Dự án đơn giản chủ đầu tư có thể trực tiếp quản lý không? Chủ đầu tư được trực tiếp quản lý và thực hiện dự án đơn giản, quy mô nhỏ.
Dự án đơn giản chủ đầu tư có thể trực tiếp quản lý không? Chủ đầu tư được trực tiếp quản lý và thực hiện dự án đơn giản, quy mô nhỏ.
Tóm tắt câu hỏi:
Kính gửi Luật sư, Xin nhờ Luật sư giải đáp giùm tôi tình huống này: Hiện tại, tôi đang làm việc trong doanh nghiệp là thành viên của Tập đoàn VNPT. Chúng tôi đang triển khai dự án xây dựng mới công trình quy mô nhỏ (Tổng mức đầu tư dưới 5 tỷ đồng) sử dụng nguồn vốn nhà nước ngoài ngân sách. Theo Khoản 2 Điều 20 Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 thì đối với các doanh nghiệp là thành viên của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nếu không đủ điều kiện năng lực để quản lý dự án đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước ngoài ngân sách hoặc vốn khác thì được thuê tổ chức, cá nhân tư vấn có đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Nghị định này để thực hiện. Theo Khoản 1 Điều 21 Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 thì Chủ đầu tư được trực tiếp quản lý đối với dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình xây dựng quy mô nhỏ có tổng mức đầu tư dưới 5 (năm) tỷ đồng. Chúng tôi có đủ năng lực nhân sự, bộ máy chuyên môn theo quy định để thực hiện việc quản lý dự án. Chúng tôi đánh giá công trình xây mới có tính chất đơn giản, ít phức tạp hơn so với công trình cải tạo, nâng cấp cùng loại. Trong trường hợp này, chúng tôi áp dụng hình thức Quản lý dự án là Chủ đầu tư trực tiếp quản lý và thực hiện dự án có phù hợp với quy định của pháp luật hay không? Trân trọng cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Giải quyết vấn đề:
Tại Điều 62 Luật xây dựng 2014 có quy định về các hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng như sau:
Điều 62. Hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng
Căn cứ quy mô, tính chất, nguồn vốn sử dụng và điều kiện thực hiện dự án, người quyết định đầu tư quyết định áp dụng một trong các hình thức tổ chức quản lý dự án sau:
1. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực áp dụng đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, dự án theo chuyên ngành sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
2. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án áp dụng đối với dự án sử dụng vốn nhà nước quy mô nhóm A có công trình cấp đặc biệt; có áp dụng công nghệ cao được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xác nhận bằng văn bản; dự án về quốc phòng, an ninh có yêu cầu bí mật nhà nước.
3. Thuê tư vấn quản lý dự án đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn khác và dự án có tính chất đặc thù, đơn lẻ.
4. Chủ đầu tư sử dụng bộ máy chuyên môn trực thuộc có đủ điều kiện năng lực để quản lý thực hiện dự án cải tạo, sửa chữa quy mô nhỏ, dự án có sự tham gia của cộng đồng.
5. Ban quản lý dự án, tư vấn quản lý dự án quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Điều 152 của Luật này.
6. Chính phủ quy định chi tiết về mô hình, tổ chức và hoạt động của các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Tại Điều 16 Nghị định 59/2015/NĐ-CP có quy định như sau:
Điều 16. Hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng
1. Người quyết định đầu tư quyết định áp dụng hình thức tổ chức quản lý dự án theo quy định tại Điều 62 của Luật Xây dựng năm 2014.
2. Đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, hình thức tổ chức quản lý dự án được áp dụng là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực theo quy định tại Điều 63 của Luật Xây dựng năm 2014 và Điều 17 Nghị định này.
Trường hợp nếu người quyết định đầu tư giao cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng vốn để đầu tư xây dựng công trình là chủ đầu tư dự án thì người quyết định đầu tư giao chủ đầu tư có trách nhiệm ký hợp đồng thuê Ban quản lý dự án chuyên ngành hoặc Ban quản lý dự án khu vực để thực hiện quản lý dự án theo quy định.
3. Đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, hình thức tổ chức quản lý dự án được áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế về ODA hoặc thỏa thuận với nhà tài trợ. Trường hợp điều ước quốc tế về ODA hoặc thỏa thuận với nhà tài trợ không có quy định cụ thể thì hình thức tổ chức quản lý dự án được thực hiện theo quy định của Nghị định này.
4. Đối với dự án sử dụng vốn khác, người quyết định đầu tư quyết định hình thức quản lý dự án phù hợp với yêu cầu quản lý và điều kiện cụ thể của dự án.
5. Đối với dự án PPP, doanh nghiệp dự án lựa chọn hình thức quản lý dự án quy định tại Điều 19, Điều 20 Nghị định này.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật thẩm quyền quản lý dự án của chủ đầu tư: 1900.6568
Căn cứ theo thông tin bạn trình bày dự án xây dựng mới bên bạn đang triển khai có tổng vốn đầu tư dưới 5 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn nhà nước ngoài ngân sách, căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Nghị định 59/2015/NĐ-CP thì hình thức tổ chức quản lý dự án được áp dụng là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực.
Trường hợp nếu người quyết định đầu tư giao cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng vốn để đầu tư xây dựng công trình là chủ đầu tư dự án thì người quyết định đầu tư giao chủ đầu tư có trách nhiệm ký hợp đồng thuê Ban quản lý dự án chuyên ngành hoặc Ban quản lý dự án khu vực để thực hiện quản lý dự án theo quy định.
Theo bạn trình bày thì bên bạn đánh giá công trình xây dựng mới có tính chất đơn giản, ít phức tạp hơn so với công trình cải tạo, nâng cấp cùng loại, bên bạn có đủ năng lực nhân sự, bộ máy chuyên môn theo quy định để thực hiện việc quản lý dự án thuy nhiên xuất phát từ nguồn vốn sử dụng dự án là nguồn vốn nhà nước ngoài ngân sách do vậy nếu bên bạn áp dụng được hình thức quản lý dự án đầu tư xây dựng là chủ đầu tư trực tiếp thực hiện quản lý dự án (Điều 21 Nghị định 59/2015/NĐ-CP) là không phù hợp với quy định của pháp luật.