Bán trắc nghiệm tố tụng dân sự. Hỏi về người đại diện cho người chưa thành niên.
Bán trắc nghiệm tố tụng dân sự. Hỏi về người đại diện cho người chưa thành niên.
Tóm tắt câu hỏi:
Nhận định sau đây đúng hay sai. Giải thích?
1. Trong mọi trường hợp cá nhân đều được ủy quyền cho người khác khởi kiện thay cho mình.
2. Cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền lợi ích công cộng, lợi ích Nhà nước là người đại diện hợp pháp của đương sự.
3. Tòa án nơi có bất động sản là tòa án có thẩm quyền tranh giải quyết tranh chấp liên quan đến bất động sản.
4. Trong mọi trường hợp, nếu tranh chấp không liên quan đến bất động sản đều thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc.
5. Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trong suốt quá trình giải quyết vụ án dân sự.
6. Mọi bản án, quyết định của tòa án cấp sơ thẩm đều có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
7. Việc bảo vệ quyền và lọi ích hợp pháp cho người chưa thành niên tại Tòa án phải do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý
2. Nội dung tư vấn
1. Trong mọi trường hợp cá nhận đều được ủy quyền cho khác khởi kiện thay cho mình: Sai.
Khoản 4 Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:
“4. Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.
Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện.”
Như vậy, không phải mọi trường hợp cá nhân đều được ủy quyền cho người khác khởi kiện thay cho mình, đối với trường hợp ly hôn thì cá nhân không được ủy quyền người khác khởi kiện thay.
2. Cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền lợi ích công cộng, lợi ích Nhà nước là người đại diện hợp pháp của đương sự: Sai.
Khoản 2 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định Đương sự trong vụ việc dân sự như sau:
“2. Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm.
Cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn.”
Như vậy, theo quy định thì cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của nhà nước là nguyên đơn.
3. Tòa án nơi có bất động sản là tòa án có thẩm quyền tranh giải quyết tranh chấp liên quan đến bất động sản: Đúng.
Theo quy định tại Điểm c) Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì trường hợp đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.
4. Trong mọi trường hợp, nếu tranh chấp không liên quan đến bất động sản đều thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc: Sai.
Không phải trong mọi trường hợp nếu tranh chấp không liên quan đến bất động sản đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc. Trong trường hợp các đương sự có thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn theo Điểm b) Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
>>> Luật sư tư vấn về người đại diện cho người chưa thành niên qua tổng đài: 1900.6568
5. Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trong suốt quá trình giải quyết vụ án dân sự: Sai.
Khoản 3 Điều 200 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: "3. Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải."
Theo quy định trên thì bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Như vậy, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trong khoảng thời gian trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Không phải trong suốt quá trình giải quyết vụ án dân sự.
6. Mọi bản án, quyết định của tòa án cấp sơ thẩm đều có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm: Sai.
Điều 213 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định Hiệu lực của quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự như sau:
"1. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
2. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự chỉ có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội."
Như vậy, đối với quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự sẽ không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
7. Việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên tại Tòa án phải do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện: Sai.
Khoản 6 Điều 69 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định Năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự của đương sự như sau: "6. Đương sự là người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động theo
hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình được tự mình tham gia tố tụng về những việc có liên quan đến quan hệ lao động hoặc quan hệ dân sự đó. Trong trường hợp này, Tòa án có quyền triệu tập người đại diện hợp pháp của họ tham gia tố tụng. Đối với những việc khác, việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện."
Như vậy, không phải trong mọi trường hợp người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên tại Tòa án đều do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.