Trường hợp tạm hoãn phiên tòa? Quy định của pháp luật tố tụng hình sự về việc tạm hoãn phiên tòa và thông báo tạm hoãn phiên tòa đến các đương sự, người bị hại, bị cáo.
Trường hợp tạm hoãn phiên tòa? Quy định của pháp luật tố tụng hình sự về việc tạm hoãn phiên tòa và thông báo tạm hoãn phiên tòa đến các đương sự, người bị hại, bị cáo.
Tóm tắt câu hỏi:
Tư vấn pháp luật Hỏi: Gia đình tôi ở tỉnh C có nhờ ông A là trưởng công an ở tỉnh B chạy việc cho con tôi. Sau khi nghe ông A nói chuyện và khẳng định sẽ giúp chạy việc được cho con tôi nên gđia đình đồng ý đưa tiền chạy việc nghĩa vụ công an cho con tôi. Cũng trong thời gian đó ông A đã nhận chạy việc cho hơn 5 người khác. Tuy nhiên, sau một thời gian hơn 1 năm không thấy ông A động tĩnh nên các gia đình quyết định thỏa thuận lại với ông A và lấy lại số tiền đó. Sau khi hòa giải, ông A có trả một số cho các gia đình và hứa sẽ trả hết sau một thời gian. Sau thời gian không thấy ông A trả nốt nên các gia đình đã báo cáo cho Công an tỉnh điều tra, hồ sơ được viện kiểm sát đưa ra tòa để thành lập hội đồng xét xử. Thời gian xét xử phiên tòa được thông báo, nhưng do gia đình tôi ở tỉnh khác nên họ chỉ thông báo cho các gia đình ở trong tỉnh và nhờ họ thông báo lại cho gia đình tôi. Sau thời gian sắp xếp công việc để kịp thời gian dự tòa thì khi đang trên đường đi có nhận được cuộc gọi cá nhân của một người tự xưng là bên viện kiểm sát gọi điện cho tất cả gia đình người bị hại tạm hoãn lịch ra tòa vì bị cáo bị bệnh không thể hầu tòa. Tiếp theo đến thời điểm phiên tòa thứ hai, gia đình thôi cũng nhận được thông báo qua người bị hại khác. Trước ngày ra tòa 1 ngày, các gia đình người bị hại cũng nhận được số điện thoại cá nhân của người xưng là bên viện kiểm soát trước đó thông báo tạm hoãn phiên tòa do bị cáo đang tìm luật sư biện hộ. Xin hỏi 2 trường hợp tạm hoãn phiên tòa trên có đúng quy định của pháp luật không? Thời gian ra tòa cụ thể không được thông báo cho gia đình tôi bằng văn bản thì có đúng không? Trong trường hợp gia đình tôi ở tỉnh khác và các gia đình người bị hại đều không biết về pháp luật, lợi dụng sơ hở, người nhà bị cáo giả mạo là người của viện kiểm sát gọi điện thông báo cho các gia đình người bị hại để người bị hại vắng mặt trong phiên tòa, từ đó hủy kiện bị cáo. Trường hợp đó chúng tôi phải làm gì và chúng tôi có thể gửi lại đơn kiện không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003;
– Nghị quyết 05/2005/NQ- HĐTP;
2. Nội dung tư vấn:
Theo thông tin bạn cung cấp thì gia đình bạn cùng một số hộ gia đình khác có nhờ ông A "chạy" nghĩa vụ công an cho con. Tuy nhiên, hơn 1 năm mà ông A đã không chạy việc và cũng không thực hiện đúng thỏa thuận với các hộ gia đình, nên các hộ gia đình đã cùng làm đơn tố cáo lên cơ quan công an. Vụ việc đã được điều tra, và đưa ra xét xử. Nhưng thời điểm diễn ra phiên tòa, thì trên đường đi tham gia phiên tòa thì cả hai lần, bạn và các gia đình khác đều nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng bên viện kiểm sát thông báo về tạm hoãn phiên tòa. Để giải đáp các thắc mắc của bạn cần thì cần xem xét các phương diện sau:
Thứ nhất, về việc không thông báo thời gian mở phiên tòa bằng văn bản cho đương sự.
