Trách nhiệm chịu chi phí lưu kho do lỗi không kiểm tra giấy tờ. Trách nhiệm rủi ro trong hợp đồng dịch vụ Logistics.
Trách nhiệm chịu chi phí lưu kho do lỗi không kiểm tra giấy tờ. Trách nhiệm rủi ro trong hợp đồng dịch vụ Logistics.
Tóm tắt câu hỏi:
Mình là Nam. Hiện công ty mình đang có một số phát sinh với bên công ty dịch vụ Logistics như sau: công ty mình có nhập 1 lô hàng từ Indonesia, lỗi phát sinh khi trong CO không in giá FOB hàng hóa.
Nhưng bên mình đã chuyển toàn bộ giấy tờ cho bên phía công ty dịch vụ Logistic 1 tuần trước khi lấy hàng ra nhưng họ hoàn toàn không kiểm tra. Đến ngày lấy hàng thì phát sinh trường hợp CO thiếu như trên nên phải tốn thêm thời gian lưu kho tại hải quan để chỉnh sửa CO và bên phía công ty Logistics thì họ nói kiểm tra giấy tờ không phải là trách nhiệm của họ. Có thể cho bên mình hỏi, bên chịu trách nhiệm về chi phí lưu kho do phát sinh lỗi này thuộc về bên nào ạ??
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Luật Thương mại 2005 quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng logistics tại các điều sau đây:
Điều 235. Quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics
1. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Được hưởng thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác;
b) Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu có lý do chính đáng vì lợi ích của khách hàng thì thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics có thể thực hiện khác với chỉ dẫn của khách hàng, nhưng phải thông báo ngay cho khách hàng;
c) Khi xảy ra trường hợp có thể dẫn đến việc không thực hiện được một phần hoặc toàn bộ những chỉ dẫn của khách hàng thì phải thông báo ngay cho khách hàng để xin chỉ dẫn;
d) Trường hợp không có thoả thuận về thời hạn cụ thể thực hiện nghĩa vụ với khách hàng thì phải thực hiện các nghĩa vụ của mình trong thời hạn hợp lý.
2. Khi thực hiện việc vận chuyển hàng hóa, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics phải tuân thủ các quy định của pháp luật và tập quán vận tải.
Điều 236. Quyền và nghĩa vụ của khách hàng
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, khách hàng có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
1. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng;
2. Cung cấp đầy đủ chỉ dẫn cho thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics;
3. Thông tin chi tiết, đầy đủ, chính xác và kịp thời về hàng hoá cho thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics;
4. Đóng gói, ghi ký mã hiệu hàng hoá theo hợp đồng mua bán hàng hoá, trừ trường hợp có thỏa thuận để thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics đảm nhận công việc này;
5. Bồi thường thiệt hại, trả các chi phí hợp lý phát sinh cho thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics nếu người đó đã thực hiện đúng chỉ dẫn của mình hoặc trong trường hợp do lỗi của mình gây ra;
6. Thanh toán cho thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics mọi khoản tiền đã đến hạn thanh toán.
Điều 237. Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics
1. Ngoài những trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không phải chịu trách nhiệm về những tổn thất đối với hàng hoá phát sinh trong các trường hợp sau đây:
a) Tổn thất là do lỗi của khách hàng hoặc của người được khách hàng uỷ quyền;
b) Tổn thất phát sinh do thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics làm đúng theo những chỉ dẫn của khách hàng hoặc của người được khách hàng uỷ quyền;
c) Tổn thất là do khuyết tật của hàng hoá;
d) Tổn thất phát sinh trong những trường hợp miễn trách nhiệm theo quy định của pháp luật và tập quán vận tải nếu thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics tổ chức vận tải;
đ) Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về khiếu nại trong thời hạn mười bốn ngày, kể từ ngày thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics giao hàng cho người nhận;
e) Sau khi bị khiếu nại, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về việc bị kiện tại Trọng tài hoặc Toà án trong thời hạn chín tháng, kể từ ngày giao hàng.
2. Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không phải chịu trách nhiệm về việc mất khoản lợi đáng lẽ được hưởng của khách hàng, về sự chậm trễ hoặc thực hiện dịch vụ logistics sai địa điểm không do lỗi của mình.
Trong các quy định nêu trên, quyền và nghĩa vụ của công ty bạn trong hợp đồng logistics là quyền và nghĩa vụ của khách hàng. Pháp luật ưu tiên áp dụng thỏa thuận của các bên trong hợp đồng logistics, theo đó bạn kiểm tra lại trong hợp đồng của bên bạn ký với bên thực hiện dịch vụ logistics về các điều khoản liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên để xác định bên nào phải có nghĩa vụ chịu trách nhiệm về nội dung, thành phần của hồ sơ.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Trong trường hợp không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không cụ thể về trách nhiệm của các bên thì sẽ căn cứ vào quy định của pháp luật để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên. Và theo quy định của Điều 236 xác định công ty của bạn có nghĩa vụ:
– Cung cấp đầy đủ chỉ dẫn cho thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics;
– Thông tin chi tiết, đầy đủ, chính xác và kịp thời về hàng hoá cho thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics;
– Đóng gói, ghi ký mã hiệu hàng hoá theo hợp đồng mua bán hàng hoá, trừ trường hợp có thỏa thuận để thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics đảm nhận công việc này;
Điều 235 không quy định về nghĩa vụ kiểm tra, soạn thảo, điều chỉnh hồ sơ cho phía Công ty bạn của bên thực hiện dịch vụ. Đồng nghĩa với việc công ty của bạn phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp hồ sơ, thông tin hàng hóa khi cung cấp cho bên thực hiện dịch vụ logistics.
Dựa trên thỏa thuận và những quy định nêu trên, bạn có thể xác định được bên phải chịu trách nhiệm trong rủi ro đã nêu.