Như thế nào là di chúc hợp pháp. Phân chia di sản nếu di chúc không hợp pháp như thế nào?
Như thế nào là di chúc hợp pháp? Phân chia di sản nếu di chúc không hợp pháp như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Em chào luật sư: Hiện em có vấn đề thắc mắc muốn hỏi luật sư và mong luật sư hồi âm sớm cho em với ạ. Chuyện là thế này Bà Ngoại của em có 3 người con gái gồm có mẹ em là con đầu và sau là 2 dì ạ. Hai dì đi lấy chồng ở riêng còn mẹ em vì lý do Bà không có con trai nên Mẹ ở lại phụng dưỡng bà khi còn sống và thờ cúng hương khói coi như thay người con trai. Năm 2004 vì nhà ngèo khó nên Bà nói mẹ em ( tức người phụng dưỡng bà) bán 250m2 đất vườn để sửa sang nhà cửa cho đàng hoàng để nơi thờ cúng cho đẹp để sau này Bà có mất thì cũng mãn nguyện, trước khi bán đất cũng họp gia đình hỏi ý kiến 2 dì ( tuy 2 dì dã lấy chồng và ở riêng) hai dì đều đồng ý bán và nói không lấy bất cứ đồng nào. Sau khi bán đất Mẹ em cũng đến cho lộc mỗi gì 5 triệu,2 dì đều vui vẻ nhận. Nhưng sau nghe ai xui khiến hai dì đến trả tiền và đòi phải cho nhiều hơn, và 2 dì còn chửi cả Bà ngoại. Thế nên sau đó nửa năm Bà ngoại có mượn ông cán bộ xóm đến làm chứng và Mẹ em là người viết di chúc (vì Bà không biết chữ, Bà đọc Mẹ viết xong rồi Bà điểm chỉ) và lập di chúc nhường cho Bố và Mẹ em hoàn toàn đất đai trong vườn,di chúc đã được công chứng đầy đủ. Sau đó 2 năm sau là Bà ngoại qua đời. Mọi chuyện vẫn bình thường cho đến hôm nay tháng 8/2016 nhà em (trên mảnh đất Bà thừa kế lại) có dự án làm đường của nhà nước nên sắp được đền bù . Chuyện gì đến rồi cũng đến hai dì lại một lần nữa đến đòi chia mỗi gì 100m2 đất rồi thuê luật sư về tận nhà em để tranh chấp. Luật sư cho em hỏi câu chuyện xảy ra đó nhà em có bị gì không ạ. Mong luật sư giải thích cặn kẽ dùm em với ạ. Em xin chân thành cám ơn !
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Nội dung tư vấn:
Theo quy định tại Bộ Luật dân sự 2005, quy định về tính hợp pháp của di chúc đó và người làm chứng di chúc và di chúc có người làm chứng là:
Điều 652. Di chúc hợp pháp
“1. Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;
b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.
2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.”
Điều 654. Người làm chứng cho việc lập di chúc
Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:
1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;
2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;
3. Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự.
Điều 656. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng
Trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.
Việc lập di chúc phải tuân theo quy định tại Điều 653 và Điều 654 của Bộ luật này.
Do bà bạn không biết chữ nên để di chúc hợp pháp thì bà của bạn phải nhờ người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực, tuy nhiên yêu cầu người làm chứng phải là người đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự, không liên quan đến việc hưởng di sản, không có quyền và nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung di chúc.Trường hợp bà bạn nhờ người khác viết di chúc thì có hai trường hợp như sau:
Trường hợp thứ nhất: Như bạn trình bày, bà bạn không biết chữ nên đọc cho mẹ bạn viết và có nhờ cán bộ xóm đến làm chứng, nội dung di chúc là để lại di sản cho bố mẹ bạn. Di chúc của bà bạn sau đó đã được công chứng, chứng thực đầy đủ. Như vậy theo quy định tại khoản 3, Điều 652 Bộ Luật dân sự 2005 về di chúc hợp pháp:
“Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực” .
Trường hợp này nếu như bà bạn đọc cho mẹ bạn viết và sau đó người làm chứng có ghi chép lại, lập thành văn bản vì mẹ bạn không được coi là người làm chứng và di chúc được công chứng đầy đủ thì di chúc của bà bạn được coi là hợp pháp vì vậy khi tiến hành chia thừa kế sẽ thực hiện theo nội dung của di chúc. Việc can thiệp và mời luật sư của dì bạn để đòi 100m2 đất là không hợp pháp và sẽ không được pháp luật thừa nhận.
Trường hợp thứ hai di chúc của bà bạn không được người làm chứng lập lại thành văn bản vì theo Điều 656 Bộ Luật dân sự 2005 di chúc bằng văn bản có người làm chứng thì không yêu cầu cụ thể người viết di chúc,như vậy, việc bà bạn đọc cho mẹ bạn viết di chúc là hoàn toàn được chấp nhận, tuy nhiên chỉ có 1 người làm chứng, không đáp ứng được điều kiện có ít nhất 2 người làm chứng. Mẹ và bố của bạn không được làm chứng vì là người được nhận di sản có nêu trong di chúc, do đó bản di chúc đó là không hợp pháp.
Do bản di chúc của bà bạn là không hợp pháp nên phần di sản bà để lại sẽ được chia thừa kế theo pháp luật theo quy định tại Điều 675 Bộ Luật dân sự 2005.
Điều 675. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
“1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;”
Đồng thời mẹ và hai dì của bạn sẽ được hưởng thừa kế với phần di sản như nhau do cùng thuộc hang thừa kế thứ nhất theo Điều 676 Bộ Luật dân sự 2005.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự qua tổng đài: 1900.6568
Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.”