Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi va chạm giao thông dẫn đến chết người. Mức bồi thường thiệt hại khi tính mạng bị xâm phạm?
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi va chạm giao thông dẫn đến chết người. Mức bồi thường thiệt hại khi tính mạng bị xâm phạm?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư! Luật sư cho cháu hỏi: chồng cháu chạy xe máy có lấn qua đường bên kia một chút và bị người ta tông ngang hông dẫn đến trấn thương sợ não chết trong khi con đang mang thai gần sanh. Vậy cho con hỏi người tông chết chồng con có ngồi tù và bồi thường thiệt hại tính mạng và cấp dưỡng cho con của con không? Cảm ơn luật sư!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo Điều 604 Bộ luật dân sự 2005 thì:
1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.
Bồi thường thiệt hại khi người gây ra thiệt hại có lỗi:
Trong trường hợp này của bạn, việc xác định người gây ra thiệt hại cho chồng bạn có phải bồi thường hay không phụ thuộc vào việc người đó có lỗi trong điều khiển phương tiện tham gia giao thông hay không. Để xác định có lỗi hay không thì phải thông qua kết luận điều tra của cơ quan công an. Nếu như xác định người đó có lỗi trong việc gây ra thiệt hại về tính mạng cho chồng bạn thì người đó phải chịu những trách nhiệm sau:
Thứ nhất, trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Căn cứ Điều 610 Bộ luật dân sự 2005 quy định về bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm phải chịu những chi phí sau:
1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết;
b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.
2. Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 610 Bộ luật dân sự 2005 và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Ngoài những chi phí trên, người gây ra thiệt hại cho chồng bạn còn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khoản 2 Điều 612 Bộ luật dân sự 2005:
2. Trong trường hợp người bị thiệt hại chết thì những người mà người này có nghĩa vụ cấp dưỡng khi còn sống được hưởng tiền cấp dưỡng trong thời hạn sau đây:
a) Người chưa thành niên hoặc người đã thành thai là con của người chết và còn sống sau khi sinh ra được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi đủ mười tám tuổi, trừ trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động và có thu nhập đủ nuôi sống bản thân;
b) Người đã thành niên nhưng không có khả năng lao động được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi chết.
Tuy nhiên, theo lời bạn nói (điều này phải được xác định qua kết luận cơ quan điều tra) thì chồng bạn có hành vi lấn qua đường. Hành vi này có thể là hành vi vi phạm quy định an toàn giao thông. Nếu vậy,chồng bạn cũng có lỗi khi để xảy ra thiệt hại về tính mạng của chồng bạn. Do vậy, trách nhiệm bồi thường của người gây ra thiệt hại sẽ được xác định theo Điều 617 Bộ luật dân sự 2005:
Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường.
Từ những phân tích trên, người gây ra thiệt hại phải bồi thường tương đương với lỗi của họ và với các khoản chi phí sau:
– Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết;
– Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
– Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.
– Tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
– Nghĩa vụ cấp dưỡng cho con của bạn đến mười tám tuổi nếu con của bạn được sinh ra và còn sống
Thứ hai, trách nhiệm hình sự. Căn cứ khoản 1 Điều 202 Bộ luật hình sự 1999 thì:
1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
Thiệt hại nghiêm trọng theo khoản 4.1 Phần 4 Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP bao gồm các hành vi sau:
a. Làm chết một người;
b. Gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
c. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% đến 100%;
d. Gây tổn hại cho sức khoẻ của một người với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
đ. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người, với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
e. Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng.
Như vậy, trong trường hợp người gây ra thiệt hại có lỗi cố ý vi phạm quy định về an toàn giao thông và vô ý gây ra thiệt hại về tính mạng cho chồng của bạn thì người phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 202 Bộ luật hình sự 1999.
Bồi thường thiệt hại khi người gây ra thiệt hại không có lỗi:
Còn nếu như kết luận của cơ quan điều tra là người gây ra thiệt hại không có lỗi trong việc gây ra thiệt hại cho chồng bạn thì người đó sẽ không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào trừ trường hợp việc gây ra thiệt hại được xác minh là do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra theo theo khoản 3 Điều 623 Bộ luật dân sự 2005:
3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Nếu rơi vào trường hợp trên, thì người đó chỉ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với chồng bạn mà không phải chịu trách nhiệm hình sự. Mức bồi thường được xác định như trên.