Đăng tải thông tin sai sự thật của cửa hàng xử lý thế nào? Hành vi xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi là người bán có một khách hàng mua hàng tại cửa hàng nhà tôi. Một hôm họ đem sữa milo đến bảo đổi cho họ tôi hỏi sữa làm sao rồi họ nói sữa giả, tôi khẳng định nhà tôi không bán sữa giả. Rồi họ về nhà tối viết bài và quay video. Họ nêu đúng tên và địa chỉ cửa hàng của tôi sau đó đưa lên Facebook và còn khuyến cáo mọi người không nên mua hàng nhà tôi nữa từ đó khách quen nhà tôi giảm hẳn vậy đó có phải là xúc phạm uy tín không và tôi đã báo cho công ty bắt họ gỡ bỏ video và bai viết đó nhưng khách vẫn xì xào và không dám mua hàng vậy mong luật sư tư vấn xem tôi nên làm như thế nào và họ phải chịu trách nhiệm gì với bài đăng đó?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
– Căn cứ Điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin như sau:
“3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
…
g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;”
Như vậy, đối với hành vi đưa thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Do đó, trong trường hợp này bạn cần tố cáo
– Căn cứ Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
“Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này”
Như vậy, đối với hành vi của người khách hàng là hành vi vi phạm quy định của pháp luật, gây thiệt hại về thu nhập và uy tín, danh dự cho cửa hàng, tức xâm hại đến tài sản, danh dự, uy tín của người chủ cửa hàng. Do đó, hành vi của người khách hàng có thể phát sinh trách nhiệm bồi thường dân sự ngoài hợp đồng theo quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 nêu trên.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
– Căn cứ Điều 592 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm như sau:
“Điều 592. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm
1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
c) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”
Như vậy, để yêu cầu bồi thường tổn thất về danh dự, nhân phẩm của mình đồng thời ảnh hưởng đến thu nhập thực tế bị giảm sút thì bạn có quyền làm đơn khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết về hành vi xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm này.