Quyền và nghĩa vụ của khách hàng khi vay tín dụng. Nghĩa vụ của tổ chức tín dụng.
Quyền và nghĩa vụ của khách hàng khi vay tín dụng. Nghĩa vụ của tổ chức tín dụng.
Tóm tắt câu hỏi:
Em chào các luật sư của Công ty Luật Dương Gia. Em xin có câu hỏi gửi tới các luật sư, mong được các luật sư tư vấn giúp em với. Em là sinh viên mới ra trường đi làm được mấy tháng và em có vay 1 khoản tiền của công ty tài chính FECREDIT là 20 triệu với lãi suất thỏa thuận ban đầu là 1,6%/tháng. Nhưng do ở xa nên hợp đồng và các thông tin liên quan do nhân viên tư vấn ghi và trực tiếp ký. Em cũng chưa vay vốn bao giờ nên họ bảo cung cấp giấy tờ gì thì mình scan gửi qua mail, nhưng cũng không được biết và đọc bản hợp đồng. Sau khi hoàn thành xong họ hướng dẫn em ra bưu điện rút tiền, (rút ở bưu điện họ không soi được chữ ký nên dù không ký ở bản hợp đồng em cũng rút được) sau vài ngày tổng đài của FECREDIT có gửi tin nhắn thông báo lãi phải nộp tương ứng với lãi suất 5%/tháng, em giật mình và gọi lại cho nhân viên đó, họ nói vòng vo. Và cuối cùng em được nhân viên đó cho số điện chị quản lý để nói chuyện, chị quản lý đã thừa nhận là do nhân viên tư vấn không đầy đủ và hướng dẫn em là thủ tục thanh lý hợp đồng, sau thời gian đó, cách vài tháng lại có tin nhắn gửi về thông báo lãi suất phải nộp. Em có hỏi 1 bạn vay vốn thì bạn nói cái đó là do lỗi hệ thống, chứ mình không nợ ngân hàng gì nữa. Thời gian cứ thế trôi, khoản vay của em từ tháng 5/2015 – đến 2017 mới đáo hạn. Nhưng tròn 1 năm thì nhân viên thu hồi nợ gọi điện liên tục thông báo hợp đồng vẫn còn trên hệ thống và phải trả lãi. Họ nói có 2 vấn đề:
1) Em có cầm tiền của ngân hàng khi vay không?
2) Nếu em không ký thỏa thuận trong hợp đồng thì làm sao rút được tiền? Tổng tiền phải trả là 3.250.000đ hiện tại em không biết phải làm gì khi ngày nào họ cũng gọi điện làm xáo trộn cuộc sống gia đình em.
Em mong luật sư tư vấn và cho em cách giải quyết vì hoàn cảnh nhà cũng khó khăn, nên với em xoay sở vài triệu cũng rất là khó. Em xin cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN
2. Giải quyết vấn đề:
Căn cứ Điều 24 Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN quy định quyền và nghĩa vụ của khách hàng như sau:
"1. Khách hàng vay có quyền:
a) Từ chối các yêu cầu của tổ chức tín dụng không đúng với các thoả thuận trong hợp đồng tín dụng;
b) Khiếu nại, khởi kiện việc vi phạm hợp đồng tín dụng theo quy định của pháp luật"
>>> Luật sư tư vấn quyền của người vay tín dụng: 1900.6568
"2. Khách hàng vay có nghĩa vụ:
a) Cung cấp đầy đủ, trung thực các thông tin, tài liệu liên quan đến việc vay vốn và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin, tài liệu đã cung cấp;
b) Sử dụng vốn vay đúng mục đích, thực hiện đúng các nội dung đã thoả thuận trong hợp đồng tín dụng và các cam kết khác;
c) Trả nợ gốc và lãi vốn vay theo thoả thuận trong hợp đồng tín dụng;
d) Chịu trách nhiệm trước pháp luật khi không thực hiện đúng những thoả thuận về việc trả nợ vay và thực hiện các nghia vụ bảo đảm nợ vay đã cam kết trong hợp đồng tín dụng."
Khoản 2 Điều 25 Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN quy định nghĩa vụ của tổ chức tín dụng như sau:
"2. Tổ chức tín dụng có nghĩa vụ:
a) Thực hiện đúng thoả thuận trong hợp đồng tín dụng;
b) Lưu giữ hồ sơ tín dụng phù hợp với quy định của pháp luật."
Theo như bạn trình bày, lãi suất hai bên thỏa thuận ban đầu là 1,6% tuy nhiên sau đấy bạn được thông báo lãi suất tăng lên 5%, không có sự thỏa thuận của hai bên do đó việc ngân hàng tăng lãi suất lên 5% là không có căn cứ.
Như bạn nói, bạn đã thanh lý hợp đồng vay với ngân hàng tuy nhiên tổng đài của ngân hàng vẫn nhắn tin cho bạn yêu cầu trả nợ. Bạn nên tới ngân hàng để làm việc trực tiếp về vấn đề này, nếu bạn đã thanh lý hợp đồng thì sẽ không còn nợ ngân hàng nữa.