nếu chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải thực hiện kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân. Thời hạn thực hiện kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân là trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có văn bản trả lời kháng nghị,
– Trường hợp Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự không nhất trí với kháng nghị của Viện kiểm sát thì giải quyết như sau:
+ Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện nơi có quyết định, hành vi bị kháng nghị: Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện phải báo cáo với Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.
Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh sau khi nhận được báo cáo phải thực hiện xem xét, trả lời trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo
Theo đó văn bản trả lời của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có hiệu lực thi hành kể từ ngày trả lời.
+ Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có quyết định, hành vi bị kháng nghị: Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh phải báo cáo với Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp xem xét và trả lời báo cáo của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo.
Văn bản trả lời của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành kể từ ngày trả lời.
+ Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu có quyết định, hành vi bị kháng nghị: Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu phải báo cáo với Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng và Viện kiểm sát quân sự trung ương.
Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng phải xem xét và trả lời Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo.
Văn bản trả lời của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng có hiệu lực thi hành kể từ ngày trả lời.
– Trường hợp xét thấy văn bản trả lời kháng nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp, Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Quốc phòng không có căn cứ thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét lại văn bản trả lời đã có hiệu lực thi hành của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét lại văn bản trả lời đã có hiệu lực thi hành của Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu, Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng.
Theo đó thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có trách nhiệm xem xét và trả lời bằng văn bản cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về vấn đề mà Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Như vậy, qua phân tích ở trên có thể thấy, Viện kiểm sát có quyền kháng nghị đối với quyết định thi hành án, hành vi thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới trong thời hạn quy định. Theo đó thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm trả lời kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân đối với quyết định, hành vi về thi hành án của mình hoặc của Chấp hành viên thuộc quyền quản lý. Nếu kháng nghị được chấp nhận thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải thực hiện kháng nghị. Nếu kháng nghị không được chấp nhận thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh phải báo cáo với Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp và Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu phải báo cáo với Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng và Viện kiểm sát quân sự trung ương để Bộ trưởng Bộ tư pháp, Bộ trưởng Bộ quốc phòng tiến hành trả lời.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Dương Gia về quy định kháng nghị, giải quyết kháng nghị về thi hành án dân sự.