Giấy tờ gốc xác định thông tin khi khai báo tham gia bảo hiểm xã hội. Khai báo với cơ quan bảo hiểm khi mua BHXH, BHYT, BHTN.
Giấy tờ gốc xác định thông tin khi khai báo tham gia bảo hiểm xã hội. Khai báo với cơ quan bảo hiểm khi mua BHXH, BHYT, BHTN.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào anh chị. Nhờ anh chị tư vấn giúp em. Cơ quan em có mua BHXH, BHYT, BHTN cho 1 lao động, nhưng ngày tháng năm sinh trong giấy khai sinh của người lao động này không trùng khớp với ngày tháng năm sinh trong CMND của người đó, vậy tôi phải khai báo với cơ quan bảo hiểm dựa theo giấy tời nào. Cảm ơn!?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Giải quyết vấn đề:
Theo như thông tin bạn cung cấp, cơ quan bạn tham gia bảo hiểm cho người lao động lần đầu và gặp vướng mắc trong hồ sơ khai báo thông tin của người lao động với cơ quan bảo hiểm. Vấn đề ở đây là thông tin về ngày tháng năm sinh của người lao động trong tờ khai có sự khác nhau giữa chứng minh thư và giấy khai sinh.
Theo quy đinh tại khoản 6 Điều 4 Luật hộ tịch 2014 "Giấy khai sinh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh; nội dung Giấy khai sinh bao gồm các thông tin cơ bản về cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này". Điều 14 Luật hộ tịch 2014 cũng quy định:
"1. Nội dung đăng ký khai sinh gồm:
a) Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch;
b) Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú;
c) Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh.
2. Việc xác định quốc tịch, dân tộc, họ của người được khai sinh được thực hiện theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam và pháp luật dân sự.
3. Nội dung đăng ký khai sinh quy định tại khoản 1 Điều này là thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân, được ghi vào Sổ hộ tịch, Giấy khai sinh, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hồ sơ, giấy tờ của cá nhân liên quan đến thông tin khai sinh phải phù hợp với nội dung đăng ký khai sinh của người đó.
Chính phủ quy định việc cấp số định danh cá nhân cho người được đăng ký khai sinh".
Về giá trị pháp lý của giấy khai sinh, Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ- CP quy định:
"1. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân.
2. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.
3. Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh"
Như vậy theo quy định trên, hồ sơ, giấy tờ cá nhân liên quan đến thông tin khai sinh phải phù hợp với nội dung đăng ký khai sinh của người đó. Việc nhầm lẫn thông tin cá nhân hoặc thông tin cá nhân không khớp nhau giữa các giấy tờ như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu… với giấy khai sinh thì phải điều chỉnh lại theo giấy khai sinh.
Điều 5, Nghị định 05/1999/ NĐ- CP về chứng minh thư (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 170/2007/NĐ-CP) cũng quy định các trường hợp sau đây phải làm thủ tục đổi chứng minh thư:
a) Chứng minh nhân dân hết thời hạn sử dụng;
b) Chứng minh nhân dân hư hỏng không sử dụng được;
c) Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh;
d) Thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
e) Thay đổi đặc điểm nhận dạng.
Về trình tự, thủ tục cấp đổi chứng minh nhân dân, tiết c điểm 2 mục II Thông tư số 04/1999/TT-BCA quy định như sau:
– Đơn trình bày rõ lý do đổi chứng minh nhân dân hoặc cấp lại, có xác nhận của Công an phường, xã, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, ảnh dán vào đơn và đóngdấu giáp lai.
– Xuất trình hộ khẩu thường trú (sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể). Ở những địa phương chưa cấp hai loại sổ hộ khẩu trên, Công an nơi làm thủ tục cấp chứng minh nhân dân căn cứ vào sổ đăng ký hộ khẩu, chứng nhận đăng ký hộ khẩu thường trú của Công an xã,phường, thị trấn;
– Đối với những trường hợp thay đổi họ tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh, đổi lại chứng minh nhân dân phải xuất trình quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép thay đổi các nội dung trên đây;
– Chụp ảnh (như trường hợp cấp mới);
– Kê khai tờ khai cấp chứng minh nhân dân theo mẫu;
– Vân tay hai ngón trỏ có thể in vào tờ khai theo mẫu hoặc cơ quan Công an thu vân tay hai ngón qua máy lấy vân tay tự động để in vào tờ khai và chứng minh nhândân;
– Nộp lệ phí.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật khai báo bảo hiểm xã hội: 1900.6568
Sau khi người lao động thực hiện cấp đổi chứng minh nhân dân sao cho thông tin trên giấy khai sinh trùng khớp với thông tin trên giấy khai sinh, cơ quan bạn có thể khai báo với cơ quan bảo hiểm theo thông tin đã được sửa đổi và thống nhất. Về thủ tục khai báo với cơ quan bảo hiểm, hồ sơ tham gia BHYT, BHXH, BHTN được quy định tại Quyết định 959/QĐ- BHXH quyết định ban hành quy định thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; quản lý sổ bảo hiếm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế. Theo đó, Điều 21 của quyết định này quy định hồ sơ tham gia của đơn vị tham gia lần đầu, đơn vị di chuyển từ địa bàn tỉnh, thành phố khác.
"Điều 21. Đơn vị tham gia lần đầu, đơn vị di chuyển từ địa bàn tỉnh, thành phố khác.
1. Thành phần hồ sơ:
1.1. Người lao động:
a) Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS);
b) Đối với người được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn: Giấy tờ chứng minh.
1.2. Đơn vị:
a) Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin đơn vị tham gia BHXH, BHYT (Mẫu TK3-TS);
b) Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN (Mẫu D02-TS);
c) Bảng kê hồ sơ làm căn cứ hưởng quyền lợi BHYT cao hơn (Mục II Phụ lục 03).
2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ"
Như vậy, trình tự giải quyết trong trường hợp này là yêu cầu người lao động thực hiện cấp đổi chứng minh thư sao cho trùng khớp với thông tin ngày tháng năm sinh trên giấy khai sinh. Sau đó thực hiện khai báo với cơ quan bảo hiểm theo trình tư, thủ tục như trên.