Tham gia tổ chức công đoàn là tự nguyện hay bắt buộc. Không tham gia công đoàn phải đóng đoàn phí không?
Tham gia tổ chức công đoàn là tự nguyện hay bắt buộc. Không tham gia công đoàn phải đóng đoàn phí không?
Tóm tắt câu hỏi:
Kính gởi Luật Sư, Tôi được đọc thông tin phản hồi của Luật Sư về xiệc "tham gia tổ chức Công đoàn là tự nguyện hay bắt buộc? Người lao động có quyền thôi không gia tổ chức Công đoàn ở đơn vị không?". Việc tham gia tổ chức Công Đoàn là ý chí tự nguyện của NLĐ. Khi tham gia, NLĐ đóng đoàn phí còn DN thì trích nộp kinh phí cho CĐ cấp trên. Vậy DN Tôi có quyền làm đơn ngừng hoạt động CĐ cơ sở gởi CĐ cấp trên không ạ? Có phải Công ty phải nộp kinh phí CĐ truy thu trong thời gian chưa đóng không ạ.(Công ty Tôi chuyển địa bàn, chỉ muốn lập CĐ nội bộ để chăm lo quyền lợi của CBNV thôi). Rất mong Luật Sư giải đáp dùm Tôi. Trân trọng cảm ơn.?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo quy định tại Điều 190 “Bộ luật lao động 2019” về các hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động liên quan đến thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn:
"1. Cản trở, gây khó khăn cho việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động.
2. Ép buộc người lao động thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
3. Yêu cầu người lao động không tham gia hoặc rời khỏi tổ chức công đoàn.
4. Phân biệt đối xử về tiền lương, thời giờ làm việc và các quyền và nghĩa vụ khác trong quan hệ lao động nhằm cản trở việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động."
Có thể thấy, việc tham gia công đoàn là hoàn toàn do sự tự nguyện của người lao động, công ty sẽ không có quyền ép người lao động tham gia vào công đoàn. Về việc chấm dứt hoạt động thì bạn sẽ không có quyền giải thể tổ chức công đoàn cơ sở vì thẩm quyền giải thể sẽ do cơ quan công đoan cấp trên trực tiếp thực hiện nếu công đoàn cơ sở không còn đủ điều kiện để tiếp tục hoạt động. Căn cứ quy định tại Điều 16 Điều lệ công đoàn Việt Nam 2013:
"1. Điều kiện thành lập Công đoàn cơ sở:
a. Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn, được thành lập ở các Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi có ít nhất năm đoàn viên Công đoàn hoặc năm người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.
b. Nghiệp đoàn là tổ chức cơ sở của Công đoàn, tập hợp những người lao động tự do hợp pháp cùng ngành, nghề, được thành lập theo địa bàn hoặc theo đơn vị lao động khi có ít nhất mười đoàn viên Công đoàn hoặc mười người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.
2. Hình thức tổ chức Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn:
a. Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn không có Tổ Công đoàn, Tổ Nghiệp đoàn.
b. Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn có Tổ Công đoàn, Tổ Nghiệp đoàn.
c. Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn có Công đoàn bộ phận, Nghiệp đoàn bộ phận.
d. Công đoàn cơ sở có Công đoàn cơ sở thành viên.
3. Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn không đủ điều kiện tồn tại và hoạt động, Công đoàn cấp trên trực tiếp xem xét quyết định giải thể."
Về việc công ty bạn có bị truy thu khoản kinh phí công đoàn khi không nộp thì vẫn sẽ bị truy thu, căn cứ quy định tại Điều 26 Luật công đoàn 2012:
"Tài chính công đoàn gồm các nguồn thu sau đây:
1. Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam;
2. Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động;
3. Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ;
4. Nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài."
Đồng thời theo quy định tại Điều 24c Nghị định 88/2015/NĐ-CP về xử phạt vi phạm về đóng phí công đoàn:
"1. Phạt tiền với mức từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Chậm đóng kinh phí công đoàn;
b) Đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định;
c) Đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng.
2. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ người lao động thuộc đối tượng phải đóng.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày có quyết định xử phạt, người sử dụng lao động phải nộp cho tổ chức công đoàn số tiền kinh phí công đoàn chậm đóng, đóng chưa đủ hoặc chưa đóng và số tiền lãi của số tiền kinh phí công đoàn chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.”
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Vậy dù công ty bạn có lập công đoàn hay không thì vẫn yêu cầu phải nộp kinh phí công đoàn là 2%, nếu công ty bạn cố ý không đóng sẽ phải bị xử phạt theo quy định trên và còn bị buộc truy thu khoản tiền mà chưa đóng công thêm mức lãi chậm đóng theo mức lãi suất tiền gửi không kì hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.