Tư vấn về giải quyết tranh chấp đất đai các hộ gia đình liền kề. Tranh chấp đất đai.
Tư vấn về giải quyết tranh chấp đất đai các hộ gia đình liền kề. Tranh chấp đất đai.
Tóm tắt câu hỏi:
Gia đình tôi sống tại Mê Linh, Hà Nội. Trước năm 1980 ông tôi có mua một góc đất (khoảng 13 thước đất) nhà ông A (mảnh đất đó giờ là nhà tôi) để làm vườn (giấy tờ đã thất lạc). Ranh giới 2 bên đã trồng cây làm hàng rào, sau vài năm sau gia đình ông A xây khu công trình phụ có lấn xuống mảnh đất nhà tôi, 2 bên điều qua tiếng lại xong ông A hẹn mai này ông tôi sử dụng phần đất này thì trả lại. Sau đó khoảng năm 1980 ông xây nhà cho bố mẹ tôi ở mảnh đất đó nhưng gia đình ông A không trả lại đất, sau này ông mất thì coi như ranh giới 2 nhà thiết lập theo hiện trạng. Vì mảnh đất nhỏ nên gia đình tôi đã san lấp cơi nới ao nhà nước tới năm 2006 khi nhà nước đo lại bản đồ thì diện tích đất nhà tôi được 488m2, tới năm 2009 thì được cấp sổ đỏ cho mảnh đất với 488m2, nhưng trong khoảng thời gian năm 2008 gia đình tôi có cơi nới tiếp phần đất ao kia và diện tích hiện tại nhà tôi đạt hơn 500m2. Năm 2013 gia đình con ông A (ông B) có xây nhà kiên cố giáp phía đất nhà tôi, do mảnh đất bị lấn chiếm nên phần đất 2 nhà rất nhiều góc cạnh nên 2 nhà thống nhất làm ranh giới thành 1 đường thẳng cho đẹp (thỏa thuận miệng không có giấy tờ). Nhưng tới khi xây dựng thì ông B không làm theo đường thẳng đó và cố tình xây lấn sang đất nhà tôi, 2 bên mâu thuẫn nặng nề, do được hòa giải và quỹ đất ở quê không đáng nhiều tiền nên gia đình tôi nhượng bộ không đòi lại. Tới năm 2015 gia đình tôi có cất căn nhà sát vách nhà ông B, lúc đầu chúng tôi định làm sát tường nhau và dùng cọc ép để làm móng, nhưng bị gia định bên kia phá phách không cho thợ khoan cọc thi công vì lý do sợ hỏng móng nhà (nhưng tôi có tham khảo kỹ thuật thì việc ép cọc đó không ảnh hưởng tới nhà bên cạnh). Sau đó nhà tôi làm nhà bỏ cách tường khoảng 50cm để cho thông thoáng mà đỡ cãi nhau nhiều. Nhưng khi xây dựng nhà nhà tôi có đổ lan can cửa sổ về phía nhà ông B (với ý định sẽ xây che lại cửa sổ nhà ông B nhìn sang nhà tôi). Nhưng gia đình ông B không biết lý do làm sao không cho nhà tôi đổ cái lan can đó, thậm chí còn đập phá 1 vài cái lan can đó đi. Hiện tại gia đình tôi đã hoàn thiện ngôi nhà nhưng vẫn còn 1 cái lan can xót lại, nhưng tới ngày 3-12-2016 vừa qua nhà tôi có đào ít đất sát tường nhà ông B để bỏ chân móng tưỡng cũ để xây mới, với lý do là đào đất hỏng móng nên con ông B có sang nhà tôi phá không cho nhà tôi làm, còn mang hung khí dọa nạt bố tôi, khi sang nhà tôi hành hung con ông B còn đập phá luôn cái lan can còn lại của ngôi nhà tôi. Vậy tôi xin hỏi luật sư một số điều như sau:
1. Phần đất nhà tôi cơi nới năm 2008 kia sẽ có hướng giải quyết thế nào cho hợp thức hóa vào số đỏ nhà tôi?
2. Việc phá hoại tài sản nhà cửa nhà tôi của con ông B và gia đình ông B tôi sẽ khiếu nại ra sao và nếu khiếu nại con ông B sẽ phải xử phạt ra sao?
