Bồi thường thiệt hại khi gây thương tích không thành. Quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Bồi thường thiệt hại khi gây thương tích không thành. Quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Tóm tắt câu hỏi:
Tối ngày 21/4/2017. Em có đi sinh nhật bạn T tại quán Nhậu NC. Do bất đồng quan điểm lúc tính tiền nên em đả ném cái ghế nhựa con về phía bạn N, và bạn N liền cầm chai thuỷ tinh lao vào em. Nhưng sự việc được các bạn xung quanh can thiệp và xử lý ổn thoả. 20 phút sau, em lấy xe ra về thì bạn N cầm hung khí (dao gọt trái cây) đứng đợi em sẳn ở cách quán NC 50m mà em không biết. Do trời tối và em bị cận nên không thấy rỏ. Đến gần cách chổ bạn N đứng tầm 20m thì em mới phá hiện ra là N đang chực sẳn ở đó. Em xử lý tránh N nên đả bị ngã xuống đường. N nhảy đến cầm dao đâm em nhưng do em né được nên không bị thương. Em chỉ bị xây xước nhẹ vì ngã xe. Bây giờ xe em hư hỏng nặng. Vậy mong Luật Dương Gia cho em cách xử lý. Và em có được bồi thường hay kiện bạn N về hành vi trên không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Bạn chia sẻ, N có sử dụng hung khí là dao gọt trái cây để thực hiện hành vi đâm bạn nhưng do bạn né tránh dẫn đến ngã xe, bị xây xước nhẹ nên không bị thương nặng. Tuy nhiên bạn không nêu rõ, khi thực hiện hành vi, N có những hành vi cố ý thực hiện đến cùng việc gây thương tích hay chỉ mang tính đe dọa khiến bạn sợ mà né tránh… Nếu có căn cứ để chứng minh N có hành vi muốn thực hiện đến cùng hành vi muốn đâm bạn thì có thể xem là hành vi phạm tội chưa đạt tại Điều 18 Bộ luật Hình sự 1999: "Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt."
Cụ thể, N có thể bị để truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự 1999:
"1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân."
Theo thông tin bạn cung cấp, vào ngày 21/4/2017, bạn có đi sinh nhật bạn, sau đó có mâu thuẫn với N, N cầm chai thủy tinh tấn công lao vào bạn, sau đó, N lại có hành vi cầm dao để đâm bạn, nhưng do tránh được nên N không đâm được bạn, hành vi của N trong trường hợp này có thể cấu thành tội cố ý gây thương tích, nặng dù không đâm được bạn nhưng trên thực tế, việc N không đâm được là do bạn tránh được chứ không phải N tự nguyện, vì vậy, trong trường hợp này, N có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích ở giai đoạn phạm tội chưa đạt. Tuy nhiên, vấn đề này phụ thuộc vào hành vi thực tế, và quá trình diên biến của vụ việc cũng như kết luận điều tra của cơ quan điều tra. Bạn có thể làm đơn tố cáo hành vi của N đến cơ quan công an để điều tra và xử lý.
Về vấn đề bồi thường: do trong quá trình tránh việc N đâm, bạn có bị xây xát và xe có bị hư hỏng; bạn có quyền yêu cầu bồi thường theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 với nội dung cụ thể như sau:
– Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại (Điều 584): Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
– Căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm (Điều 589)
+ Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.
+ Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.
+ Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: 1900.6568
+ Thiệt hại khác do luật quy định.
– Căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại do sức khỏa bị xâm phạm (Điều 590)
+ Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
+ Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
+ Thiệt hại khác do luật quy định.
+ Một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị hại gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Do đó, bạn có quyền yêu cầu N thực hiện trách nhiệm bồi thường cho bạn về những thiệt hại do hành vi của N gây ra, trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được về mức bồi thường có thể khởi kiện ra Tòa án để xác định mức bồi thường theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.