Trước hết, từ những thông tin cung cấp nêu trên, thì vụ việc này đã được tố cáo lên cơ quan công an và cũng được đưa ra xét xử, nên có thể xác định đây là một vụ án hình sự, có dấu hiệu liên quan đến tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, ông A – người đã thực hiện hành vi chiếm đoạt số tiền xin việc (chạy việc) của gia đình bạn và những gia đình khác được xác định là bị cáo tại phiên tòa khi bị khởi tố về hình sự. Còn gia đình bạn và những gia đình nhờ ông A xin việc cho con nhưng đã bị lừa đảo được xác định là người bị hại trong vụ việc này. Do vậy, về thủ tục, trình tự xét xử sẽ được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.
Căn cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì khi thụ lý một vụ án hình sự, Tòa án phải quyết định có đưa vụ án ra xét xử hay không. Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Tòa án phải mở phiên tòa (theo khoản 2 Điều 176 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003).
Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm được lập thành văn bản, trong đó đã thể hiện cụ thể về ngày, tháng, năm mở phiên tòa, và các nội dung khác theo quy định (Điều 178 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003). Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải được giao cho bị cáo hoặc người đại diện của họ; gửi cho người bào chữa, bị hại, đương sự chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên tòa (khoản 1 Điều 182 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003).
Do vậy, việc Tòa án thông báo thời gian xét xử phiên tòa cho gia đình ở trong tỉnh rồi nhờ họ thông báo lại cho gia đình bạn do gia đình bạn ở ngoài tỉnh có Tòa án là hoàn toàn không đúng với trình tự, thủ tục tố tụng hình sự.
Thứ hai, về các trường hợp hoãn phiên tòa vì lý do bị cáo bị bệnh không có mặt tại phiên tòa và vì lý do bị cáo đang tìm luật sư biện hộ có được xác định là đúng pháp luật?
Theo Điều 187 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2003 thì về sự có mặt tại phiên tòa của bị cáo thì có quy định:
"Điều 187. Sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa
1. Bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án; nếu vắng mặt không
có lý do chính đáng thì bị áp giải theo thủ tục quy định tại Điều 130 của Bộ luật này; nếu bị cáo vắng mặt có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên tòa.
Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo khác thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh.
Nếu bị cáo trốn tránh thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo.
2. Tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp:
a) Bị cáo trốn tránh và việc truy nã không có kết quả;
b) Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa;
c) Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận;
d) Nếu sự vắng mặt của bị cáo không trở ngại cho việc xét xử và họ đã được giao giấy triệu tập hợp lệ."
Căn cứ theo quy định tại Điều 187 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2003 thì việc hoãn phiên tòa khi không có sự vắng mặt của bị cáo tại phiên tòa chỉ áp dụng trong trường hợp bị cáo vắng mặt có lý do chính đáng. Nếu bị cáo vắng mặt không có lý do chính đáng thì phải bị áp giải đến phiên tòa.
Theo quy định tại tiểu mục 5.1, mục 5 Phần I Nghị quyết 05/2005/NQ- HĐTP có hướng dẫn về lý do chính đáng trong kháng cáo quá hạn, theo đó lý do chính đáng là những trường hợp bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác mà người kháng cáo không thể thực hiện được việc kháng cáo, ví do do thiên tai, lũ lụt; do ốm đau, tai nạn phải nằm viện để điều trị… Có thể hiểu, lý do chính đáng là những trường hợp bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm người có quyền, nghĩa vụ không thể thực hiện được quyền nghĩa vụ của mình.
