Người lao động đi xuất khẩu lao động về nước trước thời hạn do không đảm bảo sức khỏe. Doanh nghiệp dịch vụ không thực hiện đúng quy trình khám sức khỏe cho người lao động đi nước ngoài.
Người lao động đi xuất khẩu lao động về nước trước thời hạn do không đảm bảo sức khỏe. Doanh nghiệp dịch vụ không thực hiện đúng quy trình khám sức khỏe cho người lao động đi nước ngoài.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi xin phép hỏi một vấn đề và xin được tư vấn giải đáp: Vừa rồi tôi tham gia một khóa xuất khẩu lao động nhật bản ở công ty xuất khẩu HTD đóng trụ sở ở Vạn Phúc – Hà Đông – Hà Nội. Ngày 26/2/2016 tôi được thi tuyển đơn hàng và đã trúng tuyển dự kiến ngày 10/7/2016 sẽ xuất cảnh. Trước khi đến công ty thi tuyển thì tôi đã tham gia học nguồn ở chi nhánh của công ty bên Sóc Sơn tháng 11/2015 và được công ty bên Sóc Sơn đưa đi khám sức khỏe nhưng tôi không được biết giấy khám sức khỏe của mình bác sỹ kết luận như thế nào và khi đỗ đơn hàng ngày 26/2/2016 công ty nói sức khỏe không sao nhưng trong quá trình học thì tôi lai được xuất cảnh sớm hơn dự kiến. Ngày 3/6/2016 tôi bay sang Nhật Bản khi sang đó đến ngày 18/6/2016 tôi được phía bên Nhật cho đi khám lại sức khỏe thì phát hiện mình bị viêm gan và tôi bị đuổi về nước. Trước khi đi công ty bên Việt Nam không đưa tôi đi khám lại sức khỏe và theo như tôi tìm hiểu thì bắt buộc phải khám it nhất 2 lần trước khi bay 1 lần lúc vào thi tuyển và 1 lần trước khi bay 10-15 ngày. Bây giờ tôi bị về nước và đã làm việc với công ty yêu cầu công ty hoàn trả lại số tiền tôi đã đóng là 6800USD trong đó gồm 600 USD tiền học và 6200 USD tiền phí xuất cảnh, thì công ty không đông ý và nói đó là do rủi ro nên chỉ hỗ trợ lại 3400 USD, nhưng trong hợp đồng tôi ký với công ty có ghi rõ nếu bị về nước mà không phải do lỗi người lao động thì công ty môi giới phải hoàn trả và bồi thường cho người lao động nhưng bây giờ họ không nhận lỗi vậy bây giờ cho tôi hỏi trường hợp của tôi là lỗi do tôi hay do công ty và tôi phải làm thế nào? Xin cảm ơn và rất mong luật sư giúp đỡ!!!.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006
2. Nội dung tư vấn:
Theo Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 có quy định về nội dung Hợp đồng cung ứng lao động, Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài giữa 2 bên như sau:
Điều 17:
“1. Hợp đồng cung ứng lao động phải phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận người lao động và có những nội dung chính sau đây:
a) Thời hạn của hợp đồng;
b) Số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài; ngành, nghề, công việc phải làm;
c) Địa điểm làm việc;
d) Điều kiện, môi trường làm việc;
đ) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
e) An toàn và bảo hộ lao động;
g) Tiền lương, tiền công, các chế độ khác và tiền thưởng (nếu có); tiền làm thêm giờ;
h) Điều kiện ăn, ở, sinh hoạt;
i) Chế độ khám bệnh, chữa bệnh;
k) Chế độ bảo hiểm xã hội;
l) Điều kiện chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và trách nhiệm bồi thường thiệt hại;
m) Trách nhiệm trả chi phí giao thông từ Việt Nam đến nơi làm việc và ngược lại;
n) Tiền môi giới (nếu có);
o) Trách nhiệm của các bên khi người lao động bị chết trong thời gian làm việc ở nước ngoài;
p) Giải quyết tranh chấp;
q) Trách nhiệm giúp đỡ người lao động gửi tiền về nước.
2. Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và
Hợp đồng lao động phải có các nội dung cụ thể, phù hợp với nội dung của Hợp đồng cung ứng lao động. Các thỏa thuận về tiền môi giới, tiền dịch vụ, tiền ký quỹ của người lao động phải được ghi trong Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.3. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định mẫu và nội dung của Hợp đồng cung ứng lao động, Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với từng thị trường lao động.”.
Cụ thể hợp đồng giữa bạn và công ty xuất khẩu HTD là hợp đồng đưa người lao động đi nước ngoài, nội dung của hợp đồng có nội dung cụ thể, phù hợp với hợp đồng cung ứng lao động, do đó công ty phải co trách nhiệm đưa bạn đi khám sức khỏe đầy đủ, đảm bảo yêu cầu về sức khỏe của bên tuyển dụng nước ngoài. Nếu trong hợp đồng không có thỏa thuận thì việc bạn không đi khám sức khỏe trước khi xuất khẩu lao động đã trái với quy định của pháp luật về hồ sơ đi làm việc ở nước ngoài, do đó trường hợp này bạn phải tự chịu trách nhiệm về thiếu sót của mình. Nếu theo hợp đồng việc tổ chức khám sức khỏe do công ty môi giới xuất khẩu lao động đảm nhiệm thì công ty phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc này và bồi thường cho bạn.
“Điều 27. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp dịch vụ
2. Doanh nghiệp dịch vụ có các nghĩa vụ sau đây:
a) Các nghĩa vụ quy định tại các điều 13, 16, 18, 23, 24, 25 và 26 của Luật này;
b) Trực tiếp tuyển chọn người lao động và không được thu phí tuyển chọn của người lao động. Khi tuyển chọn lao động tại địa phương, doanh nghiệp phải thông báo với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; định kỳ sáu tháng, một năm báo cáo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về kết quả tuyển chọn và số lượng người lao động của địa phương đã được đưa đi làm việc ở nước ngoài;
c) Phối hợp với chính quyền địa phương thông báo công khai, cung cấp cho người lao động đầy đủ các thông tin về số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn và các điều kiện của Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
d) Tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết, tổ chức hoặc liên kết với cơ sở dạy nghề, cơ sở đào tạo để dạy nghề, bổ túc tay nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với yêu cầu của từng thị trường lao động;
đ) Tổ chức quản lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động do doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài;
e) Phối hợp với bên nước ngoài giải quyết các vấn đề phát sinh khi người lao động chết, bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, bị bệnh nghề nghiệp, bị xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và giải quyết tranh chấp liên quan đến người lao động;
g) Báo cáo và phối hợp với cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài quản lý và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài;
h) Bồi thường cho người lao động, người bảo lãnh về những thiệt hại do doanh nghiệp gây ra theo quy định của pháp luật;
i) Thanh lý Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với người lao động theo quy định của pháp luậòa
k) Đóng góp vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của Luật này;
l) Định kỳ hằng năm, đột xuất báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về tình hình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.”
Điều 73. Giải quyết tranh chấp
1. Tranh chấp giữa người lao động và doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được giải quyết trên cơ sở hợp đồng ký giữa các bên và quy định của pháp luật Việt Nam.
>>> Luật sư tư vấn pháp
Vê trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp khi có tranh chấp đó là bồi thường cho người lao động những thiệt hại do doanh nghiệp gây ra và giải quyết tranh chấp dựa trên cơ sở của hợp đồng. Trong hợp đồng giữa bạn và công ty xuất khẩu HTD có ghi rõ “nếu bị về nước mà không phải do lỗi người lao động thì công ty môi giới phải hoàn trả và bồi thường cho người lao động”. Như vậy, việc bạn bị về nước là do công ty xuất khẩu HTD đã không thực hiện đúng quy trình khám sức khỏe trước khi đưa người lao động ra nước ngoài, không khám sức khỏe đầy đủ nên không phát hiện bệnh của bạn, gây ra thiệt hại cho bạn nên công ty phải hoàn trả chi phí và bồi thường cho bạn như quy định trong hợp đồng. Nếu công ty không hoàn trả chi phí và bồi thường bạn có thể làm đơn khởi kiện lên tòa án nhân dân cấp Huyện nơi công ty xuất khẩu HTD có trụ sở theo quy định tại Điều 32 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015.