Hợp đồng cho vay tài sản. Những biện pháp đảm khi cho vay tài sản?
Hợp đồng cho vay tài sản. Những biện pháp đảm khi cho vay tài sản?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư. Tôi tên:Nguyễn Hào Hải Hiện tại, tôi có một khoản tiền tiết kiệm. Và Tôi muốn cho người khác vay để có thêm thu nhập từ số tiền lãi hàng tháng. Vậy luật sư cho tôi hỏi lãi suất cho vay tối đa là bao nhiu % thì mới được xem là hợp pháp. Và cần làm những gì để ràng buộc 2 bên một cách được xem là đủ điều kiện của pháp luật giải quết. Để có thể kiện người cho vay, khi xảy ra chuyện, liên quan đến những thoả thuận mà 2 bên đã thống nhất. Và khi tới ngày trả nợ nhưng họ không trả, hoặc tiền lãi. Đã được 2 bên thoả thuận từ trước. Mong luật sư tư vấn: Tôi chân thành cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Giải quyết vấn đề:
Hiện nay, theo quy định tại Điều 476, Bộ luật dân sự 2005 khi quy định về lãi suất vay đã ghi nhận như sau:
“1. Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.
2. Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ”.
Như vậy, bạn và bên vay hoàn toàn có thể thỏa thuận với nhau với mức lãi suất dưới 150% lãi suất cơ bản do Nhà nước ban hành.
Đối với những câu hỏi của tiếp theo của bạn về việc đảm bảo cho khoản vay thì tại Bộ luật Dân sự 2005 đã có quy định cụ thể về Hợp đồng vay tài sản từ Điều 471 đến Điều 479 Bộ luật Dân sự 2005. Đặc biệt tại Điều 474 về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:
“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
2. Trong trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
4. Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thoả thuận.
5. Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ”.
>>> Luật sư tư vấn quy định về hợp đồng cho vay tài sản: 1900.6568
Đây là những nghĩa vụ phải thực hiện của bên vay tài sản của bạn. Trong trường hợp mà bên này không thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo những gì ghi nhận trong hợp đồng vay mượn tài sản mà bạn và người đó đã thỏa thuận và kí kết thì bạn có thể nhờ pháp luật can thiệp bằng cách khởi kiện ra tòa án yêu cầu tòa án giải quyết.
Mặt khác, để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự bạn hoàn toàn có thể áp dụng các biện pháp đảm bảo được quy định tại Điều 318, Bộ luật dân sự. Trong đó biện pháp thường gặp nhất đó là thế chấp tài sản. Được quy định tại Điều 342, Bộ luật dân sự. Cụ thể:
“1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp) và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp.
Trong trường hợp thế chấp toàn bộ bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp.
Trong trường hợp thế chấp một phần bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Tài sản thế chấp cũng có thể là tài sản được hình thành trong tương lai.
2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.
3. Việc thế chấp quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 715 đến Điều 721 của Bộ luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Bạn có thể giao kết hợp đồng thế chấp cùng với hợp đồng chính là hợp đồng vay mượn tài sản hoặc tách biệt thành một hợp đồng riêng.
Ngoài ra, để đảm bảo tính hợp pháp của hợp đồng bạn nên thực hiện kí kết hợp đồng bằng văn bản rồi đem đi công chứng hợp đồng.