>>> Luật sư tư vấn trường hợp tạm hoãn phiên tòa: 1900.6568
Căn cứ quy định trên, lý do bị bệnh mà bị cáo không có mặt tại phiên tòa sơ thẩm có thể được xem xét như một lý do chính đáng để hoãn phiên tòa. Còn đối với lý do vắng mặt vì không tìm được luật sư biện hộ không được xem là một sự kiện bất khả kháng hay trở ngại khách quan để hoãn phiên tòa. Bởi theo quy định thì quyết định đưa vụ án ra xét xử thể hiện rõ thời gian mở phiên tòa phải được giao cho bị cáo chậm nhất là 10 ngày trước khi chính thức mở phiên tòa, thời gian này đủ để bị cáo tìm được luật sư biện hộ, bào chữa cho mình. Hơn nữa, luật sư biện hộ, bảo vệ quyền và lợi ích của bị cáo có thể tham gia vào các giai đoạn của quá trình tố tụng, từ giai đoạn điều tra, đến tham dự phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm… nên lý do bị cám chưa tìm được luật sư bào chữa không được xem là một lý do chính đáng để tạm hoãn phiên tòa.
Thứ ba, về việc thông báo việc tạm hoãn phiên tòa bằng biện pháp gọi điện thoại cho người bị hại bằng số điện thoại cá nhân có hợp pháp?
Hiện nay trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 không có quy định rõ về việc ra quyết định hoãn phiên tòa và thông báo về việc hoãn phiên tòa. Tuy nhiên, tại Điều 194 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 có quy định thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm không được quá ba mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa. Qua điều này cho thấy, việc tạm hoãn phiên tòa phải được lập thành văn bản dưới dạng quyết định hoãn phiên tòa, không phụ thuộc vào lý do hoãn phiên tòa là gì.
Qua phân tích ở trên, việc tạm hoãn phiên tòa phải được thể hiện bằng văn bản và thông báo bằng các hình thức theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Việc thông báo tạm hoãn phiên tòa do một người tự xưng là người bên Viện kiểm sát thực hiện thông qua việc gọi điện thoại thông báo bằng số điện thoại cá nhân được xác định là không đúng với trình tự, thủ tục tố tụng hình sự.
Do vậy, bạn và những gia đình này chỉ được thông báo về việc tạm hoãn phiên tòa qua số điện thoại cá nhân nên bạn hoàn toàn có quyền nghi ngờ về tính hợp pháp, tính xác thực của thông báo này, và nghi ngờ về tư cách của người tự xưng là người của bên viện kiểm sát này. Trong trường hợp này hoàn toàn có khả năng có người giả mạo là người của viện kiểm sát để thực hiện việc thông báo cho các gia đình người bị hại để người bị hại vắng mặt trong phiên tòa nhằm mục đích kéo dài thời gian đưa vụ án này ra xét xử. Bởi theo quy định tại Điều 194 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2003:
"Điều 191. Sự có mặt của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ
1. Nếu người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.
2. Nếu thấy sự vắng mặt của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự chỉ trở ngại cho việc giải quyết vấn đề bồi thường thì Hội đồng xét xử có thể tách việc bồi thường để xét xử sau theo thủ tục tố tụng dân sự".
Trong trường hợp này khi gia đình của những người bị hại vắng mặt thì tùy từng trường hợp mà Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử. Trong trường hợp Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa thì việc không có mặt tại phiên tòa của những người bị hại tại thời điểm mở phiên tòa thì sẽ dẫn đến việc thời gian xét xử vụ án bị kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình bạn. Trong trường hợp Tòa án vẫn tiến hành xét xử thì việc gia đình bạn không có mặt tại phiên tòa sẽ gây khó khăn trong việc xác minh sự thật của vụ án, và việc xét xử có thể không khách quan, công bằng, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình những người bị hại, trong đó có gia đình bạn.
Như vậy, trong trường hợp này, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, gia đình bạn nên thực hiện việc gửi đơn đề nghị, phản ánh hoặc đơn khiếu nại lên Tòa án xét xử sơ thẩm hoặc cơ quan Viện kiểm sát cùng cấp để phản ánh về trình tự, thủ tục hoãn phiên tòa và thủ tục thông báo thời gian mở phiên tòa của Tòa án. Từ đó, thực hiện việc xác định sự thật về người tự xưng là Viện kiểm sát gọi điện thông báo về việc tạm hoãn phiên tòa này, để được can thiệp giải quyết.