3. Phần cửa sổ nhà ông B mở sang nhà tôi có được phép không, và nếu bây giờ nhà tôi yêu cầu họ xây kín cửa số đó thì làm thế nào (cửa sổ nhà ông B là dạng cửa lùa).
4. Nhà tôi có mở cửa sổ (cửa mở toang) hướng sang nhà ông B thì có ảnh hưởng gì luật không vì đất nhà tôi còn 50cm, và mở ra không chạm tường nhà ông B. Rất mong được sự chia sẻ của luật sư. Xin cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Phần đất cơi nới năm 2008 sẽ giải quyết thế nào cho hợp thức hóa vào số đỏ?
Theo như bạn trình bày, năm 2008 gia đình bạn có cơi nới tiếp phần đất ao và diện tích hiện tại nhà bạn đạt hơn 500m2. Diện tích được công nhận trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 488m2. Nay gia đình bạn muốn hợp pháp hóa phần đất trên thì gia đình bạn phải đảm bảo không có ai tranh chấp, phù hợp với kế hoạch sử dụng đất của địa phương, đóng đầy đủ nghĩa vụ tài chính thì có thể sẽ được hợp pháp hóa phần đất này theo quy định tại Điều 106 Luật đất đai 2013 như sau:
"Điều 106. Đính chính, thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp
1. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm đính chính Giấy chứng nhận đã cấp có sai sót trong các trường hợp sau đây:
a) Có sai sót thông tin về tên gọi, giấy tờ pháp nhân hoặc nhân thân, địa chỉ của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất so với giấy tờ pháp nhân hoặc nhân thân tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận của người đó;
b) Có sai sót thông tin về thửa đất, tài sản gắn liền với đất so với hồ sơ kê khai đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất đã được cơ quan đăng ký đất đai kiểm tra xác nhận.
… "
2. Việc phá hoại lan can nhà bạn của con ông B.
Theo thông tin bạn cung cấp, con ông B có hành vi sang nhà bạn đập phá, hủy hoại lan can của gia đình bạn. Trong trường hợp này; nếu giá trị tài sản từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác theo quy định tại Điều 143 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009:
“Điều 143. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Để che giấu tội phạm khác;
đ) Vì lý do công vụ của người bị hại;
e) Tái phạm nguy hiểm;
g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Nếu không đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009 thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:
“Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Trộm cắp tài sản;
b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác;
c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác;
d) Sử dụng trái phép tài sản của người khác.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác; […]”
Để đảm bảo quyền lợi cho bạn, bạn làm đơn tố cáo tới cơ quan công an cấp huyện nơi gia đình bạn đang cư trú để yêu cầu giải quyết.
3. Vấn đề mở cửa sổ của nhà bạn và nhà ông B.
Theo QCXDVN 01:2008/BXD thì tất cả các bộ phận của công trình nhà ở, bao gồm cánh cửa sổ, cánh cửa đi không được vượt quá ranh giới đất nhưng không có quy định về hạn chế quyền trổ cửa.
Tuy nhiên, theo Tiêu chuẩn thiết kế nhà ở riêng lẻ 9411:2012 năm 2012 (chuyển đổi từ TCXDVN 353:2005) cụ thể tại mục 6.4.3 quy định: “Không được phép mở cửa đi, cửa sổ, cửa thông gió nếu tường nhà xây sát với ranh giới lô đất hoặc ranh giới nền nhà thuộc quyền sử dụng của người khác. Chỉ được phép mở cửa đi, cửa sổ, lỗ thông hơi nếu tường xây cách ranh giới lô đất, ranh giới nền nhà bên cạnh từ 2,0 m trở lên.”
Như vậy, đối với trường hợp của gia đình bạn và gia đình ông B muốn mở cửa sổ, nếu cửa sổ được mở trên nhà mà xây sát ranh giới lô đất hoặc ranh giới nền nhà thuôc quyền sử dụng của của nhà bên cạnh thì chỉ được phép mở cửa sổ nếu tường xây cách ranh giới lô đất, ranh giới nền nhà bên cạnh từ 2,0 m trở lên thì được trổ cửa sổ quay sang nhà bên cạnh. Tuy nhiên, khi mở cửa cần có biện pháp tránh tia nhìn trực tiếp vào nội thất nhà bên cạnh (chắn tầm nhìn hoặc bố trí so le các cửa sổ giữa hai nhà).