Luật sư tư vấn về cách tính lương, phụ cấp thâm niên hàng tháng. Quy định về cách tính các khoản tiền trừ vào lương của người lao động.
Luật sư tư vấn về cách tính lương, phụ cấp thâm niên hàng tháng. Quy định về cách tính các khoản tiền trừ vào lương của người lao động.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư. Cho tôi hỏi. Hiện nay tôi là giáo viên tiểu học đang trực tiếp đứng lớp. Hạng II, hệ số 4,32 được hưởng từ ngày 1/9/2017. Từ 1/9/2017 hưởng phụ cấp thâm niên lên 21%. Xin luật sư chỉ dùm cách tính lương, phụ cấp thâm niên hàng tháng. Hướng dẫn cụ thể cho tôi biết cách tính các khoản trừ vào lương gồm: Bảo hiểm xã hội 8%; bảo hiểm y tế 5%, bảo hiểm thất nghiệp 1%, Kinh phí công đoàn 1%. Tôi xin cám ơn trước.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
+ Thông tư liên tịch 68/2011/TTLT- BGDĐT- BNV- BTC- BLĐTBXH.
+ Luật bảo hiểm xã hội năm 2014
+ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
2. Nội dung tư vấn
Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn hiện đang là giáo viên tiểu học, và đang trực tiếp đứng lớp; đồng thời là hạng II, hưởng lương với hệ số 4,32 từ ngày 01/09/ 2017, hưởng phụ cấp thâm niêm 21%.
Dựa vào những thông tin này, có thể xác định bạn là công chức, viên chức hoặc người lao động làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. Trong trường hợp này để xác định mức lương, mức phụ cấp thâm niêm hàng tháng mà bạn được nhận, và các khoản khấu trừ vào lương như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn thì cần xem xét các phương diện sau:
Thứ nhất, về cách tính mức lương của bạn.
Như đã phân tích, bạn là giáo viên trong một trường tiểu học, được trực tiếp đứng lớp, và hưởng lương theo hệ số nên trong trường hợp này bạn có thể là công chức, viên chức hoặc người lao động làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Căn cứ theo Thông tư 02/2017/TT- BNV ngày 12 tháng 05 năm 2017 của Bộ nội vụ hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, Tổ chức chính trị xã hội thì cách tính mức lương của bạn sẽ được xác định theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư 02/2017/TT- BNV, cụ thể như sau:
Mức lương thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2017 | = | Mức lương cơ sở 1.300.000 đồng/tháng) | x | Hệ số lương hiện hưởng |
Trong đó, hệ số lương hiện hưởng của bạn theo thông tin cung cấp là 4,32 (được hưởng từ ngày 01/09/2017), do đó áp dụng công thức trên thì mức lương của bạn được xác định bằng:
Mức lương của bạn = 1.300.000 đồng/tháng x hệ số 4,32 = 5.616.000 đồng
Thứ hai, về cách tính phụ cấp thâm niên hàng tháng.
Bạn là nhà giáo đang giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập. Từ ngày 01/09/2017 thì bạn được hưởng khoản phụ cấp thâm niêm là 21%. Trong trường hợp này, để xác định mức phụ cấp thâm niên hằng tháng thì căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư liên tịch 68/2011/TTLT- BGDĐT- BNV- BTC- BLĐTBXH thì:
Mức tiền phụ cấp thâm niên hàng tháng = { hệ số lương theo ngạch, bậc + hệ số phụ cấp, chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng x Mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định từng thời kỳ } x mức % phụ cấp thâm niên được hưởng.
Đồng thời, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Thông tư 02/2017/TT- BNV cũng đã có hướng dẫn cụ thể đối với khoản phụ cấp thâm niên hàng tháng – khoản phụ cấp được tính theo % mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) và được quy định cụ thể như sau:
"Điều 3: Cách tính mức lương, phụ cấp và hoạt động phí:
1. Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động quy định tại các khoản 1, 2, 3, và 4 Điều 1 Thông tư này
…
b) Công thức tính phụ cấp
– Đối với các khoản phụ cấp tính theo % mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có):
Mức phụ cấp thực hiện từ 01/07/2017 = { [ (mức lương thực hiện từ 01/07/2017 + mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo thực hiện từ 01/07/2017 (nếu có) + mức phụ cấp thâm niên vượt khung thực hiện từ 01/01/2017 (nếu có)]} x tỷ lệ % phụ cấp được hưởng theo quy định."
Trong trường hợp cụ thể của bạn, bạn không nói rõ, bạn có được hưởng phụ cấp lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung hay không, do vậy, trong trường hợp này bạn cần căn cứ vào tình hình thực tế của mình để có sự xác định cụ thể.
Thứ ba, cách tính các khoản trừ vào lương gồm: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn.
– Về số tiền đóng bảo hiểm xã hội
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì hằng tháng, người lao động trong đó bao gồm cả công chức, viên chức làm việc trong các đơn vị sư nghiệp công lập sẽ phải trích từ tiền lương một khoản tiền là 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất của bảo hiểm xã hội bắt buộc Trong đó, tiền lương tháng đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do nhà nước quy định được xác định là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
Trong trường hợp của bạn, bạn không nói rõ ngoài tiền lương với hệ số 4,32, và phụ cấp thâm niên nghề với mức 21% thì bạn còn được hưởng khoản tiền phụ cấp nào không. Tuy nhiên, giả sử ngoài tiền lương, và khoản phụ cấp thâm niên nhà giáo bạn không nhận được thêm khoản phụ cấp nào khác, trong trường hợp này, tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của bạn được xác định bằng khoản tiền lương hiện hưởng cộng với số tiền phụ cấp thâm niên nghề giáo của bạn.
Trong trường hợp này, số tiền trích từ tiền lương để đóng bảo hiểm xã hội được xác định như sau:
Số tiền đóng bảo hiểm = 8% x tiền lương tháng = 8% x (5.616.000 + 1.179.360) = 543.628,8 đồng.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật cách tính tiền lương đóng bảo hiểm: 1900.6568
– Số tiền đóng bảo hiểm y tế
Căn cứ theo quy định tại điều 18 Quyết định 595/QĐ-BHXH thì mức đóng bảo hiểm y tế đối với cán bộ, công chức, viên chức hằng tháng bằng 4,5% mức tiền lương tháng, trong đó người sử dụng lao động đóng 3%; người lao động đóng 1,5%. Trong trường hợp này, mức trính đóng từ tiền lương của bạn để đóng bảo hiểm y tế = 1,5% x tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm
– Về số tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp:
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 41 Luật Việc làm năm 2013, thì mức đóng bảo hiểm thất nghiệp được tính trên cơ sở tiền lương của người lao động. Người lao động sẽ đóng bằng 1% tiền lương tháng (theo điểm a khoản 1 Điều 57 Luật việc làm năm 2013).
– Về mức đóng kinh phí, đoàn phí công đoàn:
Căn cứ theo quy định tại Điều 19 Quyết định số 1908/QĐ- TLĐ của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam thì kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng cho tổ chức công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn.
Từ căn cứ này cho thấy, bạn – giáo viên tiểu học sẽ không phải thực hiện việc đóng kinh phí công đoàn, tuy nhiên, nếu là đoàn viên của công đoàn thì bạn sẽ phải đóng đoàn phí công đoàn (theo quy định tại khoản 2 Nghị định 191/2013/NĐ- CP). Cụ thể:
Bạn là giáo viên tiểu học được hưởng lương theo hệ số, được hưởng phụ cấp thâm niêm, và như đã phân tích được xác định là làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. Trong trường hợp này, khi bạn là đoàn viên trong đơn vị sự nghiệp công lập, và mức đóng đoàn phí được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Quyết định 1908/QĐ- TLĐ thì:
"Điều 23. Đối tượng, mức đóng, tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí
1. Đoàn viên ở các công đoàn cơ sở cơ quan nhà nước; Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; đơn vị sự nghiệp hưởng lương theo bảng lương, bậc lương do Nhà nước quy định: mức đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội.
Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương cấp bậc, chức vụ, lương theo
hợp đồng lao động , hợp đồng làm việc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề. Khi tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thay đổi thì tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí công đoàn thay đổi theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội.…".
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Quyết định 1908/QĐ- TLĐ của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam được trích dẫn ở trên thì khi bạn là đoàn viên, tham gia Công đoàn bạn phải đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định về Bảo hiểm xã